Lãi suất giảm, tín dụng vẫn tăng chậm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bà Trang Thị Thúy Liên, Tổng giám đốc Công ty giày Liên Phát chuyên gia công giày xuất khẩu sang các nước châu Âu, cho biết hai từ “vay vốn” đối với các doanh nghiệp nhỏ hiện nay được xem là xa xỉ vì những doanh nghiệp như Công ty giày Liên Phát đang phải thu hẹp sản xuất vì không có đơn hàng nước ngoài do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. “Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự bằng vốn tự có của mình và không có nhu cầu vay vốn ngân hàng trong thời điểm này”, bà cho biết.

Ông Mai Tòng Bá, giám đốc chi nhánh Sài Gòn của Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết thời gian này không có doanh nghiệp mới tìm đến ngân hàng trong khi những khách hàng cũ thì không muốn giải ngân tiếp các khoản đã vay, vì vậy dư nợ của chi nhánh đang đều đặn giảm.

“Cuối quí 1, tăng trưởng tín dụng của chi nhánh là 40%, hiện nay chỉ còn 20% so với cuối năm ngoái”, ông Bá nói. Ông Bá cho biết hiện các doanh nghiệp đang cân nhắc xem có nên vay vốn từ ngân hàng không do tình hình thế giới đang bất ổn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của họ.

Bà Nguyễn Thị Tâm, phó tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), thì bức xúc: “Tín dụng của ngân hàng vẫn sụt hàng ngày và hiện đã sụt hơn 5.000 tỉ đồng so với thời điểm tín dụng tăng cao nhất trong năm nay”.

Theo bà, mọi năm thời điểm này nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp nhập hàng về bán trong các siêu thị tăng rất mạnh nhưng năm nay lại rất yếu. “Thép đang giảm giá, xuất khẩu cá basa cũng đang kẹt do nhu cầu thế giới giảm; việc bán gạo và thu tín dụng từ các nước châu Phi không đảm bảo, sao ngân hàng dám cho vay. Mọi năm mùa này là mùa nhập nguyên liệu xây dựng chuẩn bị cho mùa khô, năm nay cũng không thấy, nông sản không xuất khẩu được kéo theo một loạt các ngành phụ phẩm để sản xuất như bột sắn, ngô… cũng gặp khó khăn luôn”, bà giải thích.

Bà Tâm than: “Lợi nhuận năm 2008 còn được bù đắp bởi sáu tháng đầu năm, chứ năm 2009 sẽ là một năm thực sự khó khăn với ngành ngân hàng”.

Tình hình của Vietcombank cũng không khá hơn. Ông Huỳnh Song Hào, phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TPHCM, nhận định các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất và không muốn vay nhiều từ ngân hàng, do đó tăng trưởng dư nợ của ngân hàng vẫn không có gì đột biến dù lãi suất cho vay giảm mạnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn cân nhắc về lãi suất khi quyết định vay vốn ngân hàng. Mức lãi suất cho vay 14%-15%/năm tuy đã giảm nhiều so với vài tháng trước nhưng so với mức tối đa 12%/năm của năm ngoái thì vẫn còn cao. Thêm vào đó, lãi suất được dự đoán sẽ tiếp tục giảm nên doanh nghiệp nếu không có nhu cầu gấp cũng chưa vội vay vốn ngân hàng mà đợi đến đầu năm sau. Điều mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (có vốn dưới 10 tỉ đồng hoặc dưới 300 lao động) cần là được vay tín chấp từ các ngân hàng, nhưng rất ít ngân hàng dám cho vay tín chấp ngoại trừ khách hàng thực sự thân thiết. Có một cách để doanh nghiệp có thể vay tín chấp hoặc vay nhiều hơn giá trị tài sản đảm bảo của mình đó là thông qua sự bảo lãnh của một quỹ tín dụng. Tuy nhiên, theo ông Từ Văn Nam, Giám đốc chi nhánh Gia Định của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, điều kiện để được quỹ tín dụng bảo lãnh không phải dễ.

Theo đại diện các ngân hàng, để tìm đầu ra cho lượng vốn khả dụng khá lớn như hiện nay, ngân hàng sẽ xoay sở bằng cách kinh doanh tiền tệ, vàng, đầu tư trái phiếu, hoặc đẩy mạnh cho vay các khu vực có rủi ro cao như cho vay tín chấp phục vụ mục đích tiêu dùng như xe, mua hàng điện máy…

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online