Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2003: Đang chờ góp ý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Để bạn đọc có thêm thông tin đóng góp vào dự thảo, xin được gửi đến bạn đọc một số nội dung bình luận về Luật thuế TNDN hiện hành.

Luật thuế TNDN số 9/2003/QH11 ngày 17/6/2003 có hiệu lực từ ngày 1/1/2004 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư theo yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội nước ta. Theo đó, DN trong nước được đối xử bình đẳng với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cả về thuế suất, ưu đãi thuế và các quy định có liên quan. Qua 4 năm thực hiện, Luật thuế TNDN 2003 cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, cụ thể trên các mặt sau đây:

Thứ nhất, tác động tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Với việc hạ mức thuế từ 32% xuống 28% và bỏ thu thuế bổ sung đối với DN trong nước; bãi bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (3%, 5%, 7%) đối với DN FDI chuyển từ mức thuế 25% sang mức 28% như các DN trong nước đã tạo cơ hội cho cộng đồng DN một sân chơi bình đẳng. Nhờ việc hạ mức thuế đã giúp DN trong nước có thêm tiềm lực tài chính mỗi năm vài ngàn tỷ đồng để tăng đầu tư đổi mới thiết bị, mở rộng quy mô, đa dạng hoá ngành nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, góp phần bảo đảm nguồn thu quan trọng của NSNN: Việc hạ mức thuế và áp dụng chính sách ưu đãi cao về thuế TNDN những năm qua theo phương châm ”khoan sức dân” đã không làm giảm nguồn thu NSNN mà trái lại, vẫn bảo đảm tăng trưởng khá do tác động cải thiện môi trường đầu tư, DN trong nước và FDI đều phát triển về số lượng, quy mô, hiệu quả kinh doanh, mức thuế hợp lý tác động thúc đẩy tuân thủ tốt hơn,… Trong giai đoạn 2004 – 2007, số thu thuế TNDN (không kể thu từ dầu khí) đạt mức bình quân trên 30 ngàn tỷ đồng/năm với mức tăng trưởng bình quân gần 17%/năm.

Thứ ba, thúc đẩy cải cách hành chính trong quản lý thuế và ưu đãi đầu tư: Luật thuế TNDN 2003 tạo cơ hội và khuyến khích DN tự tính, tự khai, tự nộp thuế, tự xác định điều kiện và mức ưu đãi mà không cần giấy phép, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Việc ban hành và thực thi luật này đánh dấu bước tiến dài về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thuế và đầu tư, đề cao quyền của DN thay cho cơ chế tính thuế, thông báo thuế, quyết toán thuế. Nhờ vậy, cơ quan thuế có điều kiện tập trung nguồn lực để tuyên truyền, hỗ trợ, giám sát giúp DN thực hiện tốt các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật thuế TNDN 2003 cũng đã bộc lộ một số bất cập.

Về mức thuế suất 28%: Năm 2003 ta quy định mức thuế 28% khi hầu hết các nước trong khu vực đều có mức thuế khá cao: Malaysia (32%), Thái Lan (30%), Philippines (35%) Indonesia (30%)… vì vậy mức thuế 28% bảo đảm được tính cạnh tranh. Xu hướng gần đây cho thấy nhiều nước đã giảm mức thuế TNDN nhằm thực hiện ưu đãi trên diện rộng cho cả nền kinh tế, tăng tính cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư. Mới đây nhất, Trung Quốc cũng đã giảm mức thuế TNDN từ 33% xuống còn 25% đồng thời thu hẹp phạm và mức ưu đãi thuế. Động thái này của các nước đặt ra cho chúng ta sự cân nhắc về mức thuế 28% cần được giảm xuống cùng với việc sắp xếp lại ưu đãi thuế.

Về các quy định ưu đãi thuế quá phức tạp và dàn trải: Do kế thừa lịch sử, cá ưu đãi thuế trong Luật thuế TNDN 2003 được tổng hợp từ tất cả các văn bản pháp luật ban hành từ khi nước ta mới mở cửa, môi trường đầu tư kém hấp hẫn, cơ sở hạ tầng còn khó khăn,… Luật thuế TNDN có 3 thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 20% cùng với nhiều mức thời gian miễn, giảm thuế (tối đa là 4 năm miễn và 9 năm giảm 50%). Để được hưởng các ưu đãi này, Luật quy định nhiều tiêu chí khác nhau, vừa căn cứ vào ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi, vừa căn cứ vào địa bàn đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Theo các chuyên gia tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) thì ưu đãi thuế TNDN của nước ta hiện nay là phức tạp nhất thế giới. Do đó, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế theo vùng và lãnh thổ, nhất là thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Qua thống kê cho thấy có tới 90% số lượng ngành kinh tế cấp II và 33% ngành kinh tế cấp III được hưởng ưu đãi thuế. Trong khi đó, theo tiêu chí địa bàn thì có tới 32% huyện trong cả nước thuộc diện ưu đãi và 24% số huyện thuộc diện đặc biệt ưu đãi. Bên cạnh đó, còn có gần 200 Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế,… do Trung ương thành lập (bình quân mỗi tỉnh có 3 Khu) và hàng trăm khu công nghiệp nhỏ và vừa, cụm công nghiệp do cấp tỉnh thành lập, chưa kể các điểm công nghiệp cũng thuộc diện ưu đãi. Thực tế quản lý cho thấy các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, tập trung chủ yếu vào các Khu công nghiệp, Khu chế xuất hoặc những địa bàn thuận lợi (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Yên, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh). Rõ ràng là : khi chúng ta vừa áp dụng các ưu đãi theo địa bàn, lại vừa có ưu đãi thuế theo ngành nghề, lĩnh vực thì các nhà đầu tư không dại gì đầu tư vào địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Như vậy, trên giác độ phân bổ nguồn lực thì việc sử dụng các ưu đãi thuế để phục vụ cho chính sách ưu đãi đầu tư đã không đạt được mục tiêu đề ra do các nhà đầu tư đã lựa chọn tiêu chí ngành nghề để bỏ vốn đầu tư.

Qua tham khảo các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy xu hướng gần đây của các nước đã chuyển từ ưu đãi theo ngành sang ưu đãi theo diện rộng, khuyến khích tổng thể nền kinh tế bằng chính sách điều tiết thuế TNDN hợp lý, thu hẹp phạm vi ngành và chỉ tập trung cho rất ít ngành mũi nhọn và vùng đặc biệt khó khăn. Ví dụ, Trung Quốc đã hạ thuế suất 33% xuống còn 25% đồng thời với việc xoá bỏ (theo lộ trình 5 năm) hầu hết các ưu đãi thuế, kể cả ưu đãi đối với FDI đã cấp trước đây. Về lĩnh vực, Trung quốc chỉ còn ưu tiên cho DN có công nghệ cao đồng thời là công nghệ mới nhưng họ dành ưu đãi thuế cho các DN đầu tư vào các vùng tự trị và khó khăn ở phía Tây.

Thực tiễn nước ta trong thời gian vừa qua cũng như kinh nghiệm của các nước như đã nêu ở phần trên cho thấy: mặc dù chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam có mức ưu đãi hấp dẫn hơn so với nhiều nước nhưng nếu như không sửa đổi để thu hút đầu tư có lựa chọn thì hiệu quả thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để khuyến khích phát triển nền kinh tế sẽ rất khó có thể đạt được theo định hướng của Nhà nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc hưởng ưu đãi đầu tư và thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tư nộp cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi các quy định về ưu đãi thuế thu nhập DN đảm bảo tránh phức tạp và dàn trải theo hướng: Có cơ chế ưu đãi minh bạch, thiết thực, phù hợp với xu thế chung về cải cách thuế của các nước trên thế giới ; chuyển từ ưu đãi theo diện hẹp (miễn, giảm thuế) sang cơ chế hạ mức thuế suất phổ thông xuống thấp hơn mức 28% hiện hành) để khuyến khích cả nền kinh tế, đồng thời sắp xếp lại ưu đãi (miễn, giảm thuế) tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn và địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, các quy định về căn cứ tính thuế

– Luật thuế TNDN quy định cả chi phí được trừ và chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Cách này tuy phù hợp với thực tiễn trước đây vì có thể giúp cho DN đối chiếu. Tuy nhiên, thực tế ngày càng phát sinh vướng mắc, khó khăn, làm hạn chế quyền chủ động của DN trong kinh doanh vì nền kinh tế luôn vận động, khi chuyển sang cơ chế thị trường, DN có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, phát sinh nhiều khoản chi mới nhưng chưa có quy định. Việc hiểu và vận dụng khác nhau giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước (thuế, thanh tra, kiểm toán) trong quá trình thực hiện có thể tạo cơ hội phját sinh cơ chế “xin – cho”. Để khắc phục hạn chế này, bảo đảm rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp thuế theo quy định của Luật quản lý thuế một cách có hiệu quả, cần thiết sửa đổi theo hướng: quy định điều kiện để xác định khoản chi được trừ, liệt kê cụ thể các khoản không được trừ; những khoản không được liệt kê thì đương nhiên DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập.

– Tại thời điểm đầu năm 2003, hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất của DN phát sinh lãi rất lớn do giá đầu ra tăng cao theo quy hoạch trong khi đất được giao tính thu tiền sử dụng đất theo mức giá thấp, vì vậy để điều tiết hợp lý, kịp thời đối với thu nhập này, Luật thuế TNDN có quy định thu thuế bổ sung đối với thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, để khuyến khích phát triển bất động sản, hạn chế quy hoạch “treo”, bỏ đất trống…, Luật thuế TNDN cũng đã quy định ưu đãi đối với bất động sản. Tuy nhiên, thực hiện quy định của Luật đất đai, các trường hợp được giao đất để kinh doanh bất động sản đều phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc nộp theo giá đất do UBND địa phương quy định (được điều chỉnh hàng năm). Do thay đổi về cơ chế xác định giá đất theo giá thị trường, chính sách thu đối với đất đai đã điều tiết được các khoản lợi nhuận tăng do chênh lệch giá đất và giảm bớt lợi nhuận của DN. Vì vậy, không cần thiết phải duy trì việc thu bổ sung đối với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất của DN, thay vào đó cần áp dụng chính sách thuế chung đối với kinh doanh bất động sản, trong đó có việc kinh doanh quyền sử dụng đất.

Thứ tư, về quyền và nghĩa vụ đối với nơi tiến hành kinh doanh : Luật thuế TNDN 2003 được ban hành trong điều kiện DN thường có trụ sở điều hành tại địa phương nơi kinh doanh; Luật quản lý thuế quy định nộp thuế TNDN tại nơi đóng trụ sở chính đã tạo thuận lợi cho DN trong hạch toán tập trung, điều hành. Tuy nhiên, thực tế ngày càng có nhiều DN đặt cơ sở kinh doanh tại địa phương khác với nơi đặt trụ sở chính. Tại những nơi này, chính quyền địa phương phải cung cấp nhiều dịch vụ phục vụ cho sản xuất – kinh doanh như: bệnh viện, trường học, nhà ở công nhân, vệ sinh môi trường, trật tự trị an… nhưng không có nguồn thu vì thuế TNDN đã được nộp tại nơi đóng trụ sở chính. Để giải quyết tốt vấn đề này phù hợp trong giai đoạn hiện nay, cần thiết phải sửa đổi Luật thuế TNDN theo hướng tạo điều kiện cho DN thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách địa phương.

Thứ năm, một số vấn đề liên quan đến cam kết quốc tế và thông lệ

– Liên quan đến cam kết quốc tế : Hiện nay, chúng ta đã tham gia nhiều cam kết ở cấp Chính phủ có liên quan đến thuế TNDN như: xác định nghĩa vụ thuế đối với DN nước ngoài để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, quy định về tránh đánh thuế hai lần,… Qua tổng kết, đánh giá cho thấy trong thời gian vừa qua các cam kết này đã được thực hiện ổn định và đi vào cuộc sống, nhưng chưa được thể hiện rõ trong Luật thuế TNDN. Vì vậy, cần phải đưa các nội dung cam kết này vào Luật thuế TNDN để đảm bảo tính minh bạch và pháp lý cao hơn, đồng thời tạo thuận lợi tối đa để những DN có tầm cỡ quốc gia có thể vươn tay ra đầu tư, kinh doanh tại các nước khác.

– Quy định về thuế đối với tổ chức hoạt động có thu nhập không chia : Hiện nay, ở nước ta đã có các tổ chức thuộc Hội khuyến nông, Hội khuyến học, Hội người cao tuổi, Hội bảo trợ người tàn tật…. và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam (Hội đồng Anh, Cộng đồng Pháp ngữ, Trung tâm giáo dục của Hội đồng Bộ trưởng các nước ASEAN,…). Đây là các tổ chức có tham gia tích cực vào một số lĩnh vực của đời sống xã hội, cung cấp một số dịch vụ công mang tính tự nguyện, từ thiện (đào tạo, tư vấn đời sống, pháp luật, hoạt động giao lưu, phát triển văn hoá, nghiên cứu khoa học…). Thu nhập từ hoạt động của các tổ chức này được sử dụng cho mục đích, tôn chỉ được pháp luật thừa nhận như nêu trên, mà không phân chia.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước thường có những quy định đặc thù về thu nhập chịu thuế, chi phí được trừ khi tính thuế TNDN của các tổ chức này có khác với quy định áp dụng đối với DN.

Tuy nhiên, Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn hiện hành chưa có sự phân biệt giữa DN với các tổ chức này nên phần nào đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển các hoạt động này. Vì vậy, cần nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm của các nước, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể của nước ta để quy định trong Luật thuế TNDN.

Thứ sáu, về đối tượng nộp thuế và quản lý thu thuế TNDN: Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội cũng đã thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009), trong đó các đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh đang nộp thuế TNDN được chuyển sang thực hiện theo Luật thuế thu nhập cá nhân. Ngày 29/11/2006, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI cũng đã thông qua Luật quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2007, trong đó các nội dung về đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của thuế TNDN được thống nhất quy định tại Luật này. Những nội dung sửa đổi trong các văn bản Luật nêu trên cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật thuế TNDN để hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế.

Tóm lại, những tồn tại, hạn chế của Luật thuế TNDN hiện hành cũng như những nội dung của Luật đã được sửa đổi, thay thế tại một số văn bản luật như đã phân tích trên đây đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật này theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 06/12/2004, cụ thể là : ” hoàn thiện theo hướng giảm mức thuế suất, giảm diện miễn, giảm thuế ; thống nhất mức thuế suất và ưu đãi thuế giữa các thành phần kinh tế để khuyến khích đầu tư và đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh.”

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp