“Lạm phát năm 2008 tăng khoảng 22%”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việt Nam đã có thể kiểm soát được lạm phát chưa, thưa Bộ trưởng?

Trước đây báo cáo với Quốc hội là chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng khoảng 25%. Nhưng đến thời điểm này chúng tôi vừa trao đổi với Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tháng 9 tăng 0,18%, tháng 10 giảm 0,19%; chỉ số giá tháng 10 so với tháng 12/2007 tăng 21,69%, tháng 11 này âm, tháng 12 đề phòng giáp tết nhu cầu tiêu thụ tăng làm giá hàng hoá có thể lên chút ít thì con số chắc vào khoảng 22%.

Mặc dù vẫn luôn  phải đề phòng và tiếp tục kiềm chế nhưng con số lạm phát năm 2008 chắc chỉ tăng khoảng 22%.

Thế còn mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm 2009 ra sao?

Mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm 2009 là duy trì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhỏ hơn 15%. Khi báo cáo lên Chính phủ xin điều chỉnh lại, chúng tôi tin khả năng thực hiện được. Ý của Thủ tướng là, nếu đưa mức lạm phát trở về như năm 2007 thì càng tốt (12,63%) để từ đó có cơ sở lập lại trật tự, ổn định nền kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2009 là 6,5%. Trong tình hình khó khăn hiện nay, Bộ trưởng nhìn nhận khả năng thực hiện mục tiêu này như thế nào?

Quyết tâm là được. Khi đưa con số này ra bàn trước Quốc hội, chính phủ trình ba con số 6,5%; 7% và 7,5%. Phương án lúc đầu 7% nhưng sau khi cân nhắc tình hình của năm 2008 và năm 2009 cũng như những biến động của tình hình thế giới, chúng tôi kiến nghị chọn phương án 6,5%.

Với mức GDP tăng 6,5% thì nông nghiệp phải đóng góp được 2,8% (năm 2008 là trên 3%). Năm 2008 được mùa nên đỉnh hơi cao vì vậy năm 2009 lùi một chút là 2,8%. Theo tôi, khả năng nông nghiệp đạt được mục tiêu đề ra.
 
Giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp được đặt ra là 7,4%. Đến thời điểm hiện tại, giá trị sản xuất công nghiệp tăng ở mức 15,8-16%. Giá trị gia tăng của công nghiệp thuần tuý trên 9%, thấp hơn mọi năm. Yếu tố chính của tình trạng này là do xây dựng giảm khoảng 2% trong năm 2008.

Từ đó Chính phủ tính giá cả đang dần ổn định và có xu hướng giảm dần, để đảm bảo không suy giảm kinh tế thì con số 7,4% là hợp lí và đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,5%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, dựa vào đâu để chúng ta có thể kích thích hoạt động của ngành công nghiệp nhằm đảm bảo không làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế?   

Hướng giải quyết chính là nhằm vào xây dựng và công nghiệp vật liệu xây dựng. Vì vậy, Thủ tướng đã đề nghị phải tính lại phương án cho hai tháng còn lại của năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 bằng biện pháp kích cầu vào xây dựng để từ đó kích cầu đầu tư. Đưa tiền ra để thực hiện các dự án đầu tư hiệu quả thì sẽ tiêu hết vật liệu xây dựng. Như vậy sẽ giải quyết cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tồn đọng sắt thép, xi măng…

Thưa Bộ trưởng, vậy chúng ta sẽ kích cầu đầu tư vào đâu, việc triển khai đầu tư sẽ như thế nào?

Về đầu tư, Quốc hội thông qua ngân sách chỉ có 112 ngàn tỷ đồng, ban đầu là 118 ngàn tỷ nhưng do tình hình khó khăn nên giảm 6 ngàn tỷ. Khối địa phương vẫn giữ mức như cũ chỉ giảm khối đầu tư chung, đầu tư doanh nghiệp Nhà nước. Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Cà phê… đều bị cắt giảm, chỉ giữ lại đối với doanh nghiệp Nhà nước làm công ích (đường sắt, cảng biển, điện cho đồng bào Tây Nguyên…). Như vậy không thể kích cầu ở mảng này mà còn bị giảm đi.

Đối với trái phiếu Chính phủ, Quốc hội đồng ý tăng thêm 6 ngàn tỷ để bù vào khoản của Bộ Giao thông, Bộ Giáo dục và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bị cắt đi. Để kích cầu khoản bù này chỉ có tăng cường giải ngân càng sớm càng tốt để tiêu thụ vật tư.

Vốn ODA, Chính phủ chỉ đạo giải ngân được càng nhiều càng tốt. Các nhà tài trợ đề nghị giải ngân 10 phần chúng ta mới bố trí kế hoạch được 7-8 phần tương đương với 70-80%. Như vậy, khoản này có thể kích cầu được.

Một yếu tố nữa để kích cầu đầu tư là tín dụng đầu tư của các tập đoàn nhà nước và công ty nhà nước. Lãi suất ngân hàng đang hạ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án.

Một phần nữa là vốn tư nhân, đầu tư nước ngoài. Chúng ta hiện có hơn 100 tỷ USD vốn FDI cam kết. Vấn đề là làm sao giải ngân hơn 11 tỷ USD như dự báo thì càng tốt. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư giải ngân.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam