Kịch bản nào cho tăng trưởng tín dụng năm 2013?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phân bổ chỉ tiêu tín dụng với xử lý nợ xấu

Ông Trần Văn Tần – Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – chia sẻ, với nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, “kịch bản” kinh tế Việt Nam trong năm 2013 có thể được dự đoán tăng trưởng kinh tế ở mức từ 5-6% (ADB dự báo con số này là 5,4%), chỉ số lạm phát sẽ duy trì ở mức 1 con số, trong khi thâm hụt ngân sách nhà nước và nhập siêu dưới 5%.

Từ những dự báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam, ông Tần dự kiến năm 2013 tập trung duy trì và kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ở mức từ 15-17%. “Tuy nhiên, chỉ tiêu này không áp dụng đồng đều cho mọi tổ chức tín dụng (TCTD) mà căn cứ vào tình hình cụ thể của từng TCTD để phân bổ chỉ tiêu cho phù hợp – ông Tần cho biết – Việc phân bổ chỉ tiêu tín dụng năm 2013 đưa ra kết hợp với xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng”.

Năm tới, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, như cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cho vay công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ bổ sung thêm lĩnh vực ưu tiên đối với những DN sử dụng nhiều lao động và cho vay có tác dụng kích cầu thị trường để giảm tồn kho cho DN, như cho vay mua nhà, cho vay xây dựng nông thôn mới…

Tăng trưởng tín dụng được đưa ra trên nguyên tắc phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác trong việc hỗ trợ các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, có ảnh hưởng đến đại bộ phận người nông dân, như lĩnh vực gạo, thủy sản, cà phê…

Giảm nợ xấu bằng các sản phẩm tín dụng dựa trên chuỗi liên kết

Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu của hệ thống các TCTD, năm tới, NHNN sẽ đưa ra các sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết sản xuất – thu mua – tiêu thụ các loại sản phẩm, như cho vay theo chuỗi của người nuôi, thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu (ví dụ cho vay DN chế biến xuất khẩu để trả tiền thu mua cá của dân…), cho vay liên kết giữa chủ đầu tư bất động sản (BĐS) với nhà thầu xây dựng, người cung cấp vật liệu xây dựng và người mua nhà…

Ưu điểm của loại sản phẩm tín dụng này là tạo ra một chu trình khép kín vốn tín dụng ngân hàng tham gia, tiết kiệm được nguồn vốn cho vay đối với một sản phẩm và bảo đảm tính an toàn của nguồn vốn tín dụng (dòng vốn tín dụng luôn luân chuyển trong hệ thống ngân hàng).

Bên cạnh việc “nới” đối tượng vay và đa dạng sản phẩm tín dụng, ngành ngân hàng sẽ tăng cường kiểm soát mục đích vay vốn và công tác thanh tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, việc cho vay được chuyển trực tiếp vào tài khoản của khách hàng đã tạo ra cơ hội cho nhiều DN sử dụng vốn vay sai mục đích, dẫn tới nợ xấu tăng dần lên, như có DN vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng lại đầu tư vào BĐS…

Một trong những nội dung ngành ngân hàng quan tâm trong tăng trưởng tín dụng thời gian tới là kết hợp giữa cho vay phát triển kinh tế với cho vay phục vụ mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, từng bước tăng nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng vào các chương trình tín dụng đối với người nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên, cho vay người nghèo về nhà ở. Đồng thời, kết hợp đồng bộ giữa chính sách tín dụng ngân hàng với các chính sách khác nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Riêng đối với lĩnh vực BĐS – hiện được coi là “điểm nghẽn” của nền kinh tế, trong năm 2013, cùng với nhiều giải pháp, ngành ngân hàng cho rằng cần có những công cụ tài chính để chuyển các khoản vốn tài trợ ngắn hạn thành trung, dài hạn, như thành lập các Quỹ tiết kiệm về nhà ở và hình thành Cơ quan tái thế chấp nhà ở quốc gia.

“Trong năm 2013, ngành Ngân hàng tiếp tục đầu tư cho xây dựng nhà ở và thị trường BĐS – ông Trần Văn Tần nói – Trong đó, tập trung nguồn vốn cho vay đối với nhà ở cho các đối tượng xã hội, các công trình sắp hoàn thành hoặc đang triển khai đúng tiến độ để sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, đồng thời cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ đối với các dự án thuộc phân khúc thị trường không phù hợp và đang gặp khó khăn, như các dự án nhà ở cao cấp, văn phòng cho thuê…”.

Việc kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay của các dự án sẽ được thực hiện. “NHNN cũng yêu cầu các TCTD xây dựng phương án xử lý nợ xấu đối với các DN BĐS, trong đó chỉ cho vay đối với các dự án BĐS mà chủ đầu tư có kinh nghiệm và bắt buộc phải có tỉ lệ vốn tự có nhất định tham gia dự án trước khi vay ngân hàng hoặc huy động từ các nguồn vốn khác” – ông Tần nói.                    

Bách Linh
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam