Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, dự báo và khuyến nghị chính sách cho 6 tháng cuối năm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Diễn biến kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2012

Tốc độ tăng trưởng suy giảm, hàng tồn kho tăng

Diễn biến tăng trưởng GDP của các ngành cho thấy tốc độ tăng trưởng suy giảm tương đối mạnh trong ngành công nghiệp. Thậm chí quý I/2012, tăng trưởng GDP ngành công nghiệp chỉ ở mức 2,94% so với cùng kỳ năm trước, xấp xỉ mức tăng trưởng GDP 2,84% của ngành nông nghiệp. Hiện tượng này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng khó khăn do công nghiệp luôn là động lực tăng trưởng từ trước đến nay.

Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp suy giảm thể hiện rõ hơn qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 4,5%, thậm chí thấp hơn cả 6 tháng đầu năm 2009, cho thấy tình hình rất khó khăn đối với một bộ phận của nền kinh tế. Nhóm các ngành công nghiệp liên quan đến bất động sản (BĐS) chịu tác động mạnh nhất. GDP ngành xây dựng giảm 0,8%, trong khi đó, giá trị sản xuất của ngành sản xuất xi măng, sắt thép cũng giảm mạnh dù trong quý II, mức độ sụt giảm đã không còn nghiêm trọng như quý I.

Trong khi sản xuất tăng trưởng trì trệ thì hàng tồn kho có dấu hiệu tăng lên và chỉ số tiêu thụ sản phẩm cũng tăng ở mức rất thấp. Trong 5 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 3,5-3,6%, trong khi chỉ số này 6 tháng đầu năm 2010, 2011 luôn tăng trên 10%. Chỉ số hàng tồn kho đến cuối tháng 5 đã tăng 26% so với cùng kỳ (mặc dù đã giảm so với mức tăng 32,1% cuối quý I). Điều này cho thấy nhu cầu yếu kém có thể là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Cầu nội địa suy giảm do áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa

Lạm phát tăng cao đã gây áp lực thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy lãi suất cho vay lên cao suốt năm 2011 và đầu năm 2012 là nguyên nhân chính khiến cho tổng cầu trong nền kinh tế suy giảm. Nhìn vào một số chỉ tiêu đại diện cho tiêu dùng cuối cùng 6 tháng đầu năm, có thể thấy tiêu dùng và đầu tư vẫn ở mức rất thấp, mặc dù đã có sự cải thiện so với cuối năm 2011. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,5% (quý I chỉ tăng 5,4%), trong đó du lịch, dịch vụ tuy có tăng cao hơn mức chung nhưng vẫn còn thấp. Chỉ số vận tải hành khách và hàng hóa cũng phản ánh rất rõ sự suy giảm tổng cầu. Trong khi nhu cầu đi lại thiết yếu vẫn giữ cho vận tải hành khách tăng 10,9% thì vận tải hàng hóa đã giảm tới 7,6%.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng đầu tư xã hội trên GDP đạt 34,46%, xấp xỉ mức 34,63% của cả năm 2011. Trong 3 thành phần kinh tế thì đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục sụt giảm về giá trị xuống còn 12,67% GDP so với mức 13,48% GDP cả năm 2011, thể hiện quan điểm thắt chặt để ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ – CP. Đầu tư nước ngoài mặc dù không giảm mạnh về giá trị tuyệt đối (tính theo USD), tuy nhiên nếu tính tỷ lệ trên GDP thì lại đang giảm dần. Đến quý II/2012, đầu tư từ khu vực FDI chỉ còn chiếm 8,78% GDP, thấp hơn mức 8,95% GDP của cả năm 2011.

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm là động lực chính cho tăng trưởng. Sau khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mức 200 tỷ USD năm 2011 thì 6 tháng đầu năm 2012, vượt mốc 100 tỷ USD. Trong bối cảnh giá cả toàn cầu đang giảm nhiệt thì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được nhịp tăng tới 22% là khá ấn tượng. Trong khi đó, nhập khẩu tăng thấp, chỉ đạt 6,9% trong 6 tháng đầu năm. Điều này phản ánh chính xác sự suy giảm tổng cầu. Với mức nhập siêu chỉ chiếm 1,3% kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm thì chênh lệch xuất nhập khẩu rõ ràng đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,38%.

Điều hành chính sách kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm

Quan điểm chính sách

Sau giai đoạn lạm phát cao năm 2011, bước sang năm 2012, quan điểm điều hành chính sách của Chính phủ vẫn theo hướng thận trọng. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/2012-CP ngày 3/1/2012 về những giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Có hai nhóm giải pháp chủ yếu được đề ra: (1) Những giải pháp mang tính chất ngắn hạn bao gồm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt (tín dụng 15-17%, M2 tăng 14-16%); Chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; Kiểm soát thị trường giá cả; Khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; (2) Về dài hạn, Chính phủ đã xác định tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường phòng chống thiên tai, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng. Đây cũng là những giải pháp phù hợp với những diễn biến về chu kỳ kinh tế trong hoàn cảnh hiện tại.

Cho đến hết quý I, khi nền kinh tế đã bộc lộ nhiều khó khăn, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP với 5 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung vào các giải pháp điều hành vĩ mô, chi tiêu công, hoãn, giãn, gia hạn nộp thuế, điều hành giá cả và các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế. Ngoài ra, Chính phủ cũng trình Quốc hội thông qua một số giải pháp giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Gói giải pháp này đã thể hiện hướng đi đúng, tạo hiệu ứng tích cực với doanh nghiệp và nền kinh tế.

Chính sách tài khóa – vai trò của cơ chế nới lỏng tự động

Mặc dù đã có những hỗ trợ đối với nền kinh tế thông qua các biện pháp thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, tuy nhiên không đợi đến khi có Nghị quyết 13/NQ – CP, chính sách tài khóa đã nới lỏng hơn thông qua cơ chế tự động: thu ngân sách giảm do lạm phát và tăng trưởng đều giảm. Tính đến hết tháng 6 Thu NSNN đạt 346.125 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, chi ngân sách ước đạt 413.859 tỷ đồng, đạt 45,8% dự toán, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2011. Kết quả, nếu tính trên GDP 6 tháng thì thâm hụt ngân sách đã đạt sẽ cao hơn mức 4,8%. So với mức thâm hụt của cùng kỳ năm trước, rõ ràng chính sách tài khóa đã nới lỏng hơn hẳn.

Diễn biến chính sách tiền tệ

Động thái của chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm là tương đối thận trọng. Ngân hàng Nhà nước đề cao tính ổn định, thể hiện qua các chính sách lãi suất và tỷ giá.

Về lãi suất, giai đoạn 6 tháng đầu năm đã có 4 lần hạ các loại lãi suất chỉ đạo. Lãi suất tái cấp vốn đã hạ từ mức 15% đầu năm xuống còn 10% hiện nay, còn lãi suất tái chiết khấu cũng đã được hạ xuống 8%, từ mức 13% đầu năm. Trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn trên một năm cũng đã được loại bỏ.

Động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với việc lạm phát hạ nhiệt rất nhanh, kể từ tháng 3/2012. Với mức lạm phát 6,9% hiện nay thì mức lãi suất huy động khoảng từ 9-11% tùy kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại được kỳ vọng sẽ phải giảm xuống hơn nữa để có thể dọn đường cho việc hạ lãi suất cho vay, kích thích hồi phục kinh tế.

Mặc dù hạ tương đối nhanh, tuy nhiên nếu so với lạm phát thì hiện lãi suất tiền gửi và đặc biệt là lãi suất cho vay còn chênh lệch khá cao. Theo Ngân hàng Nhà nước (2012), hiện nay lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 12-13%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác 14-17,5%/năm, cho vay lĩnh vực phi sản xuất 16,5-20%/năm. Lãi suất cao khiến cho vay nền kinh tế hầu như không tăng nếu không nói là giảm trong những tháng đầu năm.

Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm và khuyến nghị chính sách

Lạm phát sẽ hạ nhiệt do tổng cầu và cung tiền bị kiềm chế. Nếu giả định mức lạm phát từ nay đến cuối năm ở mức lạm phát bình quân 6 tháng gần nhất (0,42%/tháng) thì lạm phát cả năm sẽ chỉ ở mức 5,11%. Còn nếu mức bình quân 12 tháng (0,56%/tháng) thì lạm phát cả năm sẽ ở mức 6%.

Các nền tảng kinh tế vẫn còn khá vững: xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, cán cân thanh toán thuận lợi, dự trữ ngoại tệ tăng lên, lạm phát được kiềm chế; nền kinh tế đã có dấu hiệu chạm đáy. Do vậy nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn.

Do những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay xuất phát cả từ những vấn đề ngắn hạn (nhu cầu trong nước sụt giảm) và vấn đề dài hạn (năng suất chất lượng trong nền kinh tế). Vì vậy, cần phải có những giải pháp căn cơ dài hạn và những giải pháp cấp bách trước mắt.

Trong ngắn hạn, mặc dù nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên chúng ta vẫn đang ở trong “vùng đáy”, khó khăn vẫn còn nhiều. Các giải pháp về căn bản vẫn là hỗ trợ một cách hợp lý để không gây lạm phát.

Về chính sách tài chính, do cơ chế tự động chính sách tài khóa sẽ trở nên mở rộng hơn trong bối cảnh nguồn thu bị thu hẹp và chi ngân sách vẫn không thay đổi do dự toán đã được duyệt. Vì vậy, chính sách tài khóa trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ thu chi và đảm bảo thâm hụt ngân sách nằm trong phạm vi được kiểm soát. Các cấp ngành hữu quan cần theo dõi sát hiệu quả của gói hỗ trợ sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ – CP của Chính phủ và các Nghị quyết của Quốc hội nhằm đề xuất những giải pháp bổ sung trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, cũng cần có các giải pháp ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, như điện, than và xăng dầu, nhằm hỗ trợ nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Về chính sách tiền tệ, vấn đề trọng tâm là phải tiếp tục hạ được lãi suất, khai thông dòng vốn cho sản xuất và tiêu dùng. Lạm phát đang hạ là tiền đề khá thuận lợi để hạ lãi suất. Việc tín dụng tăng chậm hiện nay cũng là tiền đề thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước loại bỏ các biện pháp điều hành lãi suất theo mệnh lệnh hành chính, tiến tới tự do hóa lãi suất và tập trung vào các biện pháp kiểm soát cung tiền theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, cũng cần phải có các biện pháp lành mạnh hóa tình hình tài chính trong khu vực ngân hàng, thúc đẩy quá trình cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng nhằm đảm bảo một mức lãi suất phù hợp nhất đổi với nền kinh tế trong từng thời kỳ.

Về dài hạn, các giải pháp thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đã đề ra là rất đúng hướng trong bối cảnh năng suất, chất lượng trong nền kinh tế đang suy giảm. Cần chú trọng vấn đề phát triển thị trường trái phiếu công ty nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, cũng cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô tạo tiền đề cho việc tiếp tục phát triển thị trường cổ phiếu, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào vốn gián tiếp như hiện nay.

Nhìn chung, các giải pháp hỗ trợ kinh tế phục hồi của Chính phủ đang đi đúng hướng, vấn đề là cần cân nhắc liều lượng để không gây ra vòng xoáy lạm phát mới. Điều quan trọng là phải tỉnh táo, theo dõi thật sát diễn biến của thị trường để bổ sung những giải pháp cần thiết, tránh trường hợp “no dồn đói góp”, điều hành theo kiểu giật cục.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính 2012, “Số liệu công khai ngân sách”, Trực tuyến tại: http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn, Ngày truy cập: 1/7/2012;

2. Công ty chứng khoán FPT 2011, ‘Dữ liệu lịch sử’, trực tuyến tại http://priceboard.fpts.com.vn/user/stock/lich-su/;

3. Hodrick, R. Prescott, E. C. 1997, ‘Postwar U.S. business cycles: An empirical investigation’, Journal of Money, Credit, and Banking 29(1), 1-16;

4. Ngân hàng Nhà nước 2012, ‘Thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần’, trực tuyến tại: http://www.sbv.gov.vn/wps/portal/vn, ngày truy cập: 14/3/2011;

5. Tổng cục Thống kê 2010, 2011, 2012.

TS. Phạm Văn Hà

Nguồn: Tạp chí Tài chính số 7/2012