Lãi suất: những nghịch lý và hệ quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện nay, lãi suất huy động tiền đồng ngắn hạn cũng như dài hạn của nhiều ngân hàng thương mại là như nhau, thậm chí kỳ hạn dài lãi suất lại thấp hơn.

Cụ thể lãi suất kỳ hạn một tháng bằng với kỳ hạn 12 tháng và bằng 1%/tháng (lĩnh lãi cuối kỳ). Tưởng đơn giản nhân 1%/tháng với 12 tháng thì sẽ có lãi suất một năm 12%, vậy là đáp ứng yêu cầu của Công điện số 02 ngày 26-2-2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước!?

Thực ra với biểu lãi suất này thì người dân dù không biết đến các phép toán tài chính cơ bản nhưng với kinh nghiệm bản thân họ cũng biết phải gửi kỳ hạn nào để có lợi nhất.

Giả sử nếu ta gửi 100 đồng kỳ hạn 12 tháng thì sau một năm sẽ nhận được số lãi là 12 đồng bởi Công điện 02 của thống đốc đã khống chế mức lời trần cho một năm. Còn nếu ta gửi hai lần kỳ hạn sáu tháng thì tiền lãi nhận được là 12,36 đồng. Mức lời lớn nhất nếu ta gửi 12 lần kỳ hạn một tháng là 12,68 đồng, hay mức lãi suất thực cho loại kỳ hạn này là 12,68%/năm vượt quá quy định của chỉ thị.

Lưu ý rằng người dân chỉ có thể lãi 12,68 đồng trên 100 đồng vốn như phép toán trên nếu họ tái gửi cả gốc và lãi với cùng kỳ hạn một tháng tương ứng trong suốt 12 tháng và biểu lãi suất này sẽ không đổi trong ít nhất 12 tháng tới. Thế nhưng giả định này quả khó xảy ra trong điều kiện mức lãi suất được các ngân hàng liên tục điều chỉnh từng ngày.

Ngân hàng với tư cách là một định chế tài chính trung gian thì lãi suất huy động cao không phải là vấn đề lớn đối với họ mà chính các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sẽ gánh khoản lãi cao này.

Trong khi đó các mức lãi suất huy động có kỳ hạn dài chẳng hạn 16, 18, 24, 36 tháng lại còn thấp hơn các kỳ hạn ngắn trên. Chẳng hạn tại ACB, Eximbank lãi suất kỳ hạn 24 tháng lĩnh lãi cuối kỳ là 0,89%/tháng (hay 10,68%/năm), kỳ hạn 36 tháng là 0,9%/tháng (hay 10,8%/năm). Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng có mặt bằng lãi suất tương đương. Điều này có nghĩa là hiện tại các ngân hàng không muốn huy động vốn dài hạn mà chỉ chú trọng vào vốn ngắn hạn để đối phó với tình thế nóng trước mắt, đồng thời xét về dài hạn các ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ hạ thấp.

Rõ ràng hiện ngân hàng đang đặt khách hàng trước hai sự lựa chọn: một là gửi kỳ hạn ngắn để có lãi suất cao nhưng khi đáo hạn sẽ chịu rủi ro tái đầu tư, nghĩa là ngân hàng có thể sẽ điều chỉnh lãi suất sau một vài tháng tiếp; hai là chấp nhận gửi kỳ hạn dài với lãi suất thấp hơn nhưng đảm bảo mức lãi suất bình quân cho toàn kỳ hạn cao hơn. Trong điều kiện mặt bằng lãi suất huy động đang đạt trần quy định và không có dấu hiệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nới lỏng Công điện 02 thì việc khách hàng kỳ vọng gửi kỳ hạn ngắn để hy vọng tái đầu tư với lãi suất cao hơn là không có cơ sở, thậm chí trong điều kiện khả năng các ngân hàng tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất huy động hiện nay cũng mong manh. Tuy vậy với tâm lý “ăn xổi ở thì” cộng với áp lực lạm phát cao hiện nay thì dù sao khách hàng vẫn thích gửi kỳ hạn ngắn hơn.

Đối với các ngân hàng thì điều dễ nhận thấy là cấu trúc tài sản nợ sẽ rủi ro hơn do qua biểu lãi suất trên sẽ chỉ khuyến khích người dân gửi tiết kiệm càng ngắn hạn càng tốt, vì vừa được lời hơn lại vừa thanh khoản hơn. Đây là một điều nghịch lý bởi do đặc tính rủi ro của dòng vốn ngắn hạn rất lớn.

Nếu các ngân hàng bất chấp chi phí để quyết huy động được số vốn cần thiết nhằm mua đủ lượng tín phiếu bắt buộc của NHNN khi thời hạn hiệu lực ngày 17-3 sắp đến thì rủi ro chưa đến lúc này mà sau một tháng hay một vài tháng khi các khoản tiền huy động có kỳ hạn ngắn trên đến hạn. Lúc ấy ngân hàng lấy đâu tiền để hoàn trả cho khách hàng? Không có đủ tiền để mua tín phiếu bắt buộc thì sẽ bị NHNN phạt nhưng không có đủ tiền để hoàn trả cho người gửi thì ai sẽ phạt và rủi ro gì sẽ đến với hệ thống ngân hàng Việt Nam? Đây là một cảnh báo đáng lưu ý không chỉ đối với các ngân hàng thương mại mà cả NHNN. Trừ trường hợp mặt bằng lãi suất của nền kinh tế cùng hạ nhiệt thì khách hàng sẽ khó có sự lựa chọn tốt hơn so với tiếp tục duy trì gửi kỳ hạn tiếp theo, nhưng hiện tại không có cơ chế nào để ghìm lãi suất xuống trong điều kiện lạm phát sau hai tháng đầu năm vẫn cao. Một kịch bản khác là NHNN sẽ lùi thời hạn mua tín phiếu bắt buộc để cho các ngân hàng dễ thở thêm một thời gian nữa, song đây cũng chỉ là vấn đề tình thế.

Lại nói về số vốn huy động có kỳ hạn ngắn thì ngân hàng sẽ sử dụng vốn này như thế nào? Theo quy định hiện hành thì các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 40% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên không phải vốn ngắn hạn nào cũng như nhau, đặc biệt trong điều kiện bất thường hiện nay khi đa số khách hàng chỉ gửi với kỳ hạn từ 1-3 tháng mà vẫn đồng nhất với kỳ hạn 12 tháng thì không hợp lý. Và trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ không dám cho vay dài hạn với loại vốn này, thậm chí cho vay ngắn hạn với các kỳ hạn từ 9-12 tháng cũng được xem là có rủi ro thanh khoản cao, chưa nói rủi ro lãi suất.

Điều nhận thấy rõ là ngân hàng với tư cách là một định chế tài chính trung gian thì lãi suất huy động cao không phải là vấn đề lớn đối với họ mà chính các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sẽ gánh khoản lãi cao này. Thực tế đang có nhiều doanh nghiệp xếp hàng để được vay với lãi suất “cắt cổ” 18%/năm thậm chí cao hơn, nhưng còn nhiều doanh nghiệp nhỏ, các khách hàng không có nhiều tiềm năng dẫu có chấp nhận lãi suất đến 20%/năm cũng chưa chắc vay được. Với lãi suất cao như vậy thì dẫu một dự án tốt trong điều kiện bình thường, nay cũng có thể được xếp vào danh mục các dự án xấu, tức tạo ra hiệu ứng “vơ đũa cả nắm”.

Xét cho cùng, liệu phần thu nhập tăng thêm do lợi tức từ tiền gửi tiết kiệm có bù được phần tăng giá hàng hóa không?!

Công điện 02 của thống đốc gửi các ngân hàng yêu cầu phải điều chỉnh lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam ở mức hợp lý, phù hợp với nguyên tắc không để lãi suất âm nhưng không vượt quá 12%/năm quả khó thực hiện!

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online