Kết luận kiểm tra Tình hình triển khai thực hiện quy hoạch KCN, KCX vùng Đông Nam Bộ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trên cơ sở báo cáo của Đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện quy hoạch KCN, KCX vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận như sau:

I. VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH KCN, KCX VÙNG ĐÔNG NAM BỘ.

1. Những mặt được:

Xây dựng và thành lập các KCN, KCX cơ bản phù hợp với các quy hoạch được duyệt:

Vùng Đông Nam Bộ có 73 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích đất quy hoạch là 19.544 ha. Tất cả các KCN này đều có trong Quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 519/TTg ngày 6/8/1996, số 713/TTg ngày 30/8/1997 và số 194/1998/QĐ-TTg ngày 01/10/1998; Quy hoạch phát triển KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1107/2006/QĐ-TTg ngày 21/8/2006; hoặc đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng KCN. Ngoài ra, các KCN đó được thành lập đều phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và Quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm của các địa phương.

Triển khai thực hiện quy hoạch về cơ bản các KCN đều thực hiện theo quy hoạch chi tiết hoặc điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt theo qui định:

– Trong các KCN đã thành lập và đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN của vùng Đông Nam Bộ, nhiều KCN, KCX thực hiện phát triển theo đúng các thủ tục đã qui định như quyết định thành lập, quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở nhiều KCN được thực hiện khá hoàn chỉnh và đồng bộ đã tạo cảnh quan đẹp như các công viên công nghiệp, ví dụ như KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung I (Thành phố Hồ Chí Minh), KCN AMATA, KCN Biên Hòa II (Đồng Nai), KCN Đồng An, KCN VSIP (Bình Dương) …

– Hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào KCN trong những năm qua đã có nhiều cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và phát triển của các KCN, KCX trên địa bàn.

2. Những vấn đề còn hạn chế, sai sót:

Chậm triển khai thực hiện quy hoạch KCN tại một số địa phương:

– Một số KCN đã được phê duyệt, nhưng chậm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng như KCN Phong Phú, Tân Phú Trung (TP. Hồ Chí Minh); KCN Mỹ Xuân B1 (Bà Rịa – Vũng Tàu); KCN An Phước, Nhơn Trạch VI (Đồng Nai), ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, hiệu quả sử dụng đất, làm hạn chế đến việc kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của các KCN trong khu vực;

– Một số chưa được triển khai thực hiện như Long Hương, Phước Thắng, Long Sơn, Bến Đình (Bà Rịa – Vũng Tàu), hoặc khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng nên không được triển khai phát triển KCN như cụm 3 và cụm 4 của KCN Trảng Bàng (Tây Ninh);

– Một số KCN đã được Thủ tướng cho phép thành lập nhưng tỉnh không phát triển KCN như KCN Gò dầu – Phú Thọ (Bình Dương) hoặc chuyển sang phát triển thành cụm công nghiệp như KCN An Phú, Tân Định, Phú Hòa (Bình Dương);

– Một số KCN không phát triển vì ảnh hưởng đến quốc phòng như KCN Trâm Vàng (Tây Ninh).

Chưa thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo quy định:

– Một số KCN mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai các thủ tục thành lập KCN đã triển khai thu hút đầu tư như Tân Thành, Tân Khai… (Bình Phước);

– Ở một số KCN trong qui hoạch có qui mô diện tích trên 500 ha, có nhiều chủ đầu tư tham gia kinh doanh xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa tiến hành lập qui hoạch chung trước khi triển khai lập qui hoạch chi tiết cho từng phần khu riêng … nên khó bảo đảm tính thống nhất và tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật trong toàn khu;

– Một số KCN thực hiện có qui mô diện tích giảm so với diện tích theo qui hoạch, do không giải phóng được mặt bằng (như KCN Tân Thới Hiệp, KCN Cát Lái IV – TP. Hồ Chí Minh; Tân Đông Hiệp B- Bình Dương) hoặc chuyển một phần sang mục đích sử dụng khác như xây dựng nhà ở cho người lao động, khu tái định cư, khu vui chơi khác ( như KCN Chơn Thành- Bình Phước). KCN Mỹ Xuân A2 (Bà Rịa- Vũng Tàu) giảm 22 ha để xây dựng nhà ở cho công nhân…

– Trong quá trình thực hiện quy hoạch KCN, một số KCN phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp với tình hình thực tế của việc sử dụng đất trong KCN nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh kịp thời theo qui định như KCN Tây Bắc Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh); KCN Nhơn Trạch III , KCN Bàu Xéo(Đồng Nai); Tân Đông Hiệp A (Bình Dương)….

– Còn nhiều KCN có các hạng mục hệ thống đường giao thông, hệ thống thóat nước, cây xanh, trạm xử lý nước thải tập trung … chưa được đầu tư kịp với tiến độ phát triển của KCN và thu hút đầu tư như các KCN của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, ….

– Một số KCN, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu phát triển của KCN trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện .. và các công trình hạ tầng xã hội khác như nhà ở cho người lao động và các dịch vụ xã hội khác;

– Hạ tầng giao thông bên ngoài hàng rào các KCN chưa được đầu tư đồng bộ với tốc độ phát triển KCN. Mạng lưới đường giao thông còn thiếu, chưa kết nối liên hoàn các KCN với nhau; chất lượng các tuyến đường chính chưa đạt chuẩn, không đảm bảo tải trọng cho phương tiện vận tải nặng lưu thông làm hạn chế sự phát triển các KCN theo qui mô định hình và khả năng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Như tại KCN Linh Trung III, đường hiện hữu vào KCX và CN Linh Trung III vẫn đảm bảo xe contener vào, tuy nhiên chưa được nâng cấp mở rộng kịp thời nên ảnh hưởng đến hoạt động cũng như việc thu hút đầu tư vào khu; KCN Hố Nai (Đồng Nai) đường vào KCN nhỏ… ảnh hưởng đến hoạt động của KCN và thu hút đầu tư của cả khu;

– Ngành điện lực đã có nhiều cố gắng để cung cấp điện ổn định cho các KCN. Tuy nhiên, tình hình cung cấp điện cho các KCN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cao cho hoạt động sản xuất công nghiệp, vẫn còn hiện tượng bị sụt điện hay cắt điện không báo trước như các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…

– Còn có không ít các KCN phát triển tại các khu vực chưa có nguồn nước cung cấp, các KCN phải tự khai thác nước ngầm và tự xử lý nguồn nước để cung cấp cho các doanh nghiệp trong KCN;

– Ở một số KCN đường thoát nước thải ngoài KCN chưa được quan tâm đầu tư ảnh hưởng đến hoạt động và tình hình đầu tư của các KCN như KCN Linh Trung III (Tây Ninh), KCN VINATEX – Tân Tạo (KCN Dệt May-Đồng Nai), …

II. VỀ SỬ DỤNG ĐẤT VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ TRONG CÁC KCN

1. Những mặt được:

Các nhà đầu tư thuê đất trong các KCN, KCX đã đi vào hoạt động trong vùng cơ bản phù hợp với mục đích sử dụng, thời gian sử dụng đã được phê duyệt:

– Triển khai thu hút đầu tư vào các KCN tại vùng Đông Nam Bộ khá nhanh chóng, đạt hiệu quả sử dụng đất khá cao. Trong 73 KCN đang hoạt động thuộc vùng Đông Nam Bộ, diện tích đất đã cho thuê được 7518 ha, chiếm tỷ lệ 60 % diện tích đất có thể cho thuê, cao hơn so với trung bình cả nước (54,5%), trong đó có nhiều KCN đạt tỷ lệ lấp đầy cao (đặc biệt có 14 KCN có tỷ lệ lấp đầy 100%). Đến nay khoảng trên 60 % diện tích đất KCN đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ các KCN đã đầu tư hoàn chỉnh các hạ mục hạ tầng kỹ thuật như Trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống giao thông, các công trình tiện nghi, tiện ích công cộng (trung tâm điều hành, cây xanh…) cao nhất trong cả nước, đặc biệt là các KCN, KCX có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN là nhà đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài;

– Ngoài các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu chế xuất, các khu công nghiệp trên vùng đã thu hút được 3.004 dự án (với 1.886 dự án nước ngoài và 1118 dự án trong nước) chiếm 59,4 % số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong cả nước. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào các khu công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ đạt 17.522 triệu USD và 68.789 tỷ đồng(chiếm 80,4% so với tổng vốn ĐTNN và 63% so với tổng vốn ĐTTN đăng ký vào các KCN, KCX cả nước);

– Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện tại các doanh nghiệp có vốn ĐTNN đạt 55.5 %, tại các doanh nghiệp ĐTTN đạt 80%. Tỷ lệ lấp đầy diện tích công nghiệp có thể cho thuê đạt 60% (cao hơn mức trung bình cả nước 54%). Trong đó, tỷ lệ lấp đầy các KCN VSIP là 97%, TPHCM- 69%, Tây Ninh-64%, Bà Rịa – Vũng Tàu-64%, Đồng Nai: 62%, Bình Dương-50%. Nhiều KCN tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã hoàn thành xong xây dựng cơ sở hạ tầng tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê;

– Các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn Vùng Đông Nam Bộ đã tạo việc làm cho trên 716 nghìn lao động trực tiếp. Số lao động này chủ yếu tập trung tại các KCN, KCX của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Các khu công nghiệp và khu chế xuất không những thu hút lao động địa phương mà còn thu hút lao động từ địa phương khác. Một số tỉnh có tỷ lệ lao động ngoại tỉnh rất cao như Bình Dương chiếm khoảng 90% tổng số lao động Việt Nam làm việc ở các khu công nghiệp;

– Các khu công nghiệp, khu chế xuất đã góp phần rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Vùng Đông Nam Bộ cũng như cả nước;

– Các KCN, KCX vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế – xã hội của vùng mà còn đi đầu trong phát triển các KCN, KCX của cả nước.

2. Những vấn đề còn hạn chế, sai sót:

Hiện nay, tại một vài KCN, nhà đầu tư chưa sử dụng đúng mục đích sử dụng đất. Có doanh nghiệp KCN xây dựng nhà nghỉ giữa ca, nhà chuyên gia trong KCN. Một vài nhà đầu tư thứ cấp có thời gian thuê đất khá lâu nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hoặc triển khai chưa hết diện tích đất thuê nên hạn chế hiệu quả sử dụng đất ;

Tỷ lệ các KCN đã xây dựng xong trạm xử lý nước thải, trồng cây xanh và các công trình tiện nghi và tiện ích công cộng theo kịp tiến độ phát triển của KCN vẫn còn chưa đáp ứng theo yêu cầu. Như KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh, Bình phước, …

III. VỀ CÔNG TÁC ĐỀN BÙ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG:

1. Những mặt được:

– Phần lớn các địa phương đều triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng khẩn trương, tích cực và đạt kết quả tốt. Một số địa phương điển hình là Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai;

– Khi thành lập các KCN mới, tỉnh Bình Dương đều quy hoạch các khu tái định cư ngay cạnh các khu vực liền kề KCN để người dân trong diện di dời có thể kinh doanh các dịch vụ phục vụ KCN hoặc được đền bù diện tích bị mất ở những vị trí thuận lợi hơn để tổ chức cuộc sống mới sau khi di dời, nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh chóng và thuận tiện.

2. Những vấn đề còn hạn chế, sai sót:

– Tuy ở mức độ khác nhau, nhưng cho đến nay 6 tỉnh được kiểm tra đều có những tồn tại trong công tác GPMB. Nhiều diện tích đất KCN chưa giải phóng được mặt bằng, nhất là tại các KCN đang trong quá trình triển khai xây dựng và mở rộng diện tích: Thành phố Hồ Chí Minh Chậm trong việc phê duyệt phương án ĐBGPMB KCN Phong phú; Đồng Nai hiện có hàng trăm ha đất đã được các Doanh nghiệp đăng ký thuê nhưng vẵn chưa giải phóng được mặt bằng(Hố Nai; Amata, Thạch Phú mỗi nơi có 30- 40 ha ); Bà Rịa -Vũng Tàu diện tích đã được bồi thường GPMB của 9 KCN mới đạt khoảng 73 %, còn gần 1000 ha đất chưa được bồi thường và chưa giải phóng mặt bằng; Bình Dương, tại KCN Sóng Thần 2 không thể đền bù được 34 ha, chủ đầu tư dự kiến phải điều chỉnh giảm diện tích KCN; Bình Phước chưa dứt điểm giải phóng đền bù tại KCN Chơn Thành, …

– Tiến độ triển khai quy hoạch khu tái định cư và ổn định đời sống cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng và nhà ở cho người lao động ở các KCN tại nhiều địa phương còn chậm;

– Việc quản lý quĩ đất đã qui hoạch của các cơ quan quản lý địa phương và ý thức của một bộ phận dân còn hạn chế dẫn đến việc khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số KCN;

– Việc giải quyết tái định cư và ổn định đời sống cho người dân ở một số KCN chưa đảm bảo do nguồn vốn của chủ đầu tu hạn chế và bố trí quĩ đất chưa kịp thời.

IV. VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CÁC KCN:

1. Những mặt được:

Các địa phương đã chú ý nhiều hơn tới việc đảm bảo các vấn đề liên quan đến môi trường trong phát triển các KCN, đặc biệt là các KCN, KCX có các nhà đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư hạ tầng. Ban quản lý KCN, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty phát triển hạ tầng và doanh nghiệp KCN đã có sự phối hợp trong việc kiểm soát môi trường trong KCN. Bình Dương là tỉnh có nhiều KCN có nhà máy xử lý nước thải nhiều nhất trong vùng, KCN VSIP II tiến hành triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung ngay từ khi bắt đầu xây dựng hạ tầng trong KCN. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều biện pháp cứng rắn trong việc yêu cầu các KCN phải hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung trong năm 2007 và cho vay theo chương trình kích cầu để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN. Một số KCN thực hiện khá tốt việc trồng cây xanh tạo cảnh quan KCN bảo vệ môi trường như: Đồng An, VSIP (Bình Dương); KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung (TP HCM)…

2. Những vấn đề còn hạn chế, sai sót:

– Tỷ lệ KCN đã xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải tập trung so với ttổng số các KCN của toàn vùng là rất thấp (26/ 73 bằng 35 %);

– Một số KCN có sự nhầm lẫn trong việc tính trùng lắp diện tích đất trồng cây xanh hai bên đường giao thông với diện tích đất dành cho đường giao thông;

– Nhiều KCN còn chậm triển khai việc trồng cây xanh hai bên đường giao thông, cũng như ccây xanh trong các khuân viên nhà máy;

V. VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG NHÀ Ở CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG KCN, KCX.

1. Những mặt được:

Nhìn chung các địa phương đã bước đầu quan tâm đến vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động, đã qui hoạch khu tái định cư và giành quĩ đất để xây dựng khu nhà ở cho chuyên gia, cho người lao động. Một số doanh nghiệp trong các KCN đã xây dựng nhà ở cho công nhân với tiện ích công cộng khá thuận lợi như: KCX Tân Thuận, KCN Tân Bình (TP HCM); Nhơn Trạch III- giai đoạn 1, Sông Mây, Nhơn Trạch I, Long Thành, Sông Mây (Đồng Nai); Nhà máy điện Phú Mỹ, nhà máy thép VINAKYOEI (Bà Rịa – Vũng Tàu); KCN Mỹ Phước 1 và Mỹ Phước 2, Sóng Thần 2 (Bình Dương); KCX&CN Linh Trung III (Tây Ninh).

2. Những vấn đề còn hạn chế, sai sót:

– Số lượng ký túc xá (KTX) xây dựng chưa nhiều, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động trong các KCN từng vùng còn rất thấp. Thành phố có TP Hồ Chí Minh và Bình Dương là hai địa phương có nhiều doanh nghiệp xây dựng khu KTX cho người lao động nhất cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nhà ở cho người lao động;

– Đa số người lao động trong các KCN phải tự thuê nhà trọ của người dân ở các khu vực xung quanh, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn;

– Còn tình trạng các khu nhà ở đã xây dựng tương đối khang trang, liền kề KCN, giá thuê không cao (khoảng 70-80 ngàn đồng/người/tháng), nhưng việc thu hút người lao động vào thuê nhà tại các khu này còn hạn chế, do chưa phù hợp với thói quen sinh hoạt và nhu cầu cá nhân khác của người lao động;

– Còn hiện tượng đầu tư xây dựng nhà nghỉ giữa ca cho công nhân trong KCN nhưng sử dụng không đúng mục đích, như ở Khu Formosa (Nhơn trạch III Đồng Nai).

VI. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG KCN:

1. Những mặt được:

Vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư ở một số KCN vùng khó khăn và các khu thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách di rời các xí nghiệp ô nhiễm trong nội thành ra ngoại thành. Nhìn chung đầu tư, sử dụng vốn đúng mục đích và tiến độ dự án được duyệt.

2. Những vấn đề còn hạn chế, sai sót:

Bố trí vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN như đường giao thông, hệ thống thoát nước thải tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và làm chậm tiến độ thu hút đầu tư vào các KCN.

VII. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở thực tế về tình triển khai thực hiện quy hoạch các KCN, KCX vùng Đông Nam Bộ (nêu trên), Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trong vùng Đông Nam Bộ:

– Chỉ đạo các cơ quan liên quan có trách nhiệm về công tác giải phóng mặt bằng các KCN: Xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng, tránh để vụ việc kéo dài, tiếp tục phát sinh các vấn đề khác; UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc về sử dụng đất đai giữa các doanh nnghiệp hiện hữu và Ban quản lý KCN Bắc Củ Chi; UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc giải phóng Mặt bằng để mở rộng đường vào KCN….

– Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào, các khu tái định cư, khu nhà ở công nhân và các công trình dịch vụ khác;

– Về kiến nghị điều chỉnh và bổ sung qui hoạch các KCN đến năm 2020 đề nghị các địa phương xây dựng đề án, trình phê duyệt theo qui định hiện hành;

– Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các KCN không có khả năng triển khai hoặc khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng;

– Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung sửa đổi chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động tại các KCN;

2. Các Ban Quản lý các KCX & KCX các Tỉnh và Thành phố trong vùng Đông Nam Bộ cần thực hiện một số công việc như sau:

1. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy hoạch chi tiết của các KCN; hướng dẫn các Công ty hạ tầng bổ sung, hoàn thiện đúng thủ tục pháp lý về thay đổi quy hoạch chi tiết tại các KCN có sự thay đổi. Lưu ý việc dành diện tích trồng cây xanh và diện tích đường giao thông đúng quy hoạch, tránh tính trùng lắp giữa hai loại diện tích này;

2. Kiểm tra, thống kê và đề xuất giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đối với những nhà đầu tư thứ cấp đã thuê đất nhưng chưa triển khai dự án hoặc vẫn còn đất thuê dự trữ chưa triển khai theo tiến độ đăng ký và xử lý theo quy định theo Luật Đất đai;

3. Đôn đốc các Công ty kinh doanh hạ tầng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại KCN, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường KCN;

4. Phối hợp với sở Tài nguyên Môi trường tăng cường công tác quản lý, kiểm soát môi trường KCN, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN.

Theo Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư