Mở cửa thị trường bán lẻ từ 1.1.2009: Doanh nghiệp nội địa có làm chủ thị trường?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Miếng bánh” không dễ chia

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay hệ thống bán lẻ VN có quy mô và hạ tầng phân phối kém; phương thức bán lẻ theo phương thức truyền thống, hệ thống thông tin thị trường kém, phương thức thanh toán, quan hệ giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng còn ở mức rất sơ khai; hệ thống luật pháp điều chỉnh mối quan hệ thị trường chưa đầy đủ… Nhiều ý kiến lo ngại, với cách làm manh mún như thời gian qua, khi mở cửa thị trường bán lẻ, các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia với sức mạnh tài chính, kinh nghiệm phân phối “đổ bộ” vào sẽ chiếm trọn thị trường VN. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp bán lẻ VN sẽ được đẩy mạnh lên một bước phát triển mới của cuộc cạnh tranh.

Tại một số diễn đàn gần đây, vấn đề được đưa ra “mổ xẻ” nhiều nhất đó là “khi mở cửa thị trường bán lẻ nội địa, ai sẽ làm chủ hệ thống phân phối bán lẻ VN? Liệu các tập đoàn nước ngoài có “đè bẹp” các DN trong nước? Nhiều ý kiến cho rằng, việc có làm chủ được hệ thống phân phối hay không chính là ở bản thân các DN bán lẻ nội địa. Nếu không liên kết, hợp tác để cùng phát triển thì đương nhiên các tập đoàn nước ngoài sẽ thay thế vị trí này. Theo bà Lê Thị Kim Ngân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, để có thể phát triển thị trường bán lẻ trong nước, VN phải sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển tổng thể ngành thương mại, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của cả nước, cụ thể đến các địa phương. Bổ sung, sửa đổi, quy chuẩn để hướng dẫn phát triển các loại hình kinh doanh thương mại làm cơ sở cho các quyết định đầu tư của DN có hiệu quả, tạo tiền đề tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường của các cơ quan quản lý… hình thành các công ty bán lẻ chuyên nghiệp theo hướng sáp nhập các hộ kinh doanh bán lẻ độc lập thành các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Thực tế cho thấy, từ sự liên kết của 4 DN phân phối hàng đầu nội địa là Hapro, Satra, Saigon Co.op và Tập đoàn Phú Thái cho thấy nếu các DN nội địa cùng “bắt tay” nhau mở rộng chuỗi bán hàng thì mới có khả năng tiếp quản các mặt bằng lớn.

Các chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá rất cao và quan tâm đến cơ hội làm ăn tại VN. Đặc biệt khi Ngân hàng Thế giới công bố chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu của VN năm 2007 đạt 74/100 điểm, đứng thứ 4 trên thế giới (chỉ sau ấn Độ, Nga và Trung Quốc) thì sức hút của thị trường VN với các “đại gia” nước ngoài càng trở nên hấp dẫn. Đại diện Hiệp hội các Nhà bán lẻ VN cho rằng, điều quan trọng là chỉ số niềm tin của người tiêu dùng VN đang ở mức cao kỷ lục, đạt 118 điểm và đứng thứ 5 thế giới trong khi chỉ số này trên toàn cầu đang giảm. Điều đó cho thấy, người tiêu dùng VN ngày càng được hưởng nhiều hơn sự tiện dụng của hệ thống bán lẻ, từ đó, thói quen mua sắm cũng như xu hướng tiêu dùng sẽ thay đổi. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Nhà bán lẻ VN (AVR) cho rằng, việc Bộ Công Thương vừa ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc sẽ giúp các nhà bán lẻ VN nghiên cứu, xem xét, vận dụng trong chiến lược kinh doanh của mình. Việc quy hoạch đất đai xây các chợ, hạ tầng cơ sở, khuyến khích đầu tư hay ưu đãi của Nhà nước trong việc mở trung tâm, điểm bán lẻ có tính chất quyết định với nền sản xuất trong nước.

Các DN nội địa phải “bắt tay”nhau “vượt rào cản”

Theo các chuyên gia kinh tế, các DN bán lẻ mong muốn phát triển năng lực kinh doanh, nhưng nhìn đâu cũng đụng chính sách vĩ mô, đụng đâu cũng thấy vướng… rào. Một trong những khó khăn mà các DN bán lẻ VN hiện nay là cơ hội tiếp cận đất đai và nguồn vốn còn rất hạn chế. Theo các chuyên gia, các cơ quan nhà nước cần tạo cơ chế để các DN bán lẻ trong nước tiếp cận nhanh đất đai và nguồn vốn để mở rộng chuỗi bán lẻ theo quy hoạch. Thực tế, tại một số địa phương, để làm thủ tục thuê một lô đất, DN phải mất 3- 5 năm. Điều này đã làm tuột mất cơ hội của DN. Vấn đề mà các DN trong lĩnh vực bán lẻ phàn nàn nhiều nhất trong thời gian qua là chưa được đối xử công bằng trong chính sách thuế và tài chính. Thực tế hiện nay đang tồn tại các cách nộp thuế khác nhau, làm nảy sinh gian lận, các DN không được cạnh tranh bình đẳng; Cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại cũng đang là một “rào cản” lớn đối với các DN bán lẻ trong nước. Hệ thống giao thông kết nối khu vực sản xuất với các trung tâm thương mại đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá hàng hoá…

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, các vấn đề liên quan tới chính sách vĩ mô nêu trên cần sớm được giải quyết, thì mới tạo sức cạnh tranh cho các DN bán lẻ trong nước. Ngoài việc tự hoàn thiện mình bằng cách thay đổi hệ thống quản lý, quản trị DN, liên kết tạo sức mạnh, các DN bán lẻ trong nước rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về những vấn đề nêu trên để có được khả năng cạnh tranh tốt nhất. Nhà nước cần ban hành các luật liên quan tới bán lẻ như Luật Bán lẻ, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ trong nước.

Ông Phan Thế Ruệ – Chủ tịch AVR cho rằng, các doanh nghiệp nội địa phải liên kết nhau lại mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt là những thị trường tiềm năng như thị trường nông thôn. Theo phân tích của ông Ruệ, thị trường nông thôn với hơn 60 triệu dân đang và đáng được các DN bán lẻ để mắt tới. Thị trường bán lẻ ở nông thôn sẽ rất sôi động, đặc biệt đối với những vùng có tốc độ đô thị hoá nhanh. Các chính sách của Chính phủ đều quan tâm đến các vùng nông thôn, khi thu nhập tăng nhanh, chuyển đổi cơ cấu hiệu quả sẽ bùng phát sức mua tại các khu vực này.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật