Khó khăn hiện rõ với doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phần lớn các doanh nghiệp này đến từ Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc tập trung hoạt động sản xuất nhiều ở các khu chế xuất và khu công nghiệp.

Theo thống kê mới nhất của Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), đến nay có đến gần 50 doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp và khu chế xuất TPHCM gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.

Điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động; khoảng 8.000 người bị mất việc làm và 11.000 người khác bị giảm việc làm ít ngày. Cụ thể, một số người lao động giờ đây chỉ làm việc 3 – 4 ngày/tuần thay vì 6 ngày như trước đây.

Theo thống kê của Phòng xuất nhập khẩu HEPZA, kim ngạch xuất khẩu quí 1 của các doanh nghiệp tại ba khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1 và Linh Trung 2 đạt gần 400 triệu đô la Mỹ, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp của ba khu này chỉ đạt hơn 210 triệu đô la Mỹ, giảm đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ lượng hàng xuất khẩu giảm sút mà việc nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc cho sản xuất trong thời gian qua đối với doanh nghiệp nước ngoài cũng giảm, cho thấy doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công sản xuất linh kiện ô tô, điện tử, nhựa hay các sản phẩm cơ khí khác với đơn hàng giảm từ 30 – 70%.

Furukawa Automotive Parts Vietnam (FAPV) là công ty 100% vốn đầu tư của Nhật, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử cho ngành ô tô, hoạt động trong khu chế xuất Tân Thuận TPHCM, là một trong những doanh nghiệp lớn đã đóng góp cho doanh số xuất khẩu tại các khu chế xuất tại TPHCM tăng cao trong nhiều năm qua, giờ đây đang đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng bị giảm sút nghiêm trọng bởi các khách hàng của công ty là các hãng ô tô lớn đã giảm lượng đơn hàng.

Tại cuộc tọa đàm với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức ở TPHCM gần đây, ông Takagi Tomokazu, Tổng giám đốc FAPV, cho biết rất khó khăn để đào tạo công nhân có tay nghề trong thời gian qua nhưng công ty cũng buộc phải ra quyết định cắt giảm đi 2.000 lao động trong số 8.000 công nhân của công ty kể từ tết Nguyên đán.

Với kết quả kinh doanh của quí 1 vừa rồi quá khó khăn, cùng với lượng đơn hàng giảm liên tục, ông Tomokazu dự báo khả năng trong năm nay doanh số xuất khẩu của công ty chỉ đạt 50% so với năm 2008, tức đạt khoảng 100 triệu đô la Mỹ.

Tình trạng khó khăn này cũng xảy ra ở các doanh nghiệp Nhật khác như Công ty Toyo Precision (Nhật) chuyên sản xuất linh kiện máy may bị giảm số lượng đơn hàng lớn. Hoặc Công ty Sanyo Di Solutions chuyên sản xuất máy ảnh kỹ thuật số ở khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai) đã cắt giảm hơn 1.200 lao động và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm.

Một công ty khác của Nhật là Yazaki EDS Vietnam, có nhà máy sản xuất linh kiện ô tô cho hãng Toyota cho biết trong ba tháng đầu năm nay, doanh số xuất khẩu của Yazaki chỉ đạt 17 triệu đô la Mỹ, bằng 31% so cùng kỳ 2008. Khó khăn này đã đưa công ty đi đến quyết định cắt giảm hơn 1/3 lao động trong tổng số 6.300 lao động làm việc tại nhà máy của họ ở tỉnh Bình Dương.

Theo bà Lê Thị Bé Tuyết, Trưởng phòng xuất nhập khẩu công ty, tất cả các khoản chi phí nào có thể cắt giảm được, công ty đều giảm hết.

Ông Trần Thiện Tứ, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu chế xuất và khu công nghiệp, cũng cho biết gần đây nhiều doanh nghiệp nước ngoài than khó trong việc mất đơn hàng vì khó khăn chung trên toàn cầu.

Theo HEPZA, hầu hết các doanh nghiệp trong các khu chế xuất và khu công nghiệp đều bị ảnh hưởng lớn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa tại ba khu chế xuất ở TPHCM giảm 9% và tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 30% so vùng kỳ năm 2008.

Tuy nhiên, theo HEPZA mức giảm này vẫn chưa phản ánh đầy đủ bức tranh khó khăn về thị trường tiêu thụ, do thông thường các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng của các năm trước cho đến hết quí 1 của đầu năm sau. Do đó, dự kiến quí 2 năm nay kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ có chiều hướng tiếp tục giảm tương tự quí 1 vừa qua.

Tình trạng này cho thấy nhiều lao động hoạt động trong ngành điện tử, cơ khí, linh kiện xe hơi… sẽ tiếp tục bị mất và bị giảm việc do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Thật vậy, việc kinh tế thế giới khi nào hồi phục gần như chưa có câu trả lời chính xác, bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật, châu Âu… vẫn còn khó khăn. Do đó, doanh nghiệp hiện đang cố gắng xoay xở tìm kiếm khách hàng mới để tồn tại hoặc cắt giảm lao động. Nhiều doanh nghiệp cho biết mặc dù khó khăn nhưng họ đang cố gắng duy trì sản xuất để giữ lao động vì việc đào tạo lực lượng lao động trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí… rất khó khăn trong thời gian qua.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp vẫn tin tưởng rằng tình hình sẽ sớm ổn định trở lại vì trong số gần 50 doanh nghiệp hoạt động tại các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM gặp khó khăn thì có 9 doanh nghiệp thông báo có đơn hàng mới như Công ty Nidec Copal cần 1.000 lao động, công ty Kollan cần 1.200 lao động.

Bên cạnh các doanh nghiệp giảm lao động, HEPZA cho biết có khoảng 40 doanh nghiệp khác thiếu hụt lao động đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 11.000 lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhu cầu này chủ yếu thuộc ngành may, da giày, chế biến thủy sản nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng vì không đủ nhà trọ, điều kiện đi lại không thuận lợi và lao động ngành điện tử, cơ khí không muốn chuyển đổi sang ngành may mặc hoặc da giày với mức lương và điều kiện lao động thấp hơn.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online