Khoảng 3-4 triệu người có thu nhập đến mức chịu thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sẽ cấp mới khoảng 12 triệu mã số thuế

Theo ông Nguyễn Huy Trường – Trưởng ban Thuế TNCN, dự tính, đối tượng cần phải đăng ký thuế và cấp mã số thuế vào khoảng 15 triệu người. Trong đó, lớn nhất là người làm công ăn lương với khoảng 11 – 11,5 triệu người.

Tiếp đến là người kinh doanh: Khoảng 2 triệu; rồi đến các cá nhân đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn vào khoảng 1 triệu; còn lại là các đối tượng khác vào khoảng 500 nghìn. Tuy nhiên, hiện có khoảng 3 triệu trường hợp đã có mã số thuế. Do vậy, thực chất cơ quan thuế chỉ phải rà soát, cấp mới mã số thuế cho khoảng 12 triệu người.

Còn các tổ chức chi trả thu nhập và cá nhân đã có mã số thuế sẽ được tiếp tục sử dụng mã số thuế đã cấp mà không phải đăng ký thuế lại. Trong đó, theo tính toán của Tổng cục Thuế, số người có thu nhập đến mức chịu thuế vào khoảng 3-4 triệu người.

“Để triển khai việc đăng ký và cấp mã số thuế, nhất thiết phải ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, nếu phần mềm ứng dụng tin học vận hành chậm hơn dự kiến thì trước mắt chúng tôi sẽ tổ chức đăng ký và cấp mã số thuế cho 3 đối tượng chủ yếu, đó là các đơn vị chi trả thu nhập (trừ các đơn vị đã có mã số thuế rồi; cá nhân kinh doanh và những người đang nộp thuế thu nhập cao” – ông Trường nói.

Ông Trường cũng cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho việc triển khai Luật Thuế TNCN vẫn đang được Tổng cục Thuế phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện. Dự kiến, tháng 8 này, Nghị định chi tiết thi hành Luật Thuế TNCN sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Thông tư hướng dẫn cũng đang được Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện.

Trên cơ sở đó, chậm nhất, trong tháng 9, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức tập huấn cho lãnh đạo Cục Thuế các địa phương để tuyên truyền cho các đơn vị chi trả thu nhập và cá nhân nộp thuế. Việc tập huấn này sẽ phải hoàn tất chậm nhất vào cuối tháng 11-2008 để đảm bảo Luật vận hành đúng 1-1-2009.

Đơn giản hóa thủ tục giảm trừ gia cảnh

Một trong những điểm được người dân quan tâm, đó là điểm gì khác biệt giữa thuế TNCN với thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện nay? Ông Trường phân tích, đối với thuế thu nhập cao, việc nộp thuế căn cứ vào thu nhập (lương trên 5 triệu đồng/tháng là đơn vị chi trả thu nhập sẽ khấu trừ và nộp NSNN).

Nhưng với Luật Thuế TNCN, mỗi cá nhân nộp thuế, ngoài phần giảm trừ cho bản thân là 4 triệu đồng/tháng còn được giảm trừ cho người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng với mức giảm trừ 1,6 triệu đồng/người/tháng; bao gồm cha, mẹ; vợ hoặc chồng và con cái…

Để được tính giảm trừ, người phụ thuộc phải đáp ứng được hai điều kiện: Nếu trong độ tuổi lao động thì phải là người tàn tật không có khả năng lao động. Người phụ thuộc phải là người không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức Chính phủ quy định…

Trả lời câu hỏi của phóng viên ANTĐ, các thủ tục giảm trừ gia cảnh được thực hiện ra sao nhằm hạn chế tối đa phiền phức cho người nộp thuế, ông Trường cho hay, cá nhân nộp thuế chỉ phải thực hiện một số thủ tục hành chính trên cơ sở giấy tờ đã có sẵn chứ không phải xin bất kỳ một xác nhận mới nào.

Chẳng hạn, nếu là bố, mẹ hoặc con cái thì cần có hộ khẩu hoặc giấy khai sinh; là vợ hoặc chồng thì có giấy đăng ký kết hôn và những loại giấy tờ này chỉ cần là bản sao, chỉ phải nộp một lần đầu khi kê khai chứ không phải làm đi làm lại hàng năm.

Điểm khó khăn nhất hiện nay, theo ông Trường, đó là việc đăng ký thuế đối với người làm công ăn lương. Ông nhấn mạnh: “Theo số liệu thống kê, số lượng người làm công ăn lương là rất lớn, nhiều người làm việc trong các đơn vị kinh tế tư nhân, có thể nhận thức pháp luật không cao, không dễ để họ tự giác đăng ký thuế.

Do vậy, việc đăng ký thuế đối với người làm công ăn lương cần có sự phối hợp rất chặt chẽ của đơn vị sử dụng lao động. Nếu các đơn vị kinh tế tư nhân, cá thể không hợp tác thì sẽ rất khó”.

Nguồn: Báo Điện tử An ninh thủ đô