Lợi thế cạnh tranh mới cho ngành dệt may
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tình hình xuất khẩu hàng dệt may đang thuận lợi. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2010 ước đạt 5,87 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các thị trường xuất khẩu của hàng dệt may của Việt Nam từ đầu năm đến nay đều có mức tăng trưởng khá. Riêng thị trường Hàn Quốc tăng đến 80% nhờ giảm thuế theo hiệp định giữa ASEAN với Hàn Quốc và hàng dệt may Việt Nam đang được người dân ở đây ưa chuộng. Ngoài ra, thị trường Mỹ tăng 23%, Nhật tăng 15%, châu Âu tăng 1,5% và các nước ASEAN tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Đồng thời, mặt hàng sợi của nước ta cũng đã tiếp cận được nhiều thị trường mới như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil… Hiện sản phẩm loại này của Việt Nam đang chiếm khoảng 2,7% thị phần thế giới. Đáng mừng hơn cả là tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2010, một số doanh nghiệp ký được đơn hàng đến giữa năm 2011. Đơn giá sản phẩm tăng lên đáng kể so với năm 2008 và 2009, với mức cao hơn khoảng 10%. Ngành dệt may dự báo, với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào những thị trường mới như hiện nay, mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may đạt kim ngạch 10,5 tỷ USD trong năm 2010, tăng 12% so với năm 2009, hoàn toàn khả thi.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến chuyển biến tích cực này của ngành dệt may Việt Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, về mặt khách quan, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt đã phục hồi. Về chủ quan, các doanh nghiệp đã có bài học và sự chuẩn bị rất tốt từ khó khăn trong năm 2009, chuẩn bị trong thương lượng đơn hàng, tổ chức sản xuất, thực hành tiết kiệm… tạo thành lợi thế cạnh tranh mới cho ngành dệt may Việt Nam.

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, có 3 yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh trong ngành dệt may, đó là: giá thành sản xuất, chất lượng và thời gian giao hàng. Các khâu này đã được cải thiện tốt ở các doanh nghiệp trong năm 2009, đặc biệt là ở khâu quản lý giá thành sản xuất. Do thị trường xuất khẩu bị co hẹp, đơn hàng và giá bán đều giảm, nên các doanh nghiệp đã cố gắng bằng mọi cách loại trừ những chi phí không cần thiết để duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh. Riêng đối với Vinatex, trong năm qua, mặc dù sản lượng tăng không nhiều, nhưng lợi nhuận đạt khá, riêng 6 tháng đầu năm 2010 lợi nhuận đạt mức tăng trưởng trên 34%. Còn đối với toàn ngành dệt may Việt Nam, việc vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương về sản xuất trong năm 2009 và tiếp tục tăng nhanh hơn trong năm 2010, chứng tỏ vị thế cạnh tranh của ngành ngày càng tốt lên. Ngay trên thị trường Mỹ, thị phần hàng dệt may Việt Nam có cải thiện rõ rệt trong 3 năm vừa qua. Trong năm 2008, hàng dệt may của nước ta chiếm trên 4%, năm 2009 chiếm 5,8% và 7 tháng đầu năm 2010 ước đạt 7% thị phần.

Góp phần vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam, phải kể đến yếu tố năng suất lao động được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ, cải tiến các công đoạn trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, để giữ chân người lao động, một số doanh nghiệp đang phấn đấu giảm giờ làm thay vì thường xuyên phải tăng ca như trước đây. Một số doanh nghiệp đã và đang tích cực đầu tư, mở thêm cơ sở sản xuất tại các tỉnh để từng bước dịch chuyển về nông thôn nhằm tận dụng lực lượng lao động địa phương. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công. Một số doanh nghiệp, sau thời gian thực hiện thí điểm đã đối mặt với trở ngại lớn là phần lớn lao động địa phương không có tay nghề, doanh nghiệp phải đầu tư chi phí đào tạo. Sau khi được dạy nghề, người lao động lại bỏ việc, tìm nghề khác có mức lương cao hơn.

Vì vậy, để đón đầu được xu hướng của thế giới dịch chuyển sản xuất dệt may sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đòi hỏi toàn ngành dệt may phải tiếp tục tập trung vào Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2015, đó là đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trồng bông trang trại và thực hiện chương trình sản xuất 1 tỷ mét vải cho may xuất khẩu vào năm 2015. Đây chính là những cơ sở quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân