Liệu sẽ phải sửa Quyết định 03?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có ý kiến phân tích Quyết định 03 tuy là một bước tiến nhưng cũng là một bước lùi (bài viết của tác giả Mạc San trên VnEconomy). Có ý kiến cho rằng ảnh hưởng của Quyết định này là tiêu cực trong ngắn hạn nhưng tích cực về dài hạn (Vina Securities). Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) – thì việc ban hành một chính sách như vậy rất khó đi vào cuộc sống.

Người viết bài này cho rằng dự báo ảnh hưởng của Quyết định 03 đến thị trường chứng khoán nhìn về ngắn hạn là tiêu cực, trong khi nhìn về dài hạn thì chưa rõ ràng. Quyết định 03 có khả năng sẽ phải sửa đổi lại, bởi vì ba tham số (vốn điều lệ, tỷ lệ hạn mức 20% vốn điều lệ và hệ số rủi ro chứng khoán 250%) trong mô hình hạn mức tín dụng còn thiếu căn cứ…

Điểm chính của Quyết định 03 là hạn mức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán là 20% vốn điều lệ thay vì 3% tổng dư nợ. Hơn thế nữa các khoản vay để đầu tư chứng khoán thuộc nhóm tài sản có với hệ số rủi ro tăng từ 150% lên 250%.

Giảm cung, giảm cả cầu

Dựa trên số liệu về vốn điều lệ và tổng dư nợ của 25 ngân hàng đang hoạt động, báo cáo phân tích của Vina Securities đưa ra con số: tổng hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán ước giảm 7,6 ngàn tỷ từ 23,5 ngàn tỷ xuống 15,9 ngàn tỷ và kết luận tác động của Quyết định 03 là tiêu cực trong ngắn hạn.

Nhận định trên có phần đúng, nhưng chưa đủ! Con số 7,5 ngàn tỷ chỉ phản ánh mức giảm về hạn mức. Trên thực tế, tác động của Quyết định 03 có thể còn lớn hơn nhiều nữa. Bởi lẽ, việc nâng hệ số rủi ro từ 150% lên 250% đối với các khoản vay đầu tư chứng khoán thuộc nhóm tài sản “có” sẽ làm cho giá trị tài sản “có” rủi ro chứng khoán tăng thêm tương ứng 40% với cùng giá trị khoản vay như trước đây.

Để đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%, các ngân hàng bắt buộc phải điều chỉnh hoặc là giảm tương ứng 40% các khoản cho vay đầu tư chứng khoán họăc là phải cơ cấu lại tài sản “có” bằng cách giảm các tài sản “có” rủi ro khác. Do đó, tác động ngắn hạn của Quyết định 03 chính là việc làm giảm cung tín dụng cho vay chứng khoán và giảm thu nhập lãi vay của ngân hàng.

Các khoản cho vay đầu tư chứng khoán có hệ số rủi ro 250% cao gấp 2,5 lần so với các khoản cho vay thương mại khác có hệ số rủi ro 100%. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu duy trì tổng giá trị tài sản ‘có” rủi ro không đổi thì khi tăng 1 đơn vị giá trị tài sản ‘có” cho vay đầu tư chứng khoán, sẽ phải giảm 2,5 đơn vị giá trị tài sản “có” cho vay thương mại.

Nói cách khác, chi phí vốn cho các khoản vay đầu tư chứng khoán cao gấp 2,5 lần so với chi phí vốn của các khoản cho vay đầu tư khác (giả định các yếu tố khác là bất biến). Do đó, xu hướng lãi vay đầu tư chứng khoán sẽ phải tăng là điều khó tránh khỏi và tác động trực tiếp sẽ làm giảm tổng cầu về vay đầu tư chứng khoán.

Về trung và dài hạn: việc gắn hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán với vốn điều lệ của ngân hàng có lẽ theo quan điểm của một vài phân tích cho rằng sẽ kích thích các ngân hàng tăng vốn điều lệ và do vậy sẽ làm gia tăng cả giá trị hạn mức lẫn cung cầu vay đầu tư chứng khoán. Nhưng chúng tôi cho rắng lập luận này còn thiếu cơ sở.

Quyết định tăng vốn điều lệ của mỗi ngân hàng họăc là do yêu cầu về vốn pháp định họăc do yêu cầu đáp ứng chiến lược kinh doanh dài hạn được các cổ động đồng ý phê chuẩn. Nếu chưa có nhu cầu bức bách thì tăng vốn điều lệ đồng nghĩa với việc pha loãng giá trị cổ phiếu và các nhà quản lý điều hành sẽ luôn phải cân nhắc và các cổ đông không dễ dàng đồng tình.

Hơn nữa, điều này còn làm tăng chi phí vốn chung của ngân hàng vì chi phí vốn vay luôn thấp hơn chi phí vốn chủ sở hữu.

Mặt khác, tăng vốn điều lệ đối với ngân hàng chỉ có ý nghĩa nới lỏng hạn mức cho vay chứ không đồng nhất với tăng cung cầu vay đầu tư chứng khoán. Như đã phân tích ở trên, lãi suất cho vay đầu tư chứng khoán sẽ cao hơn do chi phí vốn và hệ số rủi ro cho vay chứng khoán bị đẩy lên cao hơn sẽ là rào cản đối với cả ngân hàng và nhà đầu tư chứng khoán.

Ngân hàng là tổ chức tài chính trung gian là kênh dẫn vốn chính từ chủ thể có nhu cầu thừa vốn cho vay/tiết kiệm đến chủ thể thiếu vốn có nhu cầu vay vốn đầu tư. Nguồn vốn điều lệ chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị tài sản của ngân hàng (ví dụ: Ngân hàng ACB vốn điều lệ chiếm 3% tổng tài sản). Kỳ vọng về việc tăng vốn điều lệ sẽ tăng cung cầu tín dụng đầu tư chứng khoán trong dài hạn là thiếu căn cứ.

Ba tham số chưa rõ nguồn gốc

Nút thắt hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán chính là ở chỗ hạn mức vay gắn chặt với vốn điều lệ; tỷ lệ hạn mức 20% trói chăt vào vốn điều lệ và hệ số rủi ro gán cho tài sản “có” thuộc nhóm cho vay đầu tư chứng khoán 250% là những con số chưa rõ nguồn gốc.

Vốn điều lệ: Quyết định 457/2005 của Ngân hàng Nhà nước là cơ sở pháp lý để các ngân hàng thương mại tự xác định và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% tài sản “có” rủi ro. Thực ra nội dung trong quyết định 457 tương tự như những quy định trong công ước Basel 1.

Nhưng đáng tiếc ở chố, như đã được TS. Lê Xuân Nghĩa và tác giả Mạc San phân tích, thì không có nước nào dựa trên vốn điều lệ để xác định các tiêu chí tài chính như ở ta.

Hạn mức bằng 20% vốn điều lệ: Dư luận cũng như các nhà phân tích chưa tìm ra căn cứ để lý giải tại sao lại là 20% mà không phải 50% hay 60% vốn điều lệ. Lấy Ngân hàng ACB làm ví dụ. ACB có tổng dư nợ tín dụng là 31 ngàn tỷ gấp gần 12 lần vốn điều lệ 2630 tỷ. Hạn mức 20% vốn điều lệ chỉ tương đương 1.6% tổng dư nợ tín dụng. Theo chủ trương kích cầu chứng khoán như tuyên bố của Chính phủ thì Quyết định 03 sao sửa nhưng lại thắt chặt hơn?

Hệ số rủi ro 250%: Thông lệ trên thế giới thì hệ số rủi ro 100% là cao nhất. Tất nhiên tùy theo đặc điểm mỗi nước hệ số rủi ro có thể nâng cao hơn 100% để cảnh báo mức độ rủi ro tín dụng. Nhiều chuyên gia phân tích cũng đồng tình rằng không thể tùy tiện nâng hệ số rủi ro các khoản cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư kinh doanh chứng khoán lên 250% từ 150% trước đây.

Cơ sở nào để đưa ra những con số này? Phải chăng do VN-Index lên xuống thất thường trong vài tháng qua hay cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết còn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro mà trước đây chưa tính hết nên nay phải nâng lên 250%!

Sẽ phải sửa?

Vốn điều lệ là đại lượng có tần suất thay đổi ít nhất của ngân hàng; 20% là con số không thể hiện chủ trương kích cầu đầu tư chứng khoán mà là bó chặt hơn so với Chỉ thị 03 trước đây; hệ số rủi ro các khoản cho vay đầu tư chứng khoán 250% là con số chưa có cơ sở lý giải. Hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán bị cột chặt vào đại lượng ít biến đổi và không phản ánh thật tình hình tài chính doanh nghiệp.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán ngày càng có nhiều công ty có nhu cầu niêm yết, và giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết đang tăng rất nhanh, nhiều khả năng đạt đến con số 1000 ngàn tỷ VND cuối năm 2008, khi các đại gia Vietcombank, Incombank, MobiFone, Sabeco, Habeco, Bảo Việt đồng loạt lên sàn trong năm nay.

Quyết định 03 sửa mới nhưng lại bó chặt hơn kênh tín dung cho vay đầu tư chứng khoán. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa thì một quyết định ban hành theo chiều hướng như thế sẽ rất khó đi vào cuộc sống. Quyết định 03 với ba tham số trong mô hành hạn mức tín dụng đều thiếu căn cứ. Tác động của Quyết định 03 trong ngắn hạn là tiêu cực và trong dài hạn có lẽ cũng khó mà sáng sủa hơn.

Và có lẽ, Quyết định 03 sớm hay muộn cũng sẽ phải sửa đổi lại, cho phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường và thông lệ quốc tế.

* Hoàng Xuân Quyến Giám đốc Phòng Phân tích đầu tư – Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam