Kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử sẽ tăng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điện tử và linh kiện máy tính cũng được coi là một trong 8 mặt hàng xuất khẩu trọng điểm nằm trong top những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD và có kim ngạch xuất khẩu tăng không ngừng theo từng năm. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam: Từ năm 2005 đến nay, tốc độ phát triển của ngành điện tử và công nghệ thông tin đạt trên 20%/năm, cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện máy tính của Việt Nam đạt 2,639 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2007. Trong đó, các thị trường chính là: các nước EU: 456 triệu USD, Thái Lan: 404,53 triệu USD, Nhật Bản: 379,15 triệu USD, Mỹ: 301 triệu USD, Trung Quốc: 237,9 triệu USD, Singapore: 163,11 triệu USD và một số thị trường khác như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia. Thời gian tới, ngoài các thị trường truyền thống, sản phẩm điện tử và linh kiện máy tính của Việt Nam có thể hướng tới các thị trường khác như: Hồng Kông và một số thành viên mới của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia.

Hiện có 80% số lượng máy tính trên thị trường là sản phẩm trong nước sản xuất. Vì thế, Bộ Công Thương cho rằng, nếu có định hướng phát triển phù hợp, đây sẽ là mặt hàng tạo kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam. Lý do, trong những năm gần đây, làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện, điện tử và sản xuất linh kiện máy tính ở Việt Nam đã tăng rất mạnh với nhiều dự án đầu tư lớn như: Dự án đầu tư sản xuất máy in của Tập đoàn Canon (Nhật Bản); dự án đầu tư sản xuất chip điện tử của Tập đoàn Intel (Mỹ) (1 tỷ USD) sẽ hoạt động vào quý III/2009 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD/năm; dự án của Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) sản xuất đầu đọc quang học và môtơ siêu nhỏ (1 tỷ USD); dự án của Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) sản xuất linh kiện điện tử (1 tỷ USD); Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Ninh (650 triệu USD);…

Hiện Việt Nam đang có các đối thủ cạnh trạnh lớn nhất là Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc, tuy nhiên, lợi thế nhân công đã đang có sự dịch chuyển từ Malaysia và Thái Lan sang Việt Nam. Trong khi đó, tại các nước như Trung Quốc, Malaysia,… giá thuê đất, giá nhân công tăng vì thế Việt Nam trở nên có nhiều lợi thế. Riêng đối với Trung Quốc, bên cạnh lợi thế của Việt Nam về giá nhân công thì sự phát triển kinh tế được coi là “quá nóng” của nước này cũng tạo ra sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn điện tử lớn của thế giới sang Việt Nam.

Một lý do nữa giúp khẳng định kim ngạch xuất khẩu điện tử và linh kiện máy tính của Việt Nam sẽ có sự gia tăng đột biến bởi nhu cầu thị trường thế giới đối với mặt hàng này vẫn có thể coi là khổng lồ và nhiều tiềm năng. Năm 2005, nhập khẩu các mặt hàng điện tử của thế giới đạt mức 400 tỷ USD, năm 2007 là 500 tỷ USD và đang tăng khá đều đặn khoảng 8-10%/năm trong vòng 5 năm qua.

Để đạt được kim ngạch xuất khẩu như dự kiến, Bộ Công Thương đã đưa ra một số các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện tử, linh kiện máy tính thông qua các chính sách lợi nhuận, phát triển cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đồng bộ các yếu tố phụ trợ; tăng tỷ trọng sản phẩm điện tử chuyên dùng và phụ tùng linh kiện bằng việc tập trung sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử chuyên dùng, các sản phẩm công nghệ cao để nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp; tận dụng tiềm năng sản xuất vật liệu điện tử ở các lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều lợi thế, đồng thời ưu tiên phát triển một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành điện tử như: chế tạo khuôn mẫu, đúc, ép,…; tăng cường công tác xúc tiến thương mại ở cấp Chính phủ và doanh nghiệp theo hướng thu hút các tập đoàn sản xuất điện tử lớn trên thế giới vào đầu tư, sản xuất tại Việt Nam./.

Nguyễn Hòa
Báo điện tử Đối Ngoại Vietnam Economic News