Kiến nghị buộc lắp thiết bị giám sát phương tiện để chặn “rút ruột” hàng quá cảnh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cục Hải quan Tp.HCM vừa đề xuất quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và phối hợp Bộ Công an, Bộ Giao thoong  để lấy thông tin hành trình của phương tiện vận tải chuyên chở hàng quá cảnh.

Cục Hải quan Tp.HCM vừa có kiến nghị gửi đến Tổng cục Hải quan về các giải pháp ngăn chặn rút ruột hàng quá cảnh.

Theo đó, Cục Hải quan Tp.HCM cho biết, loại hình quá cảnh còn tiềm ẩn nguy cơ cao hàng lậu, hàng cấm.

Thực tiễn thời gian qua, lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách đối với hàng quá cảnh, kho ngoại quan, doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan đã khai sai, không khai những mặt hàng khác có trong lô hàng, trong đó có thể có hàng cấm nhập khẩu. 

Trong quá trình vận chuyển lô hàng quá cảnh, doanh nghiệp có thể rút hàng ra để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Ngoài thủ đoạn rút ruột container hàng quá cảnh, Cục Hải quan Tp.HCM còn cho rằng,  một thủ đoạn khác là đối với những lô hàng quá cảnh gồm các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, mặt hàng có trị giá lớn hoặc hàng cấm nhập khẩu, sau khi lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam doanh nghiệp sẽ tìm cách đưa trở lại bằng nhiều phương thức khác nhau.

Chẳng hạn như chia nhỏ lô hàng để vận chuyển qua đường mòn, lối mở, cánh gà hoặc doanh nghiệp mở tờ khai, lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra để nhập khẩu trở lại Việt Nam. 

Như vậy, thông qua các thủ đoạn trên, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng cấm, hàng lậu… được các đối tượng buôn lậu tuồn vào nội địa để tiêu thụ với mục đích trốn thuế, né tránh việc kiểm tra chuyên ngành, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.

Từ đó, để quản lý hiệu quả hàng quá cảnh, Cục Hải quan Tp.HCM đã kiến nghị ngành Hải quan phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (seal định vị) đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và chia sẻ thông tin đối với các phương tiện vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh… đang chịu sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, để phục vụ quản lý nhà nước về Hải quan. 

Trước mắt là phối hợp Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải để lấy thông tin hành trình của phương tiện vận tải chuyên chở hàng quá cảnh.

Bên cạnh đó, xây dựng quy chế về thủ tục hàng hóa quá cảnh để tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính và quản lý chặt đối với các hành vi vi phạm của hàng quá cảnh, trường hợp phát hiện hàng quá cảnh là hàng cấm mà không có giấy phép phải tịch thu. 

Ngoài ra, Cục Hải quan Tp.HCM cũng đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các bộ, ngành có liên quan và vận dụng có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát nhằm sàng lọc các đối tượng là “chủ hàng hóa quá cảnh” có cơ sở kho, bãi chứa hàng lậu trong địa bàn nội địa, phục vụ cho công tác sưu tra, quản lý đối tượng, ngăn chặn và xử lý vi phạm. 

Xây dựng phần mềm quản lý các phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh, tạm nhập tái xuất, để phục vụ công tác quản lý tại chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi, chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến.

Đối với phương tiện tham gia vận chuyển, Hải quan Tp.HCM đề nghị áp dụng giám sát bằng phương tiện kỹ thuật, trước mắt chia sẻ dữ liệu “hộp đen” của Bộ Giao thông vận tải để quản lý hành trình vận chuyển.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp được thực hiện chặt chẽ liên tục đối với hàng hóa quá cảnh, tạm nhập tái xuất để hàng hóa được vận chuyển đúng tuyến đường, đúng thời gian, ngăn chặn hàng hóa bị rút ruột thẩm lậu vào nội địa. 

Đối với cửa khẩu xuất, chi cục hải quan cửa khẩu có hàng hóa phối hợp với các đơn vị chức năng như Bộ đội Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường,… để hàng hóa được vận chuyển xuất qua biên giới; đồng thời ngăn chặn hành vi thẩm lậu lại vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở để trốn thuế nhập khẩu của Việt Nam – Campuchia.

Cùng với đó, Hải quan Tp.HCM cũng kiến nghị tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin đối với hàng hóa quá cảnh, tạm nhập tái xuất với Hải quan Campuchia phục vụ công tác phân tích, thống kê, xác minh vụ việc và doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.