Kinh tế khó khăn, thu ngân sách 6 tháng đầu năm suy giảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2012, thu nội địa ước đạt 220.945 tỷ đồng, chỉ đạt 44,7% so với dự toán. Các lĩnh vực có nguồn thu lớn nhìn chung mức thu đạt thấp so với dự toán, thậm chí một số lĩnh vực số thu giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn thu từ khu vực kinh tế quốc doanh chỉ đạt mức 48,4% so với dự toán; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 40% so với dự toán; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh chỉ đạt 40,9% so với dự toán; thu lệ phí trước bạ chỉ đạt 33,2% so với dự toán (giảm 29,7% so với cùng kỳ); thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 40,7% so với dự toán (giảm 42,7% so với cùng kỳ). Trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ có 24/63 địa phương có số thu đạt mức từ 48% so với dự toán được giao trở lên; trong số 39 địa phương còn lại có số thu ngân sách dưới 48% so với dự toán thì có tới 32 địa phương thu đạt dưới 45% (trong đó có cả những địa phương có nguồn thu lớn như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Quảng Nam…); có 33/63 địa phương có số thu tăng so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2012, thu từ dầu thô ước đạt khoảng 58.930 tỷ đồng, bằng 67% so với dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2011; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 63.400 tỷ đồng, bằng 41,2% so với dự toán, giảm 16,1% so với cùng kỳ. Nhìn nhận bức tranh NSNN 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy, ngoài số thu dầu thô đạt khá do giá tăng, so với cùng kỳ một số năm gần đây tiến độ thực hiện dự toán thu ngân sách là thấp (6 tháng đầu năm 2010 thu cân đối ngân sách đạt 52,5% so với dự toán, trong đó thu nội địa đạt 52,1%; 6 tháng 2011 thu cân đối ngân sách đạt 55,1% so với dự toán, trong đó thu nội địa đạt 53%). Lý giải nguyên nhân khiến thu NSNN 6 tháng đầu năm 2012 suy giảm, tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra sáng ngày 5/7/2012, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng: “Ngoài các yếu tố do thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế theo Quyết định 21/2011/QĐ-TTg ngày 6/4/2011, Quyết định 54/2011/QĐ-TTg ngày 11/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ… là do tình hình phát triển kinh tế khó khăn, GDP tăng trưởng thấp”. Khủng hoảng kinh tế chưa dứt khiến hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp khó khăn do lượng tiêu thụ giảm, hàng tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động (nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng) nên nguồn thu cũng bị suy giảm; một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như ô tô, xe máy, hàng điện tử… sức tiêu thụ chậm do sức mua giảm; thị trường nhà đất trầm lắng kéo dài, việc triển khai đấu giá đất tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng nên thu ngân sách từ đấu giá tiền sử dụng đất đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011; kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có giá trị lớn, số thuế cao giảm mạnh làm giảm nguồn thu; những tháng đầu năm, giá xăng dầu thị trường thế giới tăng mạnh, để bình ổn giá thị trường trong nước thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu cũng đã điều chỉnh giảm làm giảm một phần nguồn thu. Nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm là không ít khó khăn đòi hỏi phải có những nỗ lực, quyết tâm cao mới có thể hoàn thành được dự toán. Ngành thuế và hải quan cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế, chống buốn lậu và gian lận thương mại, kiểm tra chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, đẩy nhanh việc xử lý các khoản nợ đọng thuế, phấn đấu làm tăng thu ngân sách đối với các lĩnh vực, ngành hàng còn có khả năng tăng thu để bù đắp cho số thu bị suy giảm ở các lĩnh vực khác. Theo đó, cần làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá; thực hiện tốt công tác hoàn thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, thu thuế bất động sản, thu tiền thuê đất và tiền sử dụng đất; chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch; chống thất thu thuế đối với các loại hình kinh doanh mới phát sinh như thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; tổ chức kiểm tra, thanh tra phát hiện kịp thời và xử lý cương quyết đối với các khoản nợ đọng thuế…/. Việt Anh
Nguồn: Báo điện tử Báo Đối ngoại Vietnam – Economic News