Loạn án xử “rớt” khung sai luật: Đừng “nhảy qua đầu” luật pháp!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM:

Có lạc hậu cũng phải tuân thủ

Thực tế có nhiều vụ án có đồng phạm nhưng vai trò của đồng phạm quá hạn chế, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tòa thường áp dụng hình phạt “rớt” khung nhưng lại “rớt” quá khung liền kề. Điều này mâu thuẫn với quy định hiện hành nhưng nếu thẩm phán áp dụng đúng quy định thì lại không phù hợp với thực tiễn, quá nghiêm khắc với bị cáo.

Theo tôi, bất kỳ việc “xé rào” pháp luật, dù với mục đích nào cũng là vi phạm. Một đúc kết mang tính nguyên tắc cho các thẩm phán là pháp luật dù có lạc hậu cũng vẫn phải tuân thủ nó trong khi kiến nghị chờ sửa đổi bởi cái sai khi áp dụng pháp luật lạc hậu còn đỡ hơn là cái sai khi “nhảy qua đầu” luật pháp. Về lâu dài, để tránh chuyện này, tôi nghĩ cần sửa đổi cụ thể các quy định về xử “rớt” khung.

Thẩm phán Ngô Thị Thuận, Chánh án TAND quận 8, TP.HCM:

Không được tùy tiện

Thực tế xét xử hiện nay, tôi thấy việc áp dụng quy định tại Điều 47 BLHS ở một số nơi chưa tốt, có khi tùy tiện đến mức vô tư. Chẳng hạn có nơi xử phạt dưới khung với mức án thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của viện kiểm sát để trả tự do cho bị cáo…

Đúng là việc xử dưới khung hình phạt có ý nghĩa xã hội cụ thể và rất riêng là tính giáo dục đối với các bị cáo có khả năng cải tạo thành người tốt. Tuy nhiên, vận dụng quy định này, nếu thẩm phán quá tay một chút thì rất dễ đến tâm lý “run” vì có thể bị cấp trên “sờ gáy” bất cứ lúc nào. Bản thân tôi khi ngồi ghế chủ tọa cũng thường vận dụng quy định này nhưng luôn tuân thủ giới hạn cho phép.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM:

Đây là sự lạm quyền

Điều 47 BLHS không quy định về chính phạm, đồng phạm khi xử dưới khung. Vì vậy, tòa đã “suy đoán” rằng khi đã áp dụng mức án dưới khung với chính phạm thì họ có quyền chuyển tiếp mức án dưới khung nữa cho các đồng phạm khác. Đây là chuyện suy đoán vô căn cứ vì không có văn bản nào quy định hay hướng dẫn như thế cả. Vì thế tôi cho rằng cần sửa đổi điều luật này, nếu không thẩm phán sẽ còn vi phạm pháp luật dài dài…

Ở khía cạnh khác, điều luật quy định “chỉ được quyền áp dụng hình phạt ở khung liền kề” như thế là để tránh chuyện lạm quyền của thẩm phán. Ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, nhà làm luật luôn phòng ngừa chuyện lạm quyền bằng các quy định riêng. Ở ta, nhiều tòa đã “xé rào” thì phải xem đây là sự lạm quyền cần chấn chỉnh.

Luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người nghèo:

“Bí” thì lấy quy định cũ mà xài

Quy định ở Điều 47 BLHS hiện hành thực ra chỉ “khoanh lại” quy định tại khoản 3 Điều 38 BLHS 1985 mà thôi. Trước đây, quy định cũ trao cho thẩm phán quyền quá rộng là khi có nhiều nhiều tình tiết giảm nhẹ, tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật đã quy định… Chính vì thế mà BLHS 1999 mới đưa chuyện “xử nhẹ hơn nhưng ở khung liền kề” nhằm tránh chuyện xử án quá nhẹ.

Thế nhưng thực tiễn, việc xử “rớt” khung sai luật vẫn xảy ra phổ biến trong các vụ án có đồng phạm. Ngược lại, cũng có tòa lại nhất nhất áp dụng đúng luật, tức có xử dưới khung thì cũng chỉ nằm trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn. Từ đó, tôi cho rằng cần sửa đổi Điều 47 BLHS. Nếu không tìm ra giải pháp hoặc “bí quá” thì kế thừa hẳn quy định tại khoản 3 Điều 38 BLHS 1985, xem ra còn ổn hơn hiện nay.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre:

Sửa theo hướng “mở trói”

Có nhiều vụ không chỉ luật sư mà cả thẩm phán cũng cảm thấy “ngậm ngùi” vì bị cáo lãnh án quá nặng do quy định cứng nhắc của Điều 47 BLHS. Thế nhưng cũng có những vụ ngược lại tòa xử “rớt” khung lung tung, tạo ra sự bất bình đẳng trong việc vận dụng pháp luật.

Theo tôi, cần sửa lại điều luật, cho thẩm phán rộng quyền hơn, tức cho họ quyền xử “rớt” khung nhưng phải ghi rõ lý do của chuyện này trong bản án. Bởi thực tế của từng vụ án muôn hình vạn trạng, cứng nhắc quá theo quy định hiện hành đôi khi cũng khắc nghiệt cho bị cáo.

Một kiểm sát viên cao cấp VKSND tối cao:

Luật còn lập lờ!

Điều 47 BLHS vẫn còn lập lờ ở chỗ “tòa án có thể quyết định mức án dưới khung”. Vậy thì trường hợp nào là “không thể”? Trên thực tế, nhiều bị cáo cũng có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên nhưng lại không được xử dưới khung, chưa nói đến chuyện được “rớt” khung loạn xạ. Tôi nghĩ luật phải dứt khoát, không nên quy định theo kiểu có thể. Khi nào vẫn còn kiểu quy định hàng hai mang tính tùy nghi như thế là còn “có chuyện” bởi thẩm phán có công tâm thì dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi tại sao người này được xử dưới khung, người kia lại không…

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM