Kinh tế Việt Nam rơi vào giảm phát
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tính tới 30.4.2012, trong tổng số hơn 600.000 DN đã có gần 82.000 DN giải thể, hơn 16.000 DN đăng ký dừng hoạt động. Riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có gần 18.000 DN phá sản, tăng gần 9,5% so với cùng kỳ 2011. Lo ngại về giảm phát đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo tại phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, cho rằng nguy cơ giảm phát đang là vấn đề thách thức của nền kinh tế hiện nay. Bán lẻ vốn là ngành rất sôi động cũng đã trầm lắng, rơi xuống vùng tăng trưởng âm trong những tháng gần đây khi các nhà bán buôn, bán lẻ là đối tượng phá sản nhiều nhất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4.2012 chỉ tăng 0,05%, mức thấp nhất trong 2 năm qua và giảm tháng thứ 9 liên tiếp, riêng Hà Nội và TP.HCM thì CPI có mức tăng trưởng âm.

Đi sâu vào những vấn đề cụ thể, TS Lê Đăng Doanh chỉ ra nguy cơ đáng lo ngại của tình trạng giảm phát “ẩn” trong những biểu hiện tưởng chừng như tích cực. Chẳng hạn lạm phát giảm, nhập siêu được kiềm chế, xuất khẩu ổn định… nhưng nhập siêu giảm bởi vì DN phần lớn không tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, đem lại kết quả xuất siêu cho nền kinh tế. DN không sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu khiến quỹ ngoại tệ tăng lên.

“Nền kinh tế tăng trưởng thì lạm phát có thể được giải quyết, nhưng không có tăng trưởng thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Vì từ đây sẽ xuất hiện sản xuất đình đốn, thất nghiệp tràn lan, việc làm thiếu thốn và gây ra các hậu quả khó lường về mặt xã hội”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng con số tăng trưởng tín dụng âm (-2,13%) trong 3 tháng đầu năm là sự bất thường trong nhiều năm trở lại đây. Nó thể hiện nền kinh tế đang đình đốn và chuyển sang giảm phát. Căn bệnh giảm phát sẽ khó chữa hơn lạm phát bởi khi giảm phát các DN đã chết thì không thể cho uống thuốc gì để cứu sống được.

Nên miễn thuế GTGT, nhận thế chấp hàng tồn kho…

Đó là một trong những giải pháp để hãm đà giảm phát hiện nay. Theo các chuyên gia, giải pháp thời gian qua như gói cứu trợ về chính sách thuế 29.000 tỉ đồng, giảm lãi suất chưa đánh trúng vào khó khăn của DN. Một mình Ngân hàng Nhà nước không thể kích thích tín dụng được. Gói cứu trợ thuế cũng chỉ như “thêm ít gia vị” về mặt tinh thần là chính. Muốn giải quyết tình trạng hiện nay, phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, bộ, ngành…

TS Bùi Kiến Thành đề xuất, trọng tâm chính sách trong thời gian tới phải hỗ trợ cho xuất khẩu mạnh mẽ hơn nữa. Vừa qua, Trung Quốc hỗ trợ toàn diện cho xuất khẩu từ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm LS, tạo điều kiện xây dựng nhà xưởng, kho hàng, giảm phí vận tải… nhờ đó hàng hóa xuất khẩu giá thành rẻ, cạnh tranh được thị trường nước ngoài.

Vì vậy, theo ông Thành, cái gì làm được phải làm ngay, hàng tồn kho phải giải quyết để DN tiếp tục quay vòng vốn sản xuất thông qua miễn thuế GTGT chứ không chỉ là hoãn. Bởi giảm giá bán rất quan trọng, nó có thể thúc đẩy được phần nào tiêu thụ. Nếu thuế GTGT chỉ giãn ra thì 4-5 tháng sau cũng không thể giảm giá bán được.

Đồng thời, ngân hàng phải lấy hàng tồn kho đó làm tài sản thế chấp cho DN vay tiếp, giúp họ có đầu ra thì mới tiếp tục sản xuất, và tạo điều kiện sản xuất với chi phí rẻ hơn song song với việc kéo lãi vay xuống thấp hơn nữa. “Hiện nhiều DN có đơn đặt hàng nhưng không dám làm vì không có vốn lưu động sản xuất, lãi suất quá cao và không đáp ứng được thị trường. Cái gì có thể được cố gắng làm, gói hỗ trợ của Bộ Tài chính không đáp ứng được nhu cầu thực sự, DN đang chết rồi phải có chính sách đồng bộ tiền tệ – tài khóa và Bộ Công thương phải vào cuộc”, ông Thành nói thêm.

Theo TS Lê Đăng Doanh, Chính phủ cần nhìn nhận thẳng thắn về sự trì trệ của nền kinh tế và cần phải có biện pháp hữu hiệu để giúp nền kinh tế thoát khỏi thực trạng này. Ngoài biện pháp giảm lãi suất, cần khơi thông bế tắc để DN được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Một khi nguồn vốn được khơi thông, tín dụng tăng lên, người dân có tiền mua hàng, sức mua được kéo theo, giải tỏa được hàng tồn kho, DN tiêu thụ được hàng hóa và sản xuất sẽ khôi phục.

“Có một điều rất mâu thuẫn là ngân hàng thừa vốn nhưng DN không tiếp cận được vốn. Mâu thuẫn này cần được giải quyết để có thể mua lại nợ xấu của DN, giúp DN hoạt động trở lại và trả lãi suất khi bán được hàng; hoặc sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng cứu các DN có khả năng. Nếu mâu thuẫn, bế tắc này không được tháo gỡ thì trì trệ của nền kinh tế sẽ kéo dài”, ông Doanh nói.

Theo Thanh Niên