Kinh tế vĩ mô ba tháng cuối năm 2008: Chặng dừng cho những thử thách mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có một quan điểm được tán thành rộng khắp là bất chấp những khó khăn trong ngắn hạn, triển vọng trung hạn và dài hạn của kinh tế Việt Nam là rất sáng sủa. Việt Nam có tiềm năng trở thành một con rồng mới ở châu Á. Tuy nhiên, đang xuất hiện những ý kiến về một kịch bản trái ngược, đó là kinh tế Việt Nam tuy lạc quan trong ngắn hạn, nhưng khá bi quan trong trung hạn và dài hạn.

Kinh tế vĩ mô quý 3 năm 2008: đáy khó khăn đã được vượt qua

Phù hợp với kịch bản dự báo được đưa ra tại VNR Quarterly No.1, bối cảnh kinh tế vĩ mô trong quý 3 năm 2008 có nhiều dấu hiệu lạc quan. Nguy cơ khủng hoảng tiền tệ và/hoặc khủng hoảng cán cân thanh toán đã lùi xa, nhưng môi trường kinh tế tiếp tục trở nên rất khó khăn đối với khu vực doanh nghiệp.

Lạm phát đang trên đà giảm và có diễn biến tích cực. Nhiều khả mức tăng CPI so với cùng kỳ năm ngoái (CPI yoy) đã đến đỉnh trong tháng 8 (28,4%), dự kiến sẽ giảm dần đến cuối năm và đạt mức 25%-26%.

Thâm hụt thương mại đã giảm nhẹ đáng kể từ mức 3,2-3,3 tỷ USD tháng 3 và tháng 4 xuống còn khoảng 700-800 triệu USD trong tháng 7 và tháng 8. Tỷ giá đang khá ổn định và nhiều khả năng sẽ không có biến động lớn tới hết năm 2008.

Dự trữ ngoại hối dồi dào do cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư vì những luồng vào ngoại tệ vẫn tiếp tục lớn hơn luồng ra. Nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát (khoảng 30% GDP).

Nền kinh tế đang hạ cánh khá an toàn (soft landing) nhờ vào các chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa thực hiện cương quyết và đồng bộ của Chính phủ trong quý 1 và quý 2 năm 2008. Một thành công rất đáng ghi nhận nữa của điều hành kinh tế vĩ mô là việc xì hơi hai quả bong bóng bất động sản và tài chính với những hệ quả tiêu cực không quá lớn đến nền kinh tế thực.

Hình 1: Lạm phát đã lên tới đỉnh trong tháng 8/2008

Bên cạnh những điểm thuận lợi nêu trên, trong ngắn hạn, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn sẽ rất khó khăn, thể hiện ở những điểm sau đây:

– Khu vực ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong quý 4 năm 2008, khi thị trường tài chính tòan cầu tiếp tục chao đảo, tỷ lệ nợ xấu có nguồn gốc bất động sản tiếp tục gia tăng và chi phí huy động vốn vẫn ở mức rất cao. Dự báo lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ giảm mạnh trong quý 4.

– Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức rất cao, xấp xỉ 20%/năm. Xét tới những khó khăn về huy động vốn và hiệu quả hoạt động, rất ít khả năng lãi suất cho vay sẽ được cắt giảm mạnh trong quý 4 năm 2008, trừ trường hợp Ngân hàng nhà nước bơm thêm một lượng tiền đáng kể hỗ trợ vốn và thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

– Sức mua tiếp tục bị cắt giảm. Các chính sách thắt chặt tiền tệ từ đầu năm của Ngân hàng nhà nước đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong việc kiềm chế lạm phát. Lượng tiền lưu thông được rút bớt và sức cầu của nền kinh tế đang giảm mạnh. Mức bán lẻ của nền kinh tế đã sụt giảm mạnh trong quý 3.

Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ảm đảm và ít có khả năng phục hồi trong năm 2008.

Hình 2: Thâm hụt thương mại giảm dần trong quý III
năm 2008

Tóm lại, các chính sách vĩ mô của Chính phủ đã đi đúng hướng và nhất quán trong 6 tháng gần đây. Kinh tế vĩ mô đang dần dần được ổn định hóa. Tuy nhiên, những chính sách phù hợp khi nền kinh tế chạm đáy rồi đi lên (hạ thấp dự trữ bắt buộc và lãi suất cơ bản) cần được ban hành rất kịp thời, không sớm không muộn, để đảm bảo lạm phát không bùng phát trở lại, đồng thời các doanh nghiệp không bị kìm nén quá mức cần thiết. Cũng cần phải chú ý hơn tới các chính sách an sinh xã hội trợ giúp người nghèo vượt suy thoái kinh tế.

Không khủng hoảng, nhưng liệu có tăng trưởng cao và bền vững?

Trong báo cáo quý trước, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng không cần phải quá lo ngại về các bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Đó chỉ là những vấn đề ngắn hạn và trong tầm kiểm soát. Không có nguy cơ khủng hoảng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Điều đáng lo ngại hơn là những yếu kém về cơ cấu, thể chế và thậm chí là mô hình phát triển của nền kinh tế Việt Nam đã được bộc lộ rõ hơn qua đợt bất ổn kinh tế này. Đối với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, câu hỏi quan trọng nhất vẫn là câu hỏi về khả năng tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong tương lai.

Trong báo cáo mới đây nhất, Credit Suisse đã đưa ra nhận xét đầy bi quan rằng cần phải điều chỉnh cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam. Thay vì lặp lại con đường phát triển nhanh của Trung Quốc, kinh tế Việt Nam có thể chỉ đạt được những thành công khiêm tốn hơn nhiều, tương tự với các nước láng giềng như Inđonêsia và Thái Lan.

Đưa ra nhận định sớm hơn đôi chút, trong báo cáo “Vietnam: Country Forecast”, September 2007, p.36, tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) đã cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ suy giảm mạnh kể từ 2010 trở đi.

Quả thực, tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng con đường phát triển của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau ở một điểm then chốt. Trung Quốc đã phát triển kinh tế dựa trên việc phát triển năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp hương trấn. Do vậy, hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc và có thương hiệu của Trung Quốc đang ngày càng xuất hiện rộng khắp trên thế giới, là nền móng để Trung Quốc đã tăng trưởng cao (xấp xỉ 10%/năm) và liên tục trong thời gian dài.

Trong khi đó, khu vực sản xuất nội địa của Việt Nam kém tiến bộ. Quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp FDI và việc gia công hàng hóa cho các doanh nghiệp FDI. Sản phẩm thương hiệu Việt Nam vừa ít ỏi, vừa yếu kém. Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn chưa hội nhập được vào mạng lưới sản xuất (value chain) của các doanh nghiệp đa quốc gia Đông Á. Vậy kinh tế Việt Nam sẽ dựa vào động lực nào để tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian sắp tới?

Một số nguyên nhân hạn chế thành công kinh tế trung hạn của VN

Đầu tư sai và kém hiệu quả. Bên cạnh các khoản đầu tư kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, chúng tôi cho rằng ngay cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong các năm gần đây cũng có chất lượng và hiệu quả thấp. Một khối lượng FDI khổng lồ đang tập trung vào các khu vực phi sản xuất và phi thương mại quốc tế (non-tradable sectors), do vậy sẽ là gánh nặng gây ra thâm hụt thương mại ngày càng lớn trong tương lai, đồng thời ít có đóng góp trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.

Thiếu nguồn lực cần thiết để tăng trưởng cao và bền vững. Sự thiếu hụt và yếu kém về cơ sở hạ tầng, năng lượng, kiến thức khoa học công nghệ và nhân lực trình độ cao tiếp tục là những nút cố chai cản trở tăng trưởng trung hạn và dài hạn của Việt Nam. Ngay cả khi dư thừa vốn, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư để dịch chuyển từ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động (labour-intensive) sang các ngành sản xuất sử dụng nhiều vốn (capital-intensive) và có giá trị gia tăng cao. Chính vì vậy, họ chọn một con đường phát triển ngắn hạn hơn nhiều, đó là đầu cơ vào bất động sản và chứng khoán.

Sự yếu kém của thể chế kinh tế. Cùng với việc gia nhập WTO, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có rất nhiều cải thiện, tuy nhiên rõ ràng còn rất việc phải làm. Theo báo cáo môi trường kinh doanh mới nhất của Ngân hàng thế giới, Việt Nam được xếp thứ 92 trong tổng số 181 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ thuận lợi kinh doanh. Trong thời gian tới, hai hướng cải cách đầy khó khăn nhưng không thể né tránh là khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính-ngân hàng.

Tóm lại, bức tranh tăng trưởng kinh tế về trung và dài hạn của Việt Nam đang bộc lộ một số khó khăn nghiêm trọng. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có những tiềm năng to lớn để thành công. Vẫn rất nhiều tiềm năng để kinh tế Việt Nam trở thành một con hổ mới của Đông Á.

Vấn đề là làm thế nào để biến tiềm năng đó thành kết quả thực tế? Và trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp lớn cần có những đối phó phù hợp như thế nào về chiến lược kinh doanh?

Nguồn: www.vnr500.com.vn