Ký hợp đồng BOT 8.925 tỷ đồng; Danh tính hàng chục dự án điện gió đăng ký đóng điện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trị Ký hợp đồng BOT Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo trị giá 8.925 tỷ đồng; hé mở danh tính hàng chục dự án điện gió đăng ký đóng điện…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đường dây 500 kV mạch 3 “nghẽn mạch” ở Hà Tĩnh – Quảng Nam

Hầu hết địa phương có Đường dây 500 kV mạch 3 đi qua đã bàn giao mặt bằng, thậm chí đưa các hạng mục dự án vào vận hành, thì đoạn qua Quảng Nam, Hà Tĩnh vẫn chưa hoàn tất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Bùi Công Cường, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) tỏ ra rất sốt ruột khi nói đến tiến độ giải phóng mặt bằng thi công mạch 3 đường dây 500 kV, đoạn Quảng Trạch – Dốc Sỏi qua địa bàn Quảng Nam.

“Miền Trung sắp vào mùa mưa. Vị trí móng trụ điện đặt tại khu vực núi cao, đường vận chuyển vật tư, thiết bị khó khăn và dễ bị sạt lở. Nếu gặp mưa lớn kéo dài, thì các hạng mục đang thi công dở dang bị cuốn trôi là khó tránh khỏi. Các đơn vị thi công đang rất cần mặt bằng”, ông Cường nói.

Đại diện CPMB cho biết, để đẩy nhanh tiến độ Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, CPMB đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các huyện có đường dây đi qua hoàn tất thủ tục cưỡng chế thu hồi đất tại các vị trí móng chưa bàn giao mặt bằng trước ngày 15/7/2021, vận động những hộ dân chưa nhận tiền đền bù. Nhưng, hiện mới chỉ có mặt bằng đi qua huyện Đại Lộc (28 km) hoàn tất để đơn vị thi công thực hiện kéo dây.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 phải bàn giao mặt bằng móng trước 30/4/2021; bàn giao xong mặt bằng hành lang tuyến trước 15/5/2021. Song đến nay, Quảng Nam mới bàn giao 198/261 vị trí móng cột, 209/262 khoảng cột; còn 63 vị trí móng, 45 khoảng cột chưa thể bàn giao.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Hà Tĩnh. Tại Công điện số 393/CĐ-TTg, ngày 29/3/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh phải bàn giao mặt bằng đường dây 500 kV mạch 3, đoạn Vũng Áng – Quảng Trạch trước ngày 15/5/2021. Tuy nhiên, đến nay, tuyến đi qua địa bàn thị xã Kỳ Anh vẫn còn gần chục vị trí móng chưa bàn giao mặt bằng.

Trước yêu cầu cấp bách về tiến độ Dự án Đường dây 500 kV mạch 3, trong các tháng 6 và 7/2021, lãnh đạo CPMB đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh và các sở, ngành địa phương, lực lượng liên quan nhằm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Tại Quảng Nam, theo CPMB, chế độ, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân đã được tính đúng, tính đủ theo quy định, nhưng các hộ dân vẫn chưa đồng ý vì cho rằng giá bồi thường còn thấp. Vì vậy, CPMB đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có đường dây đi qua hoàn tất thủ tục để cưỡng chế thu hồi đất tại những vị trí móng chưa bàn giao mặt bằng trong tháng 7/2021. Đồng thời, tăng cường vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng. Sau khi thực hiện đầy đủ quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng, nếu các hộ dân vẫn cương quyết ngăn cản kéo dây, UBND các huyện cần hỗ trợ lực lượng bảo vệ thi công.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung nhân lực phối hợp với CPMB vận động, tuyên truyền các hộ dân chấp hành chủ trương, chính sách trong  bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Tỉnh đã chốt mốc cuối cùng là đến ngày 15/8/2021 phải hoàn thành phần hành lang tuyến. Đối với các hộ không nhận tiền bồi thường, UBND tỉnh giao địa phương có đường dây đi qua hoàn tất thủ tục để cưỡng chế thu hồi đất tại các vị trí móng chưa bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu là phải chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và chia sẻ của từng hộ dân bị ảnh hưởng để Dự án Đường dây 500 kV, đoạn Quảng Trạch – Dốc Sỏi sớm đi vào vận hành”, ông Bửu nói.

Còn tại Hà Tĩnh, theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng tổ công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn UBND thị xã Kỳ Anh (địa phương duy nhất còn vướng mặt bằng) giải quyết các vướng mắc về chính sách hỗ trợ trong quá trình thực hiện Dự án; tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng tình chủ trương, có phương án triển khai theo quy định pháp luật.

“Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, thị xã Kỳ Anh cần vào cuộc với tinh thần cao nhất, nhận định đúng tình hình, xử lý hiệu quả, sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ Dự án…”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Đề xuất đầu tư 27 tỷ đồng sửa chữa cáp dự ứng lực cầu Tân Đệ

Sau hơn 20 năm khai thác, nhiều bó cáp dự ứng lực ngoài của cầu Tân Đệ trên Quốc lộ 10 nối Nam Định và Thái Bình đã bị hư hỏng cần được thay thế gấp.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa Bộ GTVT chấp thuận chủ trương sửa chữa và phê duyệt bổ sung kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2021 đối với công trình “Sửa chữa cầu Tân Đệ Km99+200 Quốc lộ 10” do Cục Quản lý đường bộ I làm chủ đầu tư.

Dự án này có mục tiêu thay thế và căng lại các bó cáp dự ứng lực ngoài các nhịp N6 – N10 (không bao gồm 3 bó cáp đã thay thế năm 2016, 2017, 2020) bằng tao cáp 7 sợi có đường kính danh định 15,2mm được mạ kẽm từng sợi đơn + bọc vỏ HDPE từng tao cáp + lớp mỡ hoặc sáp (mỡ đặc) bảo vệ chèn giữa tao cáp và lớp vỏ bọc HDPE từng tao cáp + vỏ HDPE bọc toàn bộ bó cáp + lớp HDPE điền đầy.

Dự kiến tổng số bó cáp cần xử lý là 27 bó/30 bó cáp dự ứng lực. Kinh phí thực hiện Dự án dự kiến là 27,3 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ (Ngân sách Nhà nước). Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2021 đến 2022.

Được biết, cầu Tân Đệ vượt sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Thái Bình, nằm trên Quốc lộ 10, là tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.

Cầu gồm 19 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực với sơ đồ nhịp (39+4×40)+(70+3×120+77.8)+(8×40+39)m, chiều dài cầu cầu là 1080,8m. Kết cấu nhịp dẫn có mặt cắt ngang cầu gồm 7 dầm bê tông cốt thép dự ứng lực lắp ghép dạng Super T, chiều cao dầm chủ là 1,75m. Kết cấu nhịp chính của cầu dầm bê tông cốt thep dự ứng lực liên tục với bố trí nhịp 70m+3x120m+77,8m, mặt cắt ngang tiết diện hình hộp, chiều cao hộp thay đổi từ 3,0m đến 6,5m, nhịp chính là hệ dầm dự ứng lực bên trong kết hợp với dự ứng lực ngoài.

Toàn cầu có 30 bó cáp dự ứng lực ngoài (nhịp N8 có 6 bó, nhịp N7 có 8 bó, nhịp N9 có 8 bó, nhịp N6 có 4 bó, nhịp N10 có 4 bó). Số lượng tao cáp trong mỗi bó cáp bố trí trên các nhịp có khác nhau (nhịp N7 và nhịp N9 mỗi bó cáp có 18 tao cáp, các nhịp khác mỗi bó cáp có 19 tao). Tao cáp loại 7 sợi đường kính tao cáp 15.2mm theo tiêu chuẩn ASTM A416 độ trùng thấp cấp 270, loại cáp này không có lớp bảo vệ cho từng tao cáp, cáp chỉ được bảo vệ bằng vữa xi măng bơm trong lòng ống nhựa bảo vệ cáp.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cầu Tân Đệ được hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2002, sau nhiều năm khai thác, công trình xuống cấp và xuất hiện sự cố đứt cáp dự ứng lực ngoài và xuất hiện một số hư hỏng khác như khe co giãn, mặt cầu, nứt dầm… Đặc biệt là các bó cáp dự ứng lực ngoài tại các nhịp N6-N11 có dấu hiệu bị han gỉ, hư hỏng, nguy cơ bị đứt, ảnh hưởng đến an toàn công trình.

Mở danh tính 61 dự án điện gió đã gửi công văn đăng ký đóng điện

Tính đến ngày 22/7/2021, đã có 61 doanh nghiệp gửi công văn tới A0/EPTC đăng ký đóng điện, hòa lưới, thử nghiệm trước 90 ngày. Cơ hội vẫn còn ít ngày cho các doanh nghiệp chưa kịp gửi công văn.

Nếu tính ngày cuối cùng được công nhận đạt điều kiện vận hành thương mại (COD) là 31/10/2021 để được hưởng mức giá điện hiện nay theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thì hạn chậm nhất mà các doanh nghiệp phải gửi công văn tới Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và Công ty Mua bán điện (EPTC) để đăng ký đóng điện và hoà lưới thử nghiệm sẽ rơi vào trước ngày 30/7/2021 là hợp lý và an toàn với yêu cầu trước 90 ngày.

Vận chuyển cánh gió ở Dự án điện gió BT Quảng Bình
Vận chuyển cánh gió ở Dự án điện gió BT Quảng Bình

Nghĩa là trong một vài ngày tới, các doanh nghiệp chưa kịp đăng ký thì vẫn còn thời gian để gửi công văn tới.

Hiện có 25 nhà máy điện gió với tổng công suất là 1.912,05 MW được xác định là không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021.

Trước đó, EVN cũng cho hay, có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất là 5.621,50 MW dự kiến sẽ vào vận hành thương mại trước 31/10/2021 và tới ngày 22/7/2021 mới có 61 nhà máy điện gió đăng ký như nói trên.

Do số lượng các nhà máy đăng ký thử nghiệm trong giai đoạn từ tháng 7- 10/2021 là rất lớn này, A0 đã đề nghị các nhà đầu tư tuân thủ một số vấn đề nhằm đảm bảo về tiến độ và chất lượng cho các thử nghiệm của các nhà máy có kế hoạch COD trước 31/10/2021.

“A0 sẽ không chịu trách nhiệm nếu nhà máy có nguy cơ không kịp công nhận COD trước ngày 31/10/2021 do việc chậm trễ phát sinh từ phía Chủ đầu tư nhà máy điện không tuân thủ đúng kế hoạch trên”, thông báo của A0 ngày 24/6/2021 cho biết.

Cũng theo lộ trình này, đơn vị phát điện có trách nhiệm gửi cấp điều độ có quyền điều khiển vận hành và Công ty mua bán điện chương trình chạy thử nghiệm không muộn hơn 90 ngày làm việc trước ngày thử nghiệm công nhận COD.

Đơn vị phát điện phải đăng ký chính thức lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu với đơn vị điều độ liên quan không muộn hơn 03 ngày làm việc trước khi bắt đầu thử nghiệm.

Công tác thử nghiệm trước COD phải tuân thủ theo đúng các quy định tại Quy trình thử nghiệm và giám sát thử nghiệm (Quyết định 25/QĐ-ĐTĐL, năm 2019) và Quy trình công nhận Ngày vận hành thương mại (Quyết định 746/QĐ-EVN, năm 2021).

Theo đó, A0 khuyến cáo các công ty tập trung nguồn lực và ưu tiên hoàn thiện 02 hạng mục thử nghiệm kỹ thuật cần để công nhận COD là thử nghiệm khả năng phát/nhận công suất phản kháng và thử nghiệm kết nối AGC.

Các thử nghiệm khác yêu cầu theo Quyết định 25/QĐ-ĐTĐL sẽ được bố trí xen kẽ theo điều kiện hệ thống điện, không gây ảnh hưởng đến vận hành các nhà máy khác và mức độ khả dụng năng lượng sơ cấp cho phép.

A0 cũng yêu cầu các nhà máy cung cấp kế hoạch đóng điện, thử nghiệm sớm và bám sát nhất có thể theo tình hình thực tế của dự án. Trên cơ sở này A0 sẽ giải quyết lịch thử nghiệm theo nguyên tắc ưu tiên nhà máy đăng ký trước sẽ thực hiện thử nghiệm trước.

Ngoài ra, A0 đề nghị Công ty cung cấp biên bản thử nghiệm nội bộ để xác nhận và biên bản nghiệm thu Point-to-Point với đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Quy định yêu cầu kỹ thuật và quản lý vận hành hệ thống SCADA (Quyết định 55/QĐ-ĐTĐL, năm 2017).

A0 cũng lưu ý chủ đầu tư chỉ đăng ký thử nghiệm chính thức khi đã hoàn thành các công tác chuẩn bị nội bộ phía nhà máy, hạn chế tối đa việc thay đổi lịch thử nghiệm đã đăng ký và/hoặc thử nghiệm kéo dài/không thành công do việc bố trí thời gian thử nghiệm lại sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch thử nghiệm các nhà máy khác cũng như phương thức vận hành hệ thống điện an toàn ổn định và liên tục.

Cũng để kịp hoàn thiện các thủ tục, A0 đề nghị các chủ đầu tư nhà máy điện có trách nhiệm đăng ký thử nghiệm chính thức không muộn hơn ngày 20/10/2021.

Đề xuất Thủ tướng duyệt 17 triệu USD đầu tư nâng cấp Quốc lộ 9 qua Quảng Trị

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có công văn số 4801/BKHĐT – KTĐN đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1” sử dụng vốn dư của Dự án “Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam – VRAMP” vay vốn ngân hàng Thế giới (WB) trong khuôn khổ Hiệp định tài trợ số 5331-VN.

Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi WB công hàm thông báo về việc Dự án “Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 được phê duyệt chủ trương đầu tư và sử dụng vốn dư của Dự án VRAM.

Một đoạn Quốc lộ 9 qua địa phận tỉnh Quảng Trị.
Một đoạn Quốc lộ 9 qua địa phận tỉnh Quảng Trị.

Tại công văn số 4801, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao Bộ GTVT căn cứ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1” của Thủ tướng Chính phủ, góp ý của các cơ quan có liên quan tiến hành lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền thẩm định trước khi thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; đồng thời tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu, kết quả và thời hạn hoàn thành.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT còn có trách nhiệm thực hiện thủ tục bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm giai đoạn 2021-2025 cho Dự án theo quy định pháp luật đầu tư công. 

Liên quan đến việc tổ chức triển khai Dự án, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ có trách nhiệm hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kịp thời hạn để đảm bảo tiến độ thi công Dự án trong năm 2021-2022. 

Được biết, Dự án  “Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1” có tổng chiều dài khoảng 13,8 km; điểm đầu tại cảng Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh; điểm cuối giao với Quốc lộ 1 tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ để đạt quy mô đường cấp II 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư Dự án là 19,05 triệu USD, tương đương 440,38 tỷ đồng, trong đó vốn vay của WB là 16,75 triệu USD, tương đương 387,31 tỷ đồng (từ nguồn vốn IDA dư của Dự án VRAMP) và vốn đối ứng là 53,07 tỷ đồng, tương đương 2,3 triệu USD (từ nguồn vốn đối ứng dư của Dự án VRAMP). 

Quốc lộ 9 là tuyến đường chạy theo hướng Đông – Tây từ Cửa Việt đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), chiều dài 97km, trong đó đoạn từ cảng Cửa việt đến Quốc lộ 1 có chiều dài 13,8km. Quốc lộ 9 cũng thuộc tuyến đường Xuyên Á (AH16), là một trong các trục giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh Quảng Trị nói riêng, khu vực Bắc miền Trung nói chung; là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar.

Hiện nay, trên tuyến có nhiều xe tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Việt đi Lào, Campuchia, Thái Lan. Đặc biệt, vào các mùa lễ hội, du lịch, du khách tập trung về bãi tắm Cửa Việt dẫn đến nhu cầu giao thông tăng đột biến, trong điều kiện một số vị trí mặt đường đã bị hư hỏng, rạn nứt lún cục bộ gây đọng nước tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, Quốc lộ 9 cùng với Quốc lộ 49C, đường tránh phía Bắc Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Đông tạo thành chuỗi di tích phục vụ du lịch hoài niệm, tâm linh gồm: Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn – Tượng đài chiến thắng Cửa Việt – Thành Cổ Quảng Trị.

Do vai trò quan trọng của tuyến đường nên nhu cầu vận tải trên Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 đến cảng Cửa Việt ngày càng tăng nên việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến Quốc lộ 9 là cần thiết.

Hai công ty Hoa Kỳ đăng ký đầu tư hơn 70 triệu USD vào Đà Nẵng

Hai doanh nghiệp của Hoa Kỳ là Công ty TNHH Phát triển INTEX và Vector Fabrication đã đăng ký đầu tư xây dựng dự án tại Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư hơn 70 triệu USD.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, Ban Quản lý vừa có văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư vào KCN Hoà Khánh cho Công ty TNHH Phát triển INTEX, là thành viên của Tập đoàn INTEX Group.

Khu công nghệ cao TP.Đà Nẵng thu hút được nhiều Dự án FDI.
Khu công nghệ cao TP.Đà Nẵng thu hút được nhiều dự án FDI.

INTEX sẽ nghiên cứu đầu tư Dự án sản xuất hộp lọc nước cho bể bơi với công suất 1.900.000 sản phẩm/năm; máy bơm nước và không khí bằng điện và bằng tay với công suất 2.440.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đăng ký đầu tư của dự án là 12 triệu USD (tương đương với 290 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, được sự thống nhất chủ trương của UBND Thành phố, Ban Quản lý cũng đã giới thiệu địa điểm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Bảng mạch in & Vi cơ điện tử (MEMS) của nhà đầu tư Vector Fabrication đến từ Hoa Kỳ vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư dự kiến là 60 triệu USD. Dự kiến trong tháng 8/2021, Ban Quản lý sẽ phối hợp với Công ty TNHH Fujikin Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng.

Theo ông Phạm Trường Sơn, từ đầu năm đến nay, Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút được 16 dự án, trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký lần lượt là 145,33 triệu USD (chiếm hơn 99,13% tổng vốn FDI thu hút vào thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2021) và 481,4 tỷ đồng.

Luỹ kế đến nay, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp TP.Đà Nẵng đã thu hút được 503 dự án, trong đó có 373 dự án trong nước và 130 dự án FDI với tống vốn đầu tư lần lượt là 27.563 tỷ đồng và hơn 1,8 tỷ USD.

Thanh Hoá: Dừng 9 dự án không còn điều kiện khả thi đầu tư

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi vừa đồng ý đề xuất dừng 9 dự án chậm tiến độ quá lâu, hết hiệu lực pháp lý, không còn điều kiện khả thi đầu tư trên địa bàn.

Trên thực tế, có nhiều Dự án được chấp thuận đầu tư quá nhiều năm nhưng không đầu tư; đặc biệt có chủ đầu tư cố tình “ôm đất”, gây bức xúc cho người dân địa phương, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung cũng như gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư những dự án khác.

Hội nghị thảo luận hướng giải quyết những Dự án chậm tiến độ quá lâu, Dự án hết hiệu lực pháp lý
Hội nghị thảo luận hướng giải quyết những dự án chậm tiến độ quá lâu, dự án hết hiệu lực pháp lý

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá, hiện nay trên địa bàn tỉnh (không tính tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa) hiện có 55 dự án đã hết hiệu lực pháp lý của chủ trương đầu tư, cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có hướng giải quyết. Trong đó, có 25 dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh gia hạn lần cuối theo Công văn 10814/UBND-THKH, ngày 10/8/2020.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cho dừng 7 dự án không còn điều kiện khả thi đầu tư. Cùng với đó, Sở cũng đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục triển khai những dự án còn lại.

Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh cũng tổng hợp 46 dự án trong diện cần phải xem xét, trong đó đề xuất dừng 4 dự án chậm nhiều năm nhưng chủ đầu tư không hợp tác.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đồng ý đề xuất cho dừng 2 dự án tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa và 7 dự án tại các huyện, thị xã, thành phố, gồm: Trường Mầm non Quốc tế Clever Kids của Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và Xây dựng Hà Nội (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa); Xưởng sản xuất, chế biến đá làm vật liệu xây dựng của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hùng (thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định); Khu Trang trại tổng hợp công nghệ cao Quảng Lợi của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quảng Lợi (xã Xuân Thiên và Thọ Minh) và Nhà máy Sản xuất bản ghế của Công ty TNHH Tadlack Production (xã Thọ Hải, Thọ Xuân); Đầu tư mở rộng bãi tập kết vật liệu xây dựng Vĩnh Yên của Công ty CP Thương mại Đức Lộc (xã Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc); Dịch vụ ẩm thực Hoa Linh của Công ty CP Ứng dụng Công nghệ Hoa Linh (xã Quảng Trung, Quảng Xương); Trạm thu mua, phân loại lâm sản của Công ty TNHH Chế biến Lâm sản Thành Lộc (xã Mường Chanh, Mường Lát).

Đây là những dự án đã được các ngành, các địa phương tạo điều kiện, gia hạn nhiều lần nhưng các dự án đã chậm tiến độ quá lâu, hết hiệu lực pháp lý, không còn điều kiện khả thi đầu tư. Hơn nữa, các chủ đầu tư không còn mặn mà, thậm chí có ý kiến được chấm dứt đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan phải hoàn thành thủ tục và có văn bản báo cáo UBND tỉnh về nguyên nhân cũng như đề xuất dừng các dự án trước ngày 30/7/2021.

Giao đầu mối triển khai đầu tư gần 200 km Dự án tuyến vành đai 4 TP.HCM

Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án tuyến vành đai 4 TP.HCM theo nguyên tắc phân chia các đoạn theo địa giới hành chính của từng địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM hôm 13/5/2021.

Bản đồ quy hoạch đường vành đai 4 Tp.HCM.
Bản đồ quy hoạch đường vành đai 4 Tp.HCM.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị giao UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ  – Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km; UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn – cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km; UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên – Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km; UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km; UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM), chiều dài khoảng 71 km.

Tuyến đường vành đai 4 TP.HCM đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An với tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6 km (tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200 km).

Đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM là các tuyến vành đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô Tp. HCM và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TP.HCM.

Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 và Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Tp. HCM, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng Dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. Đến nay, tuyến Vành đai 3 mới chỉ hoàn thành 16,3 km/89 km; tuyến Vành đai 4 hoàn thành 11 km/197,6 km. Việc chậm triển khai đã dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, làm tăng chi phí đầu tư, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và khu vực…

Trước đó, để sớm hoàn thành 2 tuyến đường này đáp ứng tiến độ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án; các địa phương có trách nhiệm bố trí vốn giải phóng mặt bằng; phần vốn tham gia của nhà nước trong các dự án PPP sử dụng kết hợp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

1.104 tỷ đồng xây hồ chứa nước ngọt và hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 7 tỉnh ĐBSCL

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp vừa ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Người dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre mua bồn nhựa, xây ống hồ xi măng để trữ nước ngọt dùng cho sinh hoạt . Ảnh: Minh Mừng (Nguồn: www.bentre.gov.vn)
Người dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre mua bồn nhựa, xây ống hồ xi măng để trữ nước ngọt dùng cho sinh hoạt . Ảnh: Minh Mừng (Nguồn: www.bentre.gov.vn)

Mục tiêu đầu tư của Dự án là xây dựng các công trình trữ nước, tạo nguồn, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân tại các vùng khan hiếm nước, hải đảo, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng ven biển, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán thuộc 07 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng 132.242 hộ dân (bao gồm khoảng 130.242 hộ dân trong đất liền và khoảng 2.000 hộ dân với khoảng 6.000 người dân trên đảo Thổ Châu) để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cấp nước phục vụ hậu cần nghề cá cho khoảng 700 tàu, cũng như góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển du lịch trên đảo Thổ Châu, Kiên Giang.

Về quy mô đầu tư, dự kiến Dự án thực hiện khoảng 80 công trình cung cấp nước sinh hoạt, gồm: Xây dựng mới khoảng 41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; sửa chữa, nâng cấp khoảng 38 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; xây dựng mới 01 hồ chứa nước ngọt trên đảo Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang với dung tích khoảng 230.000 m3, trạm xử lý nước và các hạng mục công trình phụ trợ khác.

Đây là dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư (dự kiến) là 1.104 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.

Địa điểm thực hiện dự án tại 07 tỉnh gồm: Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Thời gian thực hiện dự án 04 năm kể từ năm khởi công. Dự kiến tiến độ thực hiện: Chuẩn bị dự án: 2020-2022; thực hiện dự án: 2022-2025.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Tổng cục Thủy lợi là cơ quan chủ trì (phối hợp với Vụ Kế hoạch và các đơn vị có liên quan) thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ phê duyệt dự án, quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Các đơn vị trực thuộc Bộ xử lý các công việc có liên quan trong quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án theo chức năng nhiệm vụ được giao.

UBND các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Thừa Thiên Huế rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm.

Ngày 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm,  tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho 19 Dự án với tổng mức đầu tư 12.815,8 tỷ đồng và cấp điều chỉnh 12 dự án, trong đó tăng vốn đầu tư 4 dự án, có vốn đầu tư tăng thêm 293,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Văn phòng Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá các chương trình, các sản phẩm đặc trưng trên các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tính từ đầu năm đến 25/6/2021 số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 324 doanh nghiệp (giảm 13,6% so với cùng kỳ) đạt 40,5% kế hoạch; Tổng số vốn đăng ký là 2.619,825 tỷ đồng (giảm 48,8% so với cùng kỳ).

Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành 100% các nhiệm vụ trong chương trình công tác của Sở. Ưu tiên tham mưu các nhiệm vụ quan trọng như lập quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; Xúc tiến trình phê duyệt đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…

Đổi mới hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, ứng dụng hình thức xúc tiến trực tuyến, hoàn thiện dự án chấp thuận chủ trương sẵn sàng kêu gọi đầu tư; thành lập tổ công tác xúc tiến doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản để bổ sung nguồn thu cho địa phương.

Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được thông qua đến với cộng đồng doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt ưu tiên chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen quản lý, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh.

Rà soát tiến độ thực hiện của các dự án đã cấp bị chậm theo quy định tại quyết định chủ trương đầu tư, các dự án đã đi vào hoạt động, các dự án giám sát đặc biệt, các dự án đôn đốc, các dự án cần hỗ trợ, các dự án đang kêu gọi đầu tư…

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm để đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Giám sát, đánh giá đầu tư, cập nhật báo cáo kết quả thực hiện hàng tháng.

Chủ tịch Nguyễn Văn Phương cho rằng, mặc dù tỉnh đã rất nỗ lực, tạo điều kiện trong việc kêu gọi đầu tư vào tỉnh, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc như công tác phối hợp giữa các ngành, thủ tục hành chính, quy trình vận hành… Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tăng cường phối hợp, tiến hành nghiên cứu, tham mưu các giải pháp cụ thể, đi sâu vào thực trạng, vấn đề đang vướng mắc để tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng chảy đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng,…

Tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xã hội; trong đó cán bộ Sở là lực lượng chủ công, phải am hiểu, bám việc, tập trung vào các điểm vướng mắc để giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Vượt khó dịch Covid-19, Bộ GTVT đã cán mốc giải ngân hơn 44% kế hoạch năm 2021

Trong tháng 7/2021, các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT vẫn giải ngân được 2.078 tỷ đồng, nâng lũy kế giải ngân vốn đầu tư công do bộ này quản lý lên con số 19.093 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, tính đến ngày 29/7, các Dự án sử dụng vốn đầu tư công do Bộ GTVT quyết định đầu tư đã giải ngân thêm được 2.078 tỷ đồng, qua đó nâng lũy kế giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm 2021 lên con số 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Vinaconex đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết.
Vinaconex đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Dầu Giây – Phan Thiết.

Với kết quả này, Bộ GTVT là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (theo ước tính của Bộ tài chính, tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành trung ương đến hết tháng 7/2021 là 28,6%).

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, trong 7 tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản đôn đốc các Ban quản lý dự án, các cơ quan đơn vị được giao vốn phải tập trung đẩy nhanh giải quyết mọi thủ tục, tiến độ thi công các Dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân đầu tư công.

“Nhiệm vụ này được quán triệt tại các buổi giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng của Bộ GTVT và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị”, ông Nguyễn Danh Huy thông tin.

Cũng theo ông Huy, một kết quả rất đáng quan tâm đó là công tác xây dựng 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.

Đến cuối tháng 7/2021, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác xây dựng cả 5 Quy hoạch và trình lên cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường bộ, mạng lưới cảng biển; Hội đồng thẩm định nhà nước đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Riêng đối với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đang chờ Hội đồng thẩm định nhà nước bố trí lịch họp để thẩm định.

Do các Quy hoạch lần này đã được tổ chức thực hiện một cách chủ động, khoa học, bài bản và đồng bộ giữa các quy hoạch chuyên ngành GTVT nên cơ bản đạt được nguyên tắc kết nối, lan tỏa, linh hoạt, hiệu quả, tầm nhìn dài hạn được các chuyên gia Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá cao.

Bên cạnh đó, trong 7 tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã phối hợp với các tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án quan trọng quốc gia gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông; Dự án Tp.HCM – Chơn Thành; Dự án vành đai 4 Tp. Hà Nội; Dự án vành đai 3 Tp.HCM; Dự án đường cao tôc Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề; Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Vân Phong ).

Các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT đã hoàn thành ký kết và đã triển khai thi công trên hiện trường 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt và Nha Trang – Cam Lâm đầu tư theo hình thức PPP.

Theo kế hoạch, ngày 30/7, Bộ GTVT sẽ  ký kết hợp đồng với nhà đầu tư đối với dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo. Như vậy, hết tháng 7, cả 3 Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được đầu tư theo hình thức PPP đều sẽ được ký kết hợp đồng và bước sang giai đoạn thu xếp tín dụng để triển khai thi công.

Đối với 2 dự án chuyển đổi đầu tư công là Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công và đã triển khai thi công trên hiện trường từ đầu tháng 7/2021.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chuẩn bị bước vào mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công và tiến độ các Dự án, trong đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải hết sức nghiêm túc trong việc phòng chống dịch, xây dựng phương án 3 tại chỗ cho cán bộ, công nhân công trường.

Các đơn vị liên quan có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào công trường; tập trung đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu thi công tăng cường trang thiết bị, nhân lực, bổ sung các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là đối với các Dự án trọng điểm quốc gia.

“Giao Vụ Kế hoạch và đầu tư phải thường xuyên rà soát, kiểm điểm các Dự án giải ngân chậm, để điều hòa vốn cho các Dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn hoặc thiếu vốn; mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 63 của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Bên cạnh tiến độ, Tư lệnh ngành GTVT cũng nhấn mạnh chất lượng vẫn là ưu tiên số một đối với các dự án xây dựng cơ bản của ngành, giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình do Bộ là chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia. Đơn vị này có trách nhiệm xử lý ngay tồn tại, vướng mắc nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu cho dự án; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ công trình.

Ký hợp đồng BOT Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo trị giá 8.925 tỷ đồng

Sáng 30/7, tại Hà Nội, Bộ GTVT và liên danh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty cổ phần Xây Dựng Đèo Cả – Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 cùng doanh nghiệp Dự án là Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã ký Hợp đồng BOT Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Lễ ký hợp đồng Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Lễ ký hợp đồng Dự án PPP cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Đây là công trình cuối cùng trong số 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông triển khai cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 ký được hợp đồng BOT. Trước đó, Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư tại 2 dự án là Diễn Châu – Bãi Vọt và Nha Trang – Cam Lâm.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, sở dĩ quá trình thương thảo Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo kéo dài tới 6 tháng là bởi cả cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và liên danh nhà đầu tư được lựa chọn đều thống nhất quan điểm đàm phán thực chất, kỹ lưỡng. Đàm phán để triển khai thực hiện, không đàm phán cho có.

“Trong quá trình đàm phán, liên danh nhà đầu tư đã thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Đèo Cả – đơn vị có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình đầu tư các dự án đường cao tốc quy mô lớn được đầu tư theo hình thức BOT”, ông Lê Anh Tuấn đánh giá.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, việc hoàn tất ký hợp đồng BOT 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam không chỉ tiếp thêm cảm hứng, niềm tin cho các nhà đầu tư mà cơ quan quản lý Nhà nước cũng đúc rút nhiều bài học thực tế quý giá khi xử lý các vướng mắc trong việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

Theo ông Phùng Tiến Thành, đại diện Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, liên danh nhà đầu tư đã rất nỗ lực, cố gắng để  ký được Hợp đồng BOT Dự án, nhất là trong bối cảnh diễn biến biến phức tạp của dịch Covid 19, cộng thêm nguồn vật liệu khan hiếm và biến động giá bất thường của các loại vật tư như sắt thép, cát, đá các loại mà trước khi đấu thầu nhà đầu tư chưa lường hết được.

“Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn gặp khó khăn trước yêu cầu của các tổ chức tín dụng phải có bảo lãnh doanh thu mà hợp đồng này không được áp dụng”, ông Thành cho biết.

Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cam kết sẽ khẩn trương ký kết hợp đồng tín dụng, sớm triển khai công tác thi công trên thực địa để hoàn thành công trình sau 30 tháng kể từ thời điểm ký hợp đồng BOT.

Ông Thành cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục hỗ trợ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để làm việc với địa phương trong công tác cấp phép mỏ vật liệu trên địa bàn dự án đi qua; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường.

Trước đó, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và đến tháng 1/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Liên danh Tập đoàn Đèo cả – Công ty cổ phần Xây Dựng Đèo Cả – Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 với tổng mức đầu tư 8925 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 15 ngày. Nhà đầu tư đề xuất phần vốn góp của ngân sách Nhà nước giảm 891 tỷ đồng so với hồ sơ mời thầu.

Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5 km với điểm đầu tại Km54+00, phía sau nút giao Cam Ranh (điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang – Cam Lâm) thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà; điểm cuối tại Km 134+00, trùng điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, trong đó giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 80km/giờ. Trên tuyến có hạng mục hầm Núi Vung có chiều dài 2,2 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông.

Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo khi hoàn thành sẽ từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông nâng cao năng lực vận chuyển hàng hoá, thông thương trong khu vực, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT, kết nối tất cả các trung tâm kinh tế phía Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ và tạo động lực phát triển đột phá kinh tế – xã hội.