Kinh tế 4 tháng năm 2017 đã có nhiều cải thiện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phó Thủ tướng Trang Hòa Bình cho biết, thời gian qua Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 không thay đổi so với tháng 3/2017 (mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 tại 14 tỉnh, thành phố), CPI bình quân 4 tháng tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96% của Quý 1 năm 2017. Đặc biệt lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,62% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản ổn định. tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt gần 396,47 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016; Chi ngân sách Nhà nước ước thực hiện 4 tháng năm 2017 đạt 393,38 nghìn tỷ đồng, bằng 28,3% dự toán.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 62,09 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2016 tăng 6,6%); tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2017 đạt gần 64 tỷ USD, tăng 24 % so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ giảm 0,9%); nhập siêu 4 tháng năm 2017 là 1,91 tỷ USD, chiếm 3,1% kim ngạch xuất khẩu.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt 10,6% tỷ USD, tăng 40,5%…

Về tiền tệ và tín dụng, Phó Thủ tướng cho biết, tính đến ngày 20/4/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,78% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,54%); tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD tăng 3,39% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,01%); tín dụng tăng 5,75% cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm gần đây. Đặc biệt mặt bằng lãi suất thị trường trong thời gian qua cơ bản được giữ ổn định. Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm

Dự báo tình hình kinh tế – xã hội trong nước trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, lạm phát sẽ chịu nhiều sức ép tăng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, đặt ra yêu cầu cao đối với hiệu quả trong điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong những tháng còn lại của năm 2017.

“Lạm phát tăng chủ yếu do giá thuốc, giá dịch vụ y tế (tăng 17,6% so với cuối năm 2016), giá dịch vụ giáo dục (tăng 1,23%); giá nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 1,61%)… Giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng nhằm tiếp cận giá thị trường; lương cơ bản điều chỉnh tăng… sẽ làm tăng chỉ số giá trong năm 2017”, Phó Thủ tướng thông tin.

Về tiền tệ, tín dụng, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định, hầu như không đổi trong quý 1; việc điều chỉnh lãi suất của Fed trong tháng 3/2017 chưa ảnh hưởng đáng kể đến lãi suất huy động và cho vay USD trong nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong dài hạn, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất đến mức 2,9% vào năm 2019, đồng tiền các nước sẽ liên tục giảm giá so với đồng Việt Nam thì cán cân thương mại của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, gián tiếp tác động đến tỷ giá và sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, làm tăng nợ công của Chính phủ, kiều hối sẽ tiếp tục giảm,… ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả trong nước.

“Nhìn chung, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong các tháng cuối năm là cần thiết nhưng đang chịu nhiều sức ép và thách thức trong điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ. Trong bối cảnh tình hình thế giới chưa xuất hiện xu thế rõ ràng và đang thuận lợi trong ngắn hạn, nền kinh tế trong nước cần tập trung phát huy tối đa những tiềm năng đã có trong các tháng đầu năm như: tăng nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn tư nhân và FDI đã cam kết và đăng ký từ các năm trước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước gắn với xuất khẩu, tận dụng cơ hội thương mại và giá cả thế giới đang phục hồi; chú trọng phát triển tiêu dùng trong nước, tạo thế ổn định và dự phòng ứng phó khi tình hình thế giới có thay đổi, đảm bảo nền kinh tế không bị tổn thương trước những tác động của tình hình thế giới”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Dương Công Chiến
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/kinh-te-4-thang-nam-2017-da-co-nhieu-cai-thien-63143.html