“Kích cầu” cho ngành cói Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thách thức về thị trường

Cói là loại cây có giá trị cao, trồng cói thu hoạch gấp ba lần trồng lúa. Từ chỗ sản xuất các mặt hàng thô, đơn giản như chiếu, bao bì, thảm, đệm, theo sự phát triển của kỹ thuật và nhu cầu thị trường, các sản phẩm cói liên tục được cải tiến thành nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ đa dạng, tinh xảo và có giá trị cao như mũ, giầy dép cói, túi xách, làn, hộp, lãng, khay cói…

Tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình, trồng và chế biến các mặt hàng cói xuất khẩu đã trở thành nghề chính của nông dân. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc sở Khoa học Công nghệ tỉnh Ninh Bình cho biết, huyện có đến 90% số làng đều có nghề sản xuất, chế biến các mặt hàng từ cây cói. Hàng nghìn hộ dân trong huyện đã làm giàu từ nghề truyền thống này. Huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long cũng triển khai chương trình phát triển trồng và chế biến cói giai đoạn 2006-2008 với vốn đầu tư tới gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, diện tích ở đây cũng chỉ khoảng 300 ha.

Sản lượng cói ở Thanh Hóa đạt khoảng 40 nghìn tấn/năm, trong đó xuất khẩu 70% còn lại là tiêu thụ trong nước. Kể từ đầu năm 2007 đến nay, cói nguyên liệu trong nước rớt giá chưa từng thấy, giá cói giảm tới 60-70%, cói dài là khoảng 5.000 đồng/kg, cói ngắn khoảng từ 1.500 đến 2.200 đồng/kg mà vẫn tiêu thụ chậm. Thị trường cói ảm đạm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của hơn năm vạn người dân trồng cói của tỉnh.

Ông Mai Bá Luyến, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, nơi có sản lượng cói lớn nhất cả nước cho biết, diện tích trồng cói ở huyện năm 2008 là 2.000 ha, giảm 500 ha so với năm trước. Năng suất cói hiện nay là khoảng 6 tấn/ha, Chi phí đầu vào cho ngành cói tăng như gía phân lân tăng, tiêu thụ chậm, nếu cân đối với chi phí đầu tư cho cây cói trên đầu sào thì người nông dân trồng cói chỉ hòa vôn, thậm chí lỗ. Đến nay, nhiều hộ bỏ ruộng không chăm sóc, mặc dù cói vụ chiêm năm 2008 rất dày chân.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do sự biến động về thị trường, trước hết là thị trường cói nguyên liệu, người trồng cói do thiếu thông tin nên bị ép giá. Việc tiêu thụ các sản phẩm từ cói chủ yếu là do tư thương quyết định cả đầu vào và đầu ra, điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến những hộ sản xuất cói có quy mô lớn. Khó khăn chính là sự minh bạch và tính liên kết giữa các tác nhân trong ngành hàng cói. Đó là lời khẳng định của ông Lê Trọng Cẩm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Thanh Hóa.

Các nhà khoa học cho rằng, hiện nay, chất lượng nguyên liệu cói ở các địa phương không đồng đều, kỹ thuật chế biến còn thủ công, mẫu mã sản phẩm cói ít cải tiến, sản phẩm còn nghèo nàn. Trong khi đó, hàng chiếu cói, thảm từ Trung Quốc “bắt mắt” đang bàn tràn lan trên thị trường. Điều này khiến ngay người dân dường như không mấy mặn mà với sản phẩm cói “nội”. Cải tiến mẫu mã và chất lượng để phát triển thị trường trong nước đang rất cần sự bắt tay chặt chẽ hơn nữa giữa nhà khoa học với doanh nghiệp. Tiềm năng sử dụng các sản phẩm cói từ thị trường hơn 80 triệu dân này là rất khả quan.

Một chiếc máy dệt cói nhập từ Trung Quốc đầu tư ban đầu với giá gần 200 triệu nhưng cho năng suất cao và giúp sản phẩm đẹp hơn, giá thành thấp hơn so với dệt bằng thủ công. Bà Trần Thị Việt, giám đốc Xí nghiệp Việt Trang cho biết, một đôi chiếu dệt bằng máy bán 60.000 đồng, đại lý đến mua tận nhà có lúc còn “cháy” hàng, trong khi đôi chiếu làm bằng tay có giá 70.000 đồng/đôi có lúc ế ẩm lắm.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, bỏ tiền đầu tư thiết bị sản xuất không phải là khó, vấn đề là tiếp thị đầu ra cho sản phẩm và đầu tư nguồn nhân lực để sản xuất hàng xuất khẩu quy mô, chuyên nghiệp. Bởi lẽ, sản phẩm cói Việt Nam tiêu thụ nội địa chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu qua xuất khẩu tới nhiều nước thuộc khối cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, trong đó xuất khẩu thông qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm thị phần đáng kể, với nguyên liệu thô như cói xe và cói chẻ.

Hướng đầu tư công nghệ

Ở Nga Sơn, cây cói đã được trồng từ mấy trăm năm nay nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào về việc chọn lọc, phục tráng giống cói. Giống cói chủ yếu được chọn lọc một cách tự phát từ những ruộng cói tốt và sạch bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân làm năng suất và chất lượng cói suy giảm.

Tiến sĩ Nguyễn Tất Cảnh, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu về cây cói nhiều năm qua đánh giá, hiện nay người trồng cói thường bón bình quân mỗi vụ là khoảng 1.000 kg đạm urê/ha. Trong khi đó, khoảng 20-30 năm trước trồng cói hầu nhau không có đầu tư phân đạm. Bón phân đạm nhiều làm cho cói nhanh chết sau cắt, chu kỳ trồng cói rút ngắn, trước kia sau cắt trồng từ 8-10 năm mới đảo cói một lần thì nay chỉ 3-5 năm đã phải tiến hành đảo cói. Thậm chí, còn ảnh hưởng đến môi trường chung quanh, tăng hàm lượng nitrat trong nước ngầm, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là ở các vùng trồng cói thường thiếu nước ngọt vào mùa khô.

Trong vài năm nay, nguồn nước ngọt cung cấp có nguy cơ thiếu hụt, độ mặn của nước biển tăng lên, nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp ảnh hưởng đến chất lượng nước… dẫn đến có nhiều ảnh hưởng đối với vùng đất trồng cói. Ở miền bắc, nguồn nước thiếu nhất trong vụ đông xuân (tháng 11 đến tháng 3).

Công nghệ sau thu hoạch cói hiện nay chủ yếu là thủ công. Phơi cói chủ yếu tậm dụng bờ ruộng, đường đi lại, một phần sân phơi gia đình… và phần lớn phụ thuộc vào điều kiện khí hậu thời tiết. Có ít cơ sở sản xuất đầu tư máy sấy cói sau khi phơi non một nắng giúp cói trắng đẹp, xuất khẩu đạt giá trị cao.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cói, hiện chưa có bất kỳ một chính sách nào để khuyến khích tăng trưởng. Một thí dụ về chính sách mà ông Dương Đình Dịu, Chủ tịch Hiệp hội cói Nga Sơn đưa ra, đó là mỗi doanh nghiệp ở Chiết Giang, Trung Quốc nơi có cây cói Ninh Ba được tài trợ 1.830 USD khi xuất khẩu một container hàng cói. Điều này khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn người trồng cói.

Cùng dân “vực dậy” tiềm năng

Theo ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam, từ nay đến tháng 9-2009, các khu nguyên liệu cói phải được xây dựng để hoàn thiện cùng với việc quy hoạch các vùng nguyên liệu khác trong chương trình quốc gia về phát triển thủ công mỹ nghệ. Hiện mới có các khu nguyên liệu cói ở Thái Bình, Nam Định và Vĩnh Long. Việc quy hoạch vùng trồng cói tạo ra khối lượng công việc lớn cho người dân lao đông hiện còn dư thừa trong các khu vực nông thôn.

Trong bối cảnh khó khăn của thị trường cói nói riêng và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói chung, Công ty Nông nghiệp Bình Minh, Doanh nghiệp Đổi Mới, Doanh nghiệp cói Xuân Hoà… ở huyện Kim Sơn đang là những mô hình sản xuất và xuất khẩu có hiệu quả. Huyện Kim Sơn đang phấn đấu đến 2010, xây dựng khỏang 15 điểm du lịch, khu chuyên kinh doanh hàng cói thủ công mỹ nghệ. Xây dựng hình ảnh tích cực về ngành hàng cói qua các sản phẩm thủ công có sắc thái riêng chứ không phải là sản phẩm hàng loạt.

Trước những thách thức về thị trường và sự biến động của giá cả, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện những công trình điều tra đánh giá các nguồn gen, chọn tạo các giống cói mới chịu mặn, chịu chua, năng suất và chất lượng cao, các giống cói chắc sợi không phải chẻ làm đôi như các giống cói ở Việt Nam bây giờ.

Trên thực tế, xí nghiệp Việt Trang là nơi đầu tiên trồng thử nghiệm cây cói Nhật Bản có giá trị cao. Cây cao gần một mét rồi “chết”. Điều đáng tiếc là không phải do yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng mà là chưa có phương pháp cải tạo đất và chăm sóc cây hợp lý. Việc “du nhập” các giống cói mới cũng được tính đến như giống cói chỉ từ Australia, Ai Cập, những giống cói có tỷ lệ cói dài cao, chiều cao trung bình 2-3m, cây cứng, chống đổ tốt. Muốn thành công, chắc chắn các nhà khoa học phải quyết tâm “vào cuộc” cùng bà con, doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, cải tiến công nghệ chế biến sau thu hoạch…

Ông Tom Derksen, Giám đốc SNV Việt Nam cho rằng, để giảm thiểu rủi ro cũng nên bắt đầu chương trình từ góc độ thị trường hơn là từ sản xuất. Do vậy, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường là yếu tố không thể thiếu để ngành cói tăng trưởng. Ngoài việc “kích cầu” hàng cói trong nước, xây dựng thương hiệu và quảng bá các mặt hàng cói thông qua các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế đồng thời để thu hút đầu tư. Các cơ quan hữu quan cố gắng hoàn tất các thủ tục để Việt Nam gia nhập Hội đồng IJSG (Nhóm Nghiên cứu cói quốc tế) nhằm trao đổi thông tin, tranh thủ hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cói.

Với thị trường xuất khẩu, mở rộng hơn nữa các thị trường mới, đặc biệt là Liên Bang Nga, nơi mà từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước đã chuộng các mặt hàng cói của Việt Nam. Theo các chuyên gia, tại các nước thuộc khối cộng đồng chung châu Âu (EU), xu hướng hiện nay sử dụng các sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên do vậy sản phẩm từ cói chắc chắn tăng nhanh trong thời gian tới.

Trong giai đoạn tiếp theo 2009-2011, SNV tiếp tục hỗ trợ Liên minh Hợp tác xã Ninh Bình xây dựng đề xuất chương trình cói và kết nối để tiếp cận các tổ chức tài trợ. Trong khi đó, Hiệp hội xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam lại đang rộng “vòng tay” hỗ trợ các doanh nghiệp cói ở khắp đất nước, dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo báo cáo tổng quan về ngành Cói Việt Nam của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cả nước có 26 tỉnh, thành sản xuất cói, tập trung ở ba vùng lớn là vùng đồng bằng ven biển Bắc bộ (Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định), vùng ven biển Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…) và vùng ven biển Nam bộ (Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp). Tổng diện tích khoảng 13.800 ha, sản lượng mỗi năm đạt 100.000 tấn. Ở miền bắc, nơi được coi là cói có chất lượng tốt nhất và có diện tích cói lớn nhất là huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, với khoảng 23.000 tấn/năm.

Theo ND