Lệnh cấm tranh cãi: Bài học giải quyết xung đột lợi ích
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cấm xe ba gác, hàng rong là đúng, nếu coi đó là giải pháp cho bài toán xung đột giữa một bên là lợi ích riêng của một số người lao động thuộc tầng lớp dưới và bên kia, lợi ích chung của toàn xã hội. Lợi ích chung bao giờ cũng quan trọng hơn lợi ích riêng và phải được ưu tiên bảo vệ.

Thế nhưng, tính hiện thực của sự xung đột, thực ra, chưa được xác nhận bằng các bằng chứng thuyết phục, dù các lệnh cấm đã được ban hành.

Cho đến bây giờ, người ta chỉ cảm nhận, từ những quan sát, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày, rằng xe ba gác gây cản trở, ùn tắc giao thông và là nguồn nguy hiểm khi vận chuyển đồ vật cồng kềnh; còn hàng rong thì mất vệ sinh và choáng lề đường; cả hai đều làm cho đường phố, đô thị kém mỹ quan. Chưa có ai, từ sự uỷ thác của xã hội, thực hiện một cuộc điều tra chính thức, nghiêm túc và có thẩm quyền về những tác hại của xe ba gác, bán hàng rong đối với lợi ích chung, còn được biết dưới tên gọi “trật tự, an toàn xã hội và văn minh đô thị”.

Vả lại, trong xã hội có tổ chức, không gian xã hội được coi là của chung các thành viên. Trên nguyên tắc, mỗi thành viên có quyền tự do khai thác không gian ấy để tìm kiếm lợi ích cho bản thân, bằng cách tiến hành các giao tiếp phù hợp với hoàn cảnh điều kiện riêng của mình. Chính là theo nguyên tắc đó mà người ta thực hiện các hoạt động tạo thành cái gọi là đời sống xã hội: doanh nhân lập công ty; người công chức thực hành công vụ tại cơ quan nhà nước; người nông dân ra đồng; người công nhân đến nhà máy; còn người lái xe ba gác, bán hàng rong thì lầm lũi trên các đường phố với chiếc xe, gánh hàng của mình.

Trong điều kiện các lợi ích xã hội khác biệt cùng được tìm kiếm trong khuôn khổ hạn hẹp của ngôi nhà chung, khả năng xảy ra va chạm, xung đột giữa các thành viên là khó tránh. Để có thể cùng nhau tồn tại, các thành viên cần đạt được thoả thuận về cách giải quyết va chạm, xung đột. Thoả thuận đó được gọi là chuẩn mực mang tính quy ước xã hội về ứng xử trong giao tiếp. Có những quy ước tích cực, phù hợp với lợi ích của đa số, được nhà nước thừa nhận và trở thành luật.

Cho đến ngày bị cấm, xe ba gác, hàng rong tồn tại không ngoài khuôn khổ hệ thống chuẩn mực đó và là phương tiện mưu sinh hợp pháp của một lớp người lao động lương thiện. Sự cấm đoán, về phần mình, có thể xuất hiện như một đòi hỏi khách quan, theo đúng logic phát triển của mối quan hệ giữa các lợi ích. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố, có những lợi ích hoà hợp vào ngày hôm qua, nhưng lại đối nghịch vào ngày hôm nay và về sau.

Vấn đề là ở thời điểm giải quyết xung đột, va chạm, các lợi ích liên quan đều được coi là chính đáng. Bởi vậy, một lệnh cấm, bao hàm việc loại trừ một lợi ích, phải tuân thủ một nguyên tắc kép, để trở thành giải pháp tích cực, hợp lý và công bằng.

Một mặt, lệnh cấm, được hiểu là một chuẩn mực mang tính quy ước xã hội được luật hoá, phải do cơ quan dại diện dân cử đề ra. Là thiết chế đại diện cho các nhóm lợi ích khác biệt, cơ quan đại diện dân cử (Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân) lựa chọn một cách dân chủ lợi ích cần được ưu tiên bảo vệ, thông qua biểu quyết theo đa số.

Cũng có trường hợp cơ quan đại diện dân cử uỷ thác cho nhà chức trách hành chính ban hành quyết định loại trừ một lợi ích trong khuôn khổ giải quyết xung đột. Tuy nhiên, để ngăn ngừa sự lạm quyền của cơ quan hành pháp, cơ quan đại diện dân cử phải xác định rõ các đặc điểm nhận dạng các lợi ích, cũng như các tiêu chí lựa chọn lợi ích cần ưu tiên bảo vệ. Cơ quan hành pháp, khi ra quyết định lựa chọn, chỉ thực hiện các chức năng của người chấp hành pháp luật. Nhà chức trách hành chính không thể vừa tự ra định nghĩa, vừa chủ trì, tổ chức việc thực thi công lý.

Mặt khác, nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số không thể dẫn tới việc thủ tiêu tuyệt đối và không điều kiện lợi ích chính đáng của thiểu số; còn có một nguyên tắc khác phải tuân thủ: nguyên tắc sòng phẳng và công bằng trong trao đổi lợi ích. Áp dụng nguyên tắc này, để loại trừ một lợi ích chính đáng trong khuôn khổ giải quyết xung đột lợi ích bằng quy ước xã hội, nghĩa là bằng luật, thì nhóm có lợi ích được bảo vệ phải “mua lại” lợi ích bị loại trừ… với giá cả hợp lý.

Chẳng hạn, khi cần giải toả một khu dân cư để thực hiện quy hoạch đô thị, thì người thụ hưởng lợi ích từ việc giải toả phải bù đắp thiệt hại mà những người ra đi gánh chịu, dưới hình thức bồi thường vật chất và tái định cư.

Giả sử xe ba gác, hàng rong thực sự không còn phù hợp với các yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và văn minh đô thị, thì việc cấm đoán cũng phải theo đúng các công thức đã được lập ra đó. Rõ hơn, xã hội, tức là nhà chức trách, phải tổ chức việc đền bù những mất mát mà người lái xe ba gác, người bán hàng rong gánh chịu khi phải từ bỏ việc kiếm sống bằng các phương tiện này, đồng thời phải tạo điều kiện để họ xây dựng cuộc sống mới.

Ra một lệnh cấm mà không kèm theo các biện pháp xử lý hậu quả cần thiết và hợp lý, nhà chức trách sẽ trở thành người tổ chức cho một nhóm thành viên xã hội dùng vũ lực để chiếm đoạt lợi ích của một nhóm thành viên khác. Lệnh cấm theo đuổi lợi ích, khi đó, sẽ đồng nghĩa với sự xua đuổi, bằng biện pháp hành chính, nhóm thành viên thiếu số có lợi ích bị loại bỏ, ra khỏi không gian xã hội. Điều này hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản được thiết lập trong xã hội được gọi là có tổ chức và thượng tôn pháp luật.

Ts Nguyễn Ngọc Điện (Trưởng khoa Luật, ĐH Cần Thơ)
Nguồn: VNN