Liên ngành giải quyết một thủ tục thông quan tại cửa khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 25/8, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với đại diện các bộ ngành có liên quan xung quanh kiến nghị lập tổ công tác liên ngành về kiểm tra thông quan hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Bất cập thủ tục thông quan

Theo nghiên cứu của Tổ công tác chuyên trách, 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta hiện nay thông qua các cửa khẩu như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng, các sân bay như Nội Bài, Tân Sân Nhất, cửa khẩu  Lào Cai, Tân Thanh (Lạng Sơn), Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh)…

Tuy nhiên, thủ tục thông quan hàng hóa (nhất là đối với hàng hóa nhập khẩu) tại các cửa khẩu hiện nay còn nhiều bất cập như ngoài việc kiểm tra thực tế lô hàng theo quy trình, nghiệp vụ của Hải quan để bảo đảm không thuộc danh mục hàng cấm, thì một số lô hàng còn đòi hỏi các bộ ngành chuyên môn kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch.

Bên cạnh đó, các bộ ngành chuyên môn còn ban hành các quy định về yêu cầu, điều kiện của hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó, Hải quan lại là bên thực hiện các yêu cầu, điều kiện này trước khi cho phép thông quan…

Các quy định và quy trình trên đây có thể làm cho các cá nhân, tổ chức mất nhiều thời gian và chi phí để giải trình về cùng một vấn đề cho cả Hải quan và cơ quan chuyên môn để được thông quan hàng hóa.

Từ đó, Tổ công tác chuyên trách đã đề xuất về cơ chế phối hợp giữa Hải quan và các bộ ngành liên quan tại cửa khẩu. Qua đó, có thể giúp đơn giản hóa các thủ tục thông quan hàng hóa, giảm 10-20% chi phí làm thủ tục hải quan cho công dân và doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ ngành với Hải quan.

Cụ thể, Tổ công tác chuyên trách kiến nghị giao Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan và các bộ, ngành để giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa nhập khẩu. Tiến hành nghiên cứu, trình đề án về cơ cấu, tổ chức và nhân sự của cơ quan phối hợp giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, xây dựng cơ chế phối hợp giải quyết những vấn đề chuyên ngành vượt thẩm quyền của Hải quan cửa khẩu cũng như xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất cho cơ quan này thực thi.

Về lộ trình cụ thể, Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án tổng thể, bao gồm cả cơ chế thí điểm nhằm lựa chọn bộ ngành, nhóm hàng hóa và cửa khẩu để làm thí điểm.

Các bộ, ngành chung tay giải quyết một thủ tục

Qua thảo luận, đại diện các bộ ngành đều thống nhất với kiến nghị của Tổ công tác chuyên trách về việc thành lập tổ liên ngành tham gia giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa tại cửa khẩu.

Ông Hoàng Việt Cường, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan cho rằng, thực hiện việc này thể hiện quan điểm cải cách TTHC tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý nhà nước.

Ông Cường cũng cho rằng, khi thực hiện đề án, để triển khai có hiệu quả cần nghiên cứu kỹ và làm thí điểm, mỗi ngành thí điểm một nơi, một lĩnh vực cụ thể để rút kinh nghiệm.

Đại diện các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều nhất trí với chủ trương này. Đồng thời cho rằng, cần có cơ chế phối hợp nhịp nhàng, thông thoáng giữa các ngành và xây dựng kho bãi tại cửa khẩu để bảo quản chất lượng hàng hóa, nhất là thực phẩm.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ sự phấn khởi nếu quy trình này được thực hiện sẽ  tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Vì đây là việc giải quyết một TTHC nhưng liên quan đến rất nhiều bộ ngành.

Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách, TS. Ngô Hải Phan nêu rõ, việc thống nhất trong giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa giữa cơ quan Hải quan và các bộ, ngành sẽ giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp bởi nếu thực hiện, lô hàng chỉ bị kiểm tra một lần, các phiền toái và tiêu cực khó có thể nảy sinh.

“Đặc biệt, chúng tôi kiến nghị thực hiện cơ chế này nhưng không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành. Vấn đề là tổ chức công việc một cách khoa học và hiệu quả khi thực hiện đề án. Đề án thí điểm cũng là tiền đề để chúng ta triển khai “ASEAN một cửa” hiện nay”, TS. Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Lê Sơn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ