Kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Châu Âu: suy thoái nặng hơn dự tính

Dẫn đầu suy thoái trong khối là Đức. Các chuyên gia cho biết, mức suy thoái này xảy ra nghiêm trọng hơn dự tính. Theo Eurostat, kinh tế khu vực đồng euro giảm 1,5% trong quý IV/2008 và giảm 1,2% trong cả năm. Nền kinh tế Đức giảm 2,1% so với năm trước là 1,6%. Chính phủ Đức dự đoán nền kinh tế Đức trong năm 2009 sẽ giảm 2,25%. Ông Juergen Michels, nhà kinh tế học thuộc Citigroup cho biết: “Suy thoái còn tiếp tục từ nay đến cuối năm 2009”. Ông Dirk Schumacher thuộc Goldman Sachs cho biết thêm: “Con số này cho thấy chúng ta đang ở trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng tồi tệ nhất từ sau tchiến 2”.

Báo cáo còn cho thấy kinh tế Pháp giảm 1,2%, Ý giảm 1,8%. Năm 2008, kinh tế của 15 nước dùng đồng euro tăng trưởng 0,7% so với năm trước (chưa tính nước thứ 16 mới sử dụng đồng euro từ 1.2009 là Slovakia). Theo báo cáo của IMF, Anh – một nước không dùng đồng euro, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Kinh tế châu Á chìm theo châu Âu, Mỹ

Sự suy giảm kinh tế tại châu Âu và Mỹ (hai bạn hàng lớn nhất của châu Á) ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà xuất khẩu châu Á, một trong những động cơ tăng trưởng của châu lục. Theo nhà phân tích tại ngân hàng Crédit Suisse (Thụy Sĩ), ông Cem Karacadag, xuất khẩu chiếm 2/3 GDP của Hong Kong, Singapore; gần ½ của Malaysia, Thái Lan và 1/3 của Đài Loan, Hàn Quốc. Nếu mức xuất khẩu giảm 10 %, tăng trưởng GDP của Hàn Quốc hay Đài Loan sẽ giảm 2%, còn đối với Hong Kong và Singapore có thể là -7%.

Mặc dù đến ngày 16.2, Nhật Bản mới công bố số liệu kinh tế của quý IV/2008 nhưng nhiều nhà phân tích dự tính GDP của Nhật Bản sẽ giảm 3% so với quý III. Mức giảm cả năm có thể là -11,6%.

Tại Hàn Quốc, đầu tuần qua, nước này dự tính tăng trưởng trong năm 2009 là -2%, so với dự báo trước đó tăng trưởng 3%. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đầu tháng 2.2009 dự đoán kinh tế Hàn Quốc là -4%, trong khi Crédit Suisse dự đoán -7%. Theo các chuyên gia của Stanley Morgan, trong năm nay, Đài Loan tăng trưởng âm -6 %, trong khi công ty môi giới chứng khoán quốc tế tại Hong Kong là CSLA dự doán mức suy giảm của Đài Loan là -11%.

Các nước còn lại ở châu Á dù không rơi vào suy thoái nhưng tỉ lệ tăng trưởng đều bị hạ thấp trong năm 2009.

Hội nghị G7 kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ kinh tế

Theo AFP, bộ trưởng tài chính 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đang nhóm họp tại Roma, Ý (từ 13-16.2.2009) hứa hẹn đưa ra phương pháp đối phó với khủng hoảng hiện nay. Hội nghị khẳng định tìm giải pháp hiệu quả và hành động ngay trước khi hội nghị 20 nước công nghiệp hàng đầu (G20) diễn ra tại Anh vào ngày 2.4 tới. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu mà nhóm này đang phải thống nhất là biện pháp bảo hộ kinh tế mà nhiều nước đang áp dụng khi tìm cách kích thích kinh tế. Chiến dịch “mua hàng Mỹ” của Mỹ và cách thức hỗ trợ ba tập đoàn xe hơi của Pháp đang bị các nước tham dự phản đối mạnh mẽ, xem đây là chủ trương đi ngược lại tự do kinh tế. Trong khi đó, hành động bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng, như Malaysia với chiến dịch “tiết kiệm tiền, mua hàng Malaysia”, Panasonic (Nhật Bản) đề nghị 10.000 nhà quản lý của công ty mua sản phẩm của công ty, giúp tăng doanh thu…

Bộ trưởng Tài chính Ý, ông Giulio Tremonti, xác nhận cam kết mạnh mẽ của các bộ trưởng tài chính G7 không nhượng bộ chủ nghĩa bảo hộ. Còn bộ trưởng tài chính Pháp, bà Christine Lagarde khẳng định không để cho các biện pháp “bảo vệ thị trường” được sử dụng như “công cụ chính trị”. Nhưng hội nghị mới chỉ dừng ở việc cam kết mà chưa nêu cách thực hiện.

Trong một động thái khác, ngày 14.2, Nhật Bản đã trích 100 tỉ USD trong quỹ dự trữ của mình cho Quỹ tiền tệ quốc tế mượn, vì quỹ này lo ngại thiếu tiền hỗ trợ tài chính cho nhiều nước khác trong năm 2009.

Khủng hoảng kinh tế tạo thêm người nghèo

Theo ngân hàng Thế giới, tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ phá sản nỗ lực đưa 53 triệu người ra khỏi tình trạng nghèo đói của các nước đang phát triển trong năm 2009. Trong đó khoảng 46 triệu người sẽ sống mức dưới 1,25 USD/ngày và 7 triệu người khác sống mức dưới 2 USD/ngày. Giám đốc WB, ông Robert Zoellick, cảnh báo: “Khủng hoảng toàn cầu sẽ đe doạ đến khủng hoảng nhân đạo tại nhiều nước đang phát triển, nếu họ không có những phương pháp bảo vệ người nghèo. Trong khi các nước quá tập trung vào giải cứu ngân hàng và các gói kích thích kinh tế, họ không nên quên rằng người nghèo là nạn nhân dễ bị tổn thương nhất khi kinh tế suy sụp”.

Nguồn: Bloomberg, FT, BBC, AFP – Sài Gòn tiếp thị