Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản: Khó vẫn phải làm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là nhận định của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tại Hội thảo Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam do Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức chiều 7.11.

Tăng liên kết giữa các hộ nông dân

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là sẽ mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp trong nước gia tăng sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, nâng cao trình độ sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện tham gia tốt hơn vào “chuỗi giá trị” trong khu vực và trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại Vũ Thị Vân Phượng, hàng hóa nông sản cần được xác định rõ về số lượng, chất lượng đối với từng thị trường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cung ứng; xác định rõ chất lượng và số lượng sản phẩm nông sản trong sản xuất. Yêu cầu chất lượng của thị trường phải là căn cứ cơ bản để xây dựng quy trình kỹ thuật cho các mô hình liên kết. Bà Vũ Thị Vân Phượng cho rằng, cần tạo động lực để các nông hộ chủ động trong việc tạo mối liên kết chặt chẽ với nhau. Bởi trong bối cảnh hội nhập, việc các hộ nông dân chủ động liên kết sẽ có thể đạt quy mô kinh tế phù hợp; giảm chi phí sản xuất, chi phí giao dịch; tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới; tăng vị thế đàm phán và khả năng cạnh tranh; nâng cao năng lực về tổ chức và kiến thức nhờ vào sự chia sẻ kinh nghiệm trong nhóm; chia sẻ rủi ro. Liên kết giữa nông dân với nhau sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, để cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác. Việc hoàn thiện liên kết cũng sẽ tăng khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn, chất lượng.

“Liên kết dọc” nông dân – doanh nghiệp

 Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh: Để tăng cường thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cần tích cực kết nối và nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và kinh doanh với nông dân, tạo môi trường kinh doanh minh bạch thuận lợi cho các tác nhân và có chính sách hỗ trợ các tác nhân tham gia liên kết chuỗi giá trị. Theo đó, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường; cung cấp thông tin về thị trường, giá cả hàng nông sản, giá một số vật tư thiết yếu đối với sản xuất nông nghiệp như xác định diện tích canh tác cho từng chủng loại mặt hàng, đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo kịp thời cho từng vùng, từng địa phương khi diện tích canh tác có xu hướng vượt ngưỡng.

Việc liên kết ngang giữa nông dân để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường mới là một khía cạnh, là yếu tố đẩy trong mô hình liên kết. Mô hình này cần yếu tố kéo, chính là thị trường tiêu thụ đầu ra mà cốt lõi là xây dựng được liên kết dọc bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp. Thực chất, theo Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua việc loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang không đạt được lợi ích như mong muốn. Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản cho biết, hiện các doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu thu gom nông sản thô, hoặc sơ chế đóng gói, nên bản thân doanh nghiệp cũng không tiếp cận tới được người tiêu dùng bằng chính thương hiệu của mình. Bởi vậy, hoạt động của doanh nghiệp nhiều khi chỉ mang tính thời vụ, không ổn định. Những doanh nghiệp này cũng khó có thể liên kết với nông dân do thiếu các yếu tố ổn định về chất lượng, cung ứng và chia sẻ rủi ro. Nhiều chuyên gia đề nghị, các hộ nông dân khi tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn nên liên kết với những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước; hoặc liên kết với những doanh nghiệp chứng minh được đã từng liên kết, là một phần hữu cơ của một chuỗi hàng hóa trong các khía cạnh về chất lượng, thương hiệu, rủi ro…

Chất kết dính giữa doanh nghiệp và nông dân là quan hệ mua bán, trong đó doanh nghiệp là người mua, nông dân là người bán sản phẩm. Nhưng quan hệ mua bán này không phải là giao dịch mang tính thời vụ mà nó được thực hiện trên cơ sở các yếu tố liên kết hữu cơ giữa doanh nghiệp và nông dân. Trên cơ sở liên kết ngang, sẽ có một lượng nông dân nhất định cùng tổ chức thực hiện sản xuất theo cánh đồng lớn, có sự hợp tác với doanh nghiệp là động lực để nông dân hành động tập thể trong xây dựng cánh đồng lớn. Những yếu tố liên kết ngang của nông dân đều bắt nguồn từ yêu cầu thị trường, thực chất cũng là cơ sở để hình thành các liên kết dọc với doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, cung ứng, quản trị chuỗi, quản lý thương hiệu sản phẩm. Chất lượng, số lượng, giá thành sản phẩm đưa ra thị trường được doanh nghiệp và nông dân cùng liên kết thực hiện đồng nhất, có quản trị từ khâu sản xuất đến khâu phân phối đến tay người tiêu dùng. Điểm cơ bản và cốt lõi của các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp chính là xây dựng các mối liên kết ngang (nông dân với nông dân) để thực hiện liên kết dọc (nông dân với doanh nghiệp) trên vùng quy hoạch nguyên liệu sản xuất tập trung một loại nguyên liệu, theo quy trình đạt chất lượng VietGAP hoặc GlobalGAP. Từ đó xây dựng kênh phân phối mới của các tác nhân trong chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường hiệu quả nhất dựa trên nguyên tắc các bên tham gia bình đẳng, cùng có lợi.

Tuy nhiên, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp tham gia Hội thảo đều nhất trí cho rằng, các mô hình liên kết giữa nông dân và nông dân, nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa thể hình thành nên một mô hình phát triển ổn định và bền vững. Ở đây còn cần có nhiều mắt xích khác liên kết với nhau trong chuỗi sản xuất nông sản trong đó không thể thiếu vai trò các nhà khoa học và vai trò của Nhà nước trong định hướng và thắt chặt thêm các mối liên kết này, nhất là chỉ còn thời gian rất ngắn nữa nước ta thực sự hội nhập vào khu vực và sân chơi TPP đầy thách thức đối với ngành nông nghiệp và nông dân.

Hoàng Giang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân