Lãi suất huy động vốn đã đụng trần 18%/ năm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam là 12% và có hiệu lực từ ngày hôm nay (19/5), đồng loạt các ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Trong khối các ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng đầu tiên phá trần lãi suất 12%. Theo đó, từ 19/5, lãi suất của BIDV từ 1 đến dưới 6 tháng là 13,3%/năm, từ 6 đến 12 tháng là 13,5%/năm và trên 12 tháng là 13%/năm. Tiếp đến Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng công bố: lãi suất tiết kiệm 1 tháng là 12,5%/năm; 2 tháng là 12,75%/năm; 3 tháng là 13%/năm; 6-9 tháng là 13,5%/năm và 12 tháng là 14%/năm.

Sáng 19/5, Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) đã công bố biểu lãi suất mới lên tới 15%/năm thay cho thông báo ngày 17/5 là 14%/ năm. Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng nâng mức lãi suất huy động VND kỳ hạn trên 6 tháng là 14%/năm, dưới 6 tháng là 13,5-13,8%/năm.

Cũng từ 19/5, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nâng lãi suất từ 1 – 6 tháng là 13,3%/năm, từ 6 – 12 tháng: 13,5%/năm và trên 12 tháng: 13%/năm.

Theo Phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Đông Anh, mức huy động của Ngân hàng cao nhất là 18%/năm với kỳ hạn 60 tháng; 13 tháng là 16,44%/ năm; 18 tháng là 16,92%/ năm… Đây được xem là mức huy động cao nhất tính đến chiều nay.

Một số ngân hàng khác như ACB, Eximbank, Techcombank, Ngân hàng Quốc tế (VIBank), mức lãi suất huy động phổ biến cũng là 14%.

Ngoài việc nâng lãi suất huy động, các ngân hàng cũng đưa ra các mức ưu đãi hấp dẫn để hút vốn. Như khách gửi tiền vào Sacombank từ 50 triệu đồng trở lên còn được hưởng thêm 0,005%-0,025% tùy theo kỳ hạn. VIBank công bố nếu gửi từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất 14,3%…/.

Nguồn: VOV News