Kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào nửa đầu năm 2010?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù đến thời điểm này, chưa tổ chức, chuyên gia kinh tế nào xác định đâu là “đáy” của khủng hoảng kinh tế – tài chính thế giới, song, tại một số nền kinh tế lớn đã xuất hiện những tia hy vọng cho thấy tốc độ suy thoái kinh tế đã giảm dần.    

Suy thoái đã giảm tốc

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố các số liệu cho thấy, sau 6 tháng sụt giảm, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ – động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- đã tăng trong tháng thứ hai liên tiếp, ở mức 0,2% trong tháng 2/2009, mặc dù thu nhập của người dân giảm do sức ép của tình trạng thất nghiệp tăng mạnh.

Trước đó, trong tháng 1/2009, chi tiêu tiêu dùng đã tăng 1% – mức tăng mạnh nhất trong hơn 3 năm qua. Các nhà phân tích cho rằng chi tiêu tiêu dùng tăng là “tia hy vọng” về sự hồi phục dần của nền kinh tế Mỹ.

Hãng tin Reuters và trường Đại học Michigan (Mỹ) vừa công bố kết quả điều tra cho thấy, lòng tin của người tiêu dùng trong tháng 3/2009 tăng lên 57,3%, cao hơn mức 56,3% trong tháng 2/2009. Đây là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của nền kinh tế có thể sắp kết thúc. Đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama nói rằng biện pháp cứu trợ kinh tế “đã có dấu hiệu tiến triển”. Tiếp đó, Chủ tịch FED Ben Bernanke nhận định, suy thoái kinh tế có triển vọng kết thúc trong năm nay.

Tại Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các số liệu về sản xuất công nghiệp trong tháng 2 vừa qua cũng cho thấy dấu hiệu tốc độ suy thoái đã giảm bớt. Trong tháng 2/2009, sản lượng công nghiệp của Nhật tiếp tục sụt giảm với tỷ lệ 9,4% so với một tháng trước đó. Tuy nhiên, số đơn đặt hàng từ Mỹ đối với một số sản phẩm Nhật Bản trong tháng 2 đã tăng trở lại lần đầu tiên trong 7 tháng qua.

Hàng tồn kho của hai khu vực bị tác hại nặng nề nhất là ngành chế tạo ô tô và sản xuất thiết bị bán dẫn điện tử đã giảm kỷ lục, điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất trở lại. Giới lãnh đạo công ty trong các lĩnh vực này cho biết họ dự trù tăng mức sản xuất khoảng 3% trong hai tháng 3-4.

Theo chuyên gia kinh tế Taro Saito, đây là một tín hiệu tốt vì thông thường sản xuất sẽ tăng trở lại khoảng hai hoặc ba quý sau khi hàng tồn kho giảm. Như vậy đà suy giảm sản xuất ở Nhật Bản có thể đã chạm đáy.

Đâu là “chìa khóa” thoát hiểm?

Ngoài những tín hiệu tốt từ kinh tế Mỹ và Nhật, các chuyên gia cho biết, thị trường tài chính Hàn Quốc cũng xuất hiện những “điềm lành” báo trước sự hồi sinh nền kinh tế.

Đầu tháng 3, tỷ giá hối đoái trên thị trường này bất ngờ tăng vọt đến ngưỡng 1.600 Won/USD, nhưng cuối tháng đã hạ xuống mức 1.390 Won/USD. Đồng thời, giá cổ phiếu tăng trở lại, chỉ số KOSPI tăng dần từ dưới ngưỡng 1.000 điểm lên đến gần mức 1.200 điểm. Theo tiến sỹ Han Sang-choon – chuyên gia tài chính Hàn Quốc, 3 yếu tố quan trọng nhất của thị trường tài chính là tỷ giá hối đoái, giá cổ phiếu và trái phiếu đều đang tăng lên, chứng tỏ thị trường tài chính Hàn Quốc đang dần được hồi phục.

Những khó khăn của thị trường ngoại tệ Hàn Quốc đang được tháo gỡ nhờ thặng dư thương mại cùng với sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Tài khoản vãng lai trong tháng 2 thặng dư trên 3,5 tỷ USD và cán cân thương mại trong tháng 3 được dự đoán thặng dư khoảng 4 tỷ USD, giúp giải quyết tình trạng khan hiếm ngoại tệ trong nhiều tháng qua. Giới phân tích nhận định, nền kinh tế Hàn Quốc đã bước qua thời kỳ tồi tệ nhất và sẽ không giảm sút thêm nữa.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu gần đây của mạng lưới Anima – tổ chức chuyên nghiên cứu về các vấn đề phát triển kinh tế khu vực Địa Trung Hải – cho đến nay, các nước nói trên đã hạn chế được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giữ vai trò bàn đạp cho tăng trưởng kinh tế của châu Âu. Hệ thống ngân hàng của các nước này chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng tài chính, cho phép họ tiếp tục tài trợ giúp các doanh nghiệp nội địa phát triển. Tăng trưởng của các nước bờ Nam Địa Trung Hải được đánh giá sẽ đạt bình quân 4%/năm kể từ năm 2010.

Đánh giá về khả năng phục hồi kinh tế thế giới hiện nay, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Strauss-Kahn cho rằng, mặc dù năm 2009 sẽ rất khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ được phục hồi vào nửa đầu năm 2010; thế giới sẽ chỉ mất khoảng 2-3 năm nữa để “có thể lấy lại được phong độ” và thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Theo ông  Strauss-Kahn, làm trong sạch hệ thống tài chính tiếp tục là chìa khóa để thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng. Nhân hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-20 vừa khai mạc tại Anh, Strauss-Kahn lưu ý rằng, thời điểm này không còn là lúc ngồi tranh cãi về phương pháp, mà cần phải có động tác đối phó ngay lập tức.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam