Kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bắt đầu từ tháng 7, tình hình kinh tế ở trong nước đã ổn định dần, hai vấn đề nóng đã được giảm nhiệt; nhưng từ giữa tháng 9, cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát ở Mỹ, nhanh chóng lan từ lĩnh vực tài chính sang các lĩnh vực kinh tế, xã hội, lan từ Mỹ sang các nước thuộc các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kinh tế tháng 11 và 11 tháng là tiền đề cho bước chuyển đổi quan trọng trong thời gian còn lại và cho năm 2009.

Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp mặc dù vẫn còn khá cao và triển vọng cả năm sẽ là năm thứ 18 tăng trưởng hai chữ số, nhưng đã chậm lại từ mấy tháng nay. Điều quan trọng là do chi phí trung gian tăng cao, nên chênh lệch giữa tốc độ tăng giá trị sản xuất và tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngày một lớn lên.

Điều đó chứng tỏ công nghiệp không những chậm lại về tốc độ mà còn bị sụt giảm về hiệu quả, đòi hỏi vừa phải kích cầu (tăng vốn), vừa phải sử dụng có hiệu quả số vốn tăng thêm này.

Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục cả về số vốn đăng ký mới (59 tỷ USD, gấp gần 7 lần cùng kỳ), cả về số vốn thực hiện (10 tỷ USD, tăng 44,2%).

Nhưng do lượng vốn ở một số nguồn tăng thấp, thậm chí có nguồn còn bị giảm, nên triển vọng tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GDP cả năm thấp hơn nhiều so với năm trước; cộng với giá bất động sản tăng cao vào năm trước và đầu năm nay, giá vật liệu xây dựng cùng chi phí xây dựng tăng mạnh trong nhiều tháng qua, gần đây mới giảm, nên GDP do ngành xây dựng tạo ra năm nay sẽ giảm (trong khi mấy năm trước tăng hai chữ số).

Vấn đề đặt ra là cần kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn hiện đang bị chậm.


Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tuy tăng cao, nhưng chủ yếu là do tăng giá tiêu dùng (bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 23,25%); nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng, thì 11 tháng qua mới tăng 6,2%, thấp chỉ bằng nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước và có xu hướng giảm qua các tháng từ đầu năm đến nay.

Nguyên nhân chủ yếu là người tiêu dùng đã “thắt lưng buộc bụng” khi lạm phát; nay lạm phát đã giảm, nhưng mặt bằng giá vẫn còn cao, thu nhập không tăng, thậm chí có bộ phận còn giảm do gặp khó khăn về công ăn việc làm; một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý chờ giá giảm nữa mới mua sắm, tiêu dùng. Vấn đề đặt ra là hỗ trợ doanh nghiệp, tạo công ăn vịêc làm, tăng thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán để kích cầu nội địa.

Giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,76%, đây là tháng thứ hai giá tiêu dùng tiếp tục giảm. Như vậy, tốc độ tăng giá tiêu dùng từ tháng 7 đến nay chỉ còn 0,38%/tháng, thấp xa so với tốc độ tăng 2,83%/tháng trong 6 tháng đầu năm, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm.

Xuất khẩu 11 tháng tăng trưởng cao; nhập siêu từ 5 tháng nay đã được kiềm chế ở mức dưới 1 tỷ USD và tính chung 11 tháng khoảng 16,9 tỷ USD, khả năng cả năm sẽ ở mức dưới 18 tỷ USD, thấp hơn mức kế hoạch đầu năm đã dự kiến, thấp xa so với mức 30 tỷ USD mà một số tổ chức và chuyên gia quốc tế đã cảnh báo vào cuối quý 1.

Tuy nhiên, xuất khẩu từ 5 tháng nay đã có xu hướng tháng sau giảm so với tháng trước. Đây là cảnh báo đáng lưu ý do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn lớn về thị trường, giá cả, thanh toán và cạnh tranh.

Nhìn chung, những vấn đề nóng nhất đã giảm nhiệt, nhưng Việt Nam lại đang đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế. Vì vậy, việc chuyển hướng sang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chặn đà suy giảm kinh tế và vấn đề bức bách.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam