Kinh doanh sạch: Không thể khi muốn khi không
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra con số, hàng năm, các DN trên thế giới tốn hơn 10 tỷ USD cho việc hối lộ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có con số thống kê chính thức nào, vì ngoài những vụ việc bị phanh phui, có những phi vụ trót lọt vĩnh viễn chìm trong bóng tối.

Ông Nguyễn Sĩ Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ, cho rằng, hiện nay các công ty cổ phần do chịu sức ép của cổ đông nên hoạt động kinh doanh phải minh bạch hơn. Tuy nhiên, có những DN vì mục đích gian lận nào đó, phải “chạy”, nhất là DN thương mại. 

“Có trường hợp chúng tôi mua ôtô giá 850 triệu đồng nhưng DN bán nói họ chỉ có thể xuất hoá đơn trị giá 400 triệu thôi. Hoặc khi kiểm toán, nhìn qua có khi số liệu rõ như ban ngày, nhưng nếu đào sâu hơn, kỹ càng hơn, có những chứng từ số liệu mà DN không sao giải thích được, đơn giản nhất là chuyện mua nguyên liệu từ người dân, không có hoá đơn những lúc như thế, muốn yên chuyện tất nhiên họ phải “chạy” bằng nhiều cách” – ông Sơn nói.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình thừa nhận thực trạng, có một số DN tận dụng mối quan hệ với các quan chức, chính quyền để dùng vật chất, tiền bạc hối lộ, nhằm thu lợi nhiều hơn các DN khác. Hầu hết các vụ án lớn, phức tạp đều có liên quan đến DN, kinh doanh. Những tồn tại đó nếu không khắc phục kịp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh, đầu tư. 

Một chuyên gia nông nghiệp cho biết, qua cuộc khảo sát của đơn vị ông về phát triển kinh tế nông thôn, hầu hết những DN, chủ trang trại lớn lại là người được hưởng nhiều nhất các ưu đãi chứ không phải những nông dân nghèo, người cần hỗ trợ để phát triển kinh tế. Nguyên do là các DN, chủ trang trại quy mô lớn có mối quan hệ với lãnh đạo địa phương và qua đó tiếp cận dễ dàng với vốn, đất đai. Còn những DN nhỏ, quan hệ không với tới được chính quyền, thì làm việc gì cũng khó khăn, chật vật hơn nhiều.

Việc một quan chức cấp tỉnh công khai tất cả các khoản tiền, quà biếu xén, cảm ơn của DN để đưa vào quỹ từ thiện, với số tiền rất lớn, khiến người ta liên tưởng đến những tỉnh thành khác, nơi có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, nhiều DN muốn xin dự án, mặt bằng, thì các khoản DN biếu xén lãnh đạo chính quyền cũng sẽ “hoành tráng” hơn rất nhiều. Vậy đây có phải là một gợi ý để các cơ quan chức năng vào cuộc? “Tuy nhiên, tôi cũng chỉ được biết những thông tin đó qua báo chí, chứ chưa có bằng chứng cụ thể nào cả”, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho biết.

Rõ ràng, không ít DN đang vừa đòi hỏi môi trường kinh doanh minh bạch, vừa sẵn sàng chi tiền để đạt mục đích riêng khi có dịp.

“Tôi cho rằng khi đã xong việc, DN cảm ơn lãnh đạo địa phương bằng chút ít quà biếu thì không có gì xấu, vì việc đã xong rồi mới cảm ơn” – giám đốc một DN khẳng định.

Tuy vậy, đằng sau câu chuyện cảm ơn có kèm phong bì của các nhà kinh doanh, quả thật khó đánh giá đâu là những DN kinh doanh sạch hay không sạch.

Nguồn: VNN