Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 11 năm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu công bố sáng nay của Tổng cục Thống kê, năm qua, cả nước đã sản xuất và cung ứng một khối lượng hàng hóa, dịch vụ đạt giá trị 1.143.442 tỷ đồng, tương đương 71,4 tỷ USD. Nếu tính theo giá so sánh của năm 1994 (kỳ gốc để tính toán số liệu), GDP ước đạt 461.189 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng 8,48% khá sát với mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm nay và cao hơn kết quả đạt được năm ngoái (8,17%). Nếu so sánh với các nước trong khu vực, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2, sau Trung Quốc (11,2%), vượt qua cả Singapore (7,5%) và các nước khác.

Cả ba khu vực nông – lâm nghiệp – thủy sản, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ đều nỗ lực vượt qua khó khăn để đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Trong đó, dịch vụ được xem là điểm sáng nhất. Nếu như năm ngoái, khu vực này tăng trưởng với mức 8,29% thì năm nay đạt 8,68%. Cơ cấu đóng góp trong GDP cũng nâng từ mức 38,08% năm ngoái, lên 38,14% trong năm nay.

Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và xây dựng trong GDP cũng cải thiện hơn năm ngoái, chiếm 41,61% (so với con số 41,52% năm ngoái). Tốc độ tăng trưởng của khu vực này năm nay đạt 10,6% (tăng nhẹ so với mức 10,37% cùng kỳ).

Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn do thiên tai và dịch bệnh, song không sa sút so với năm ngoái, đạt tốc độ tăng trưởng 3,41% (kết quả của năm ngoái là 3,4%). Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp trong GDP giảm từ mức 20,40% năm ngoái xuống 20,25% trong năm nay.

Đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, được xem là một lực đẩy giúp kinh tế tăng tốc. Khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế ước tính đạt 461,9 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% tổng sản phẩm trong nước và tăng 15,8% so với năm 2006. Vốn đầu tư nước ngoài thu hút mới tính tới 22/12 đạt 17,86 tỷ USD. Nếu tính cả 2,47 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép trong các năm trước thì tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 20,3 tỷ USD, tăng 69,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt 56,3% kế hoạch cả năm. Đây cũng là kết quả cao nhất từ trước đến nay.

Kiềm chế lạm phát, kiểm soát nhập siêu đã không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra và là nét buồn trong bức tranh chung. Giá tiêu dùng tháng 12 tăng 2,91% so với tháng trước và đội tới 12,63% so với cuối năm ngoái, vượt xa tốc độ tăng GDP.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 48,4 tỷ USD, song tốc độ tăng trưởng chỉ đạt vỏn vẹn 21,5%, quá thấp so với tăng kim ngạch nhập khẩu (35,5%). Cán cân thương mại ngày càng nghiêng về phía nhập siêu, khi kim ngạch nhập khẩu cả năm lên tới 60,8 tỷ USD. Nhập siêu hàng hóa đang chiếm tới 25,7% giá trị xuất khẩu và lớn gấp gần 2,5 lần mức nhập siêu của năm trước.

Loại trừ các nguyên nhân khách quan như mặt bằng giá cả thế giới tăng cao, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị lớn, chuyện nhập siêu tăng cao là điều khó khăn đối với một nền kinh tế vốn lệ thuộc nhiều vào ngoại thương như Việt Nam.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, song bắt đầu nảy sinh những lo ngại về chuyện nền kinh tế có nguy cơ quá lệ thuộc vào nhân tố ngoại.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn rất lạc quan về tương lai kinh tế Việt Nam. Hội nhập WTO, cùng các chính sách mở cửa và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, và ưu thế về nguồn nhân lực, Việt Nam đang là điểm đến đầy bất ngờ với các doanh nhân thế giới. Đáng chú ý, với quy mô dân số hơn 85 triệu người, sức tiêu thụ nội địa lớn cũng sẽ là nhân tố giúp kinh tế phát triển bền vững.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress