Khối ngoại kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam dẫn đầu ASEAN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khối ngoại tin rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng so với khu vực trong năm 2021 và dòng chảy vốn FDI vẫn ổn định, miễn là chiến dịch tiêm phòng Covid-19 tiếp tục được triển khai.

Đại diện của YouGov cho rằng, tiêm phòng quốc gia là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của Việt Nam

Tin vào triển vọng tương lai

Cuối tháng 8/2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đưa ra nhận định, diễn biến Covid-19 trong 2 tháng 7 và 8 sẽ làm suy yếu sức phục hồi mạnh mẽ trước đây của Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn có thể lấy lại triển vọng tích cực. Kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 tăng trưởng 5,64% so với cùng kỳ, dù dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương kể từ cuối tháng 4.

Fitch Ratings vẫn giữ xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB và nâng triển vọng của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”, dựa trên khả năng chống chịu trước cú sốc đại dịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia Fitch Ratings cảnh báo, các biện pháp chống dịch sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng quý III/2021 và có thể kéo dài nếu dịch bệnh không được kiểm soát. Điều này gây ra rủi ro đáng kể đối với dự báo hiện tại của Fitch Ratings rằng, Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2021.

“Dẫu vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2021 là cao nhất trong số các quốc gia ASEAN được Fitch Ratings xếp hạng. Một số động lực tăng trưởng bị mất cũng có thể được hồi sinh trong các quý tiếp theo, khi sản lượng phục hồi, hoạt động xã hội trở lại bình thường, dù nguy cơ dịch bệnh tiếp tục kéo dài do tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 ở Việt Nam vẫn ở mức thấp”, chuyên gia của Fitch Ratings nói.

Ở khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, hoạt động sản xuất bị chững lại đang tác động đến mọi thứ, từ thực phẩm, đồ điện tử, đến giày dép và đồ nội thất. Các biện pháp phòng dịch không chỉ tác động đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ vào cuối năm nay và đến năm 2022.

“Thật khó chịu khi công việc và cuộc sống bị gián đoạn, nhất là khi sự bất định dai dẳng từ tuần này sang tuần khác, nhưng kiên nhẫn là cần thiết. Số lượng vắc-xin được phân phối đang tăng lên và nguồn cung dự kiến sẽ lớn hơn trong vài tháng tới”, đại diện AmCham bày tỏ.

Trong khi đó, lãnh đạo các công ty châu Âu tỏ ra sốt ruột với tình hình dịch Covid-19 và chiến dịch tiêm phòng ở Việt Nam, nhưng vẫn tự tin về triển vọng của công ty mình. Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, hiệu suất lao động sẽ được giữ nguyên hoặc cải thiện trong quý III/2021.

Ngoài ra, 80% doanh nghiệp châu Âu được hỏi khẳng định kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và đầu tư của họ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam, bất chấp những thách thức ngắn hạn.

FDI vẫn sáng

Bà Sagarika Chandra, Giám đốc nghiên cứu quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Fitch Ratings cho rằng, chương trình tiêm phòng Covid-19 của Việt Nam đã khởi đầu chậm. Fitch Ratings từng cảnh báo ở thời điểm đánh giá gần đây nhất vào tháng 4 rằng, một đợt bùng phát lớn xảy ra trước khi vắc-xin được triển khai vẫn là một nguy cơ đối với các dự báo của mình.

“Chúng tôi vẫn kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại hiện nay và từ các hiệp định thương mại như EVFTA và RCEP”, bà Sagarika Chandra nhận định.

Trong khi tỷ trọng GDP của ngành du lịch đã giảm còn 3,5% vào năm 2020 từ mức 9,3% năm 2019 và doanh thu du lịch được dự báo vẫn rất thấp vào năm 2022 do hậu quả của đại dịch, thì xuất khẩu, nhất là xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục là lực đẩy quan trọng cho kinh tế Việt Nam.

Xuất khẩu hàng hóa sẽ vẫn tăng mạnh sau mức tăng 26,2% trong 7 tháng qua. Hoạt động của một số nhà máy sản xuất, xuất khẩu tại Việt Nam đã bị gián đoạn do đợt bùng phát dịch gần đây, nhưng bằng chứng về tác động đến hoạt động xuất khẩu chung là chưa rõ ràng và Fitch Ratings cho rằng, tác động lên sản lượng chỉ là tạm thời.

Từ phía Tập đoàn nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế YouGov, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam đánh giá: “Bất chấp cú sốc ngắn hạn của làn sóng dịch thứ tư này, dữ liệu cho thấy triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực. Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu vẫn tính tới việc duy trì hoặc tăng số lượng nhân viên và kế hoạch đầu tư của họ – ngay cả trong bối cảnh dịch bùng phát hiện nay – điều này thể hiện niềm tin vào môi trường thương mại, đầu tư của Việt Nam vẫn được duy trì”.

Theo ông Thue Quist Thomasen, tiêm phòng quốc gia là một yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của Việt Nam. Xem các ví dụ ở Anh, Israel hoặc Canada, YouGov nhận thấy, một khi có 70-80% dân số được tiêm chủng, thì có thể mở cửa nền kinh tế trở lại bình thường.

“Việt Nam cũng đang trong đà phục hồi toàn cầu. Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam không bị sụt giảm doanh thu do điều kiện thị trường bên ngoài, nhưng lại bế tắc, thậm chí không thể đáp ứng được mục tiêu sản xuất và di chuyển như trước đây do dịch bệnh. Khi vắc-xin được cung cấp cho người dân, đặc biệt là công nhân tại các nhà máy sản xuất đó, chúng tôi hy vọng sẽ thấy sự phát triển tích cực trong lĩnh vực này”, đại diện YouGov nói.

Theo ông Thue Quist Thomasen, Chính phủ cũng tạo cơ hội cho người nước ngoài được tiêm phòng đầy đủ đến Việt Nam khi dịch chững lại. “Với thời gian cách ly ngắn hơn và nhiều cơ hội đầu tư, chúng tôi tin Việt Nam vẫn là điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư và du khách”, ông Thue Quist Thomasen tin tưởng.

Chủ tịch Eurocham, ông Alain Cany cho biết, lãnh đạo các công ty châu Âu tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của công ty họ, với gần 2/3 trong số doanh nghiệp này khẳng định sẽ duy trì hoặc tăng lượng đơn hàng và doanh thu trong quý III/2021.