Mở rộng thị trường gắn liền nâng cao chất lượng lao động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2007, trong điều kiện khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp XKLÐ Việt Nam cũng đưa được hơn 85 nghìn lao động (chỉ tiêu giao 80 nghìn) ra nước ngoài làm việc, đạt giá trị thu nhập 1,7 tỷ USD, cải thiện cuộc sống của nhiều gia đình và góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Thị trường lao động ngoài nước còn nhỏ hẹp
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có hơn 400 nghìn chuyên gia và lao động làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nói thì “rộng” thế, nhưng thực chất Việt Nam chỉ có vài thị trường lao động chủ yếu, có thể “đếm” được trên đầu ngón tay:
Ðó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ðài Loan và khu vực Trung Ðông. Tại sao thị trường lao động của Việt Nam lại hẹp đến thế? Ðồng chí Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng LÐ-TB và XH, giải thích: Thị trường lao động rộng hay hẹp, tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng lao động. Thí dụ, Malaysia là thị trường lao động không khó tính, lao động nào cũng có thể vào làm việc được, cho nên hằng năm số lượng lao động Việt Nam vào thị trường này luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Nhật Bản và Hàn Quốc cần chất lượng lao động cao hơn, lại do chủ sử dụng lao động nước ngoài trực tiếp tuyển chọn, vì thế, số lao động vào các thị trường này phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và tuyển chọn của họ. Một số thị trường mới như Mỹ, Canada,
Australia, Séc, Anh, Ba Lan… lại cần lao động lành nghề, giỏi tiếng Anh, thỏa mãn các điều kiện nhập cư của họ, cho nên, mang tiếng là có thị trường, nhưng việc “lọt” qua hàng rào kỹ thuật của các quốc gia này là rất khó khăn. Cơ hội cũng đang được mở ra ở các thị trường khu vực Trung Ðông như Qatar, UAE, A-rập Xê-út… nhưng đội ngũ lao động phải được tổ chức tốt, lao động phải có tay nghề và tính kỷ luật rất cao. Trên tinh thần cố gắng mở, giữ vững và phát triển thị trường lao động ngoài nước, trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tý, nhiều đoàn khảo sát của Bộ LÐ-TB và XH và các doanh nghiệp đã đi UAE, Qatar, Cộng hòa Séc, Ba Lan… để nắm lại các điều kiện của đối tác và thị trường, đưa ra các hình thức tổ chức và biện pháp hợp lý để đưa và quản lý được lao động vào làm việc ở các quốc gia kể trên. Triển vọng là rất lớn, vấn đề là chất lượng lao động của các doanh nghiệp XKLÐ.
Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp mở và giữ thị trường
Thuận lợi lớn nhất trong XKLÐ năm 2008 là “Luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực pháp luật từ 1-7-2007. Một loạt các vấn đề nảy sinh trong công tác XKLÐ như “phí môi giới”, “lao động bỏ hợp đồng” đều được quy định trong luật và có chế tài xử phạt. Thực hiện tốt và đầy đủ các quy định của luật, góp phần đưa hoạt động XKLÐ đi vào nền nếp, trật tự và kỷ cương. Luật XKLÐ cũng khuyến khích doanh nghiệp XKLÐ tìm, mở thị trường lao động mới, trong đó Nhà nước cho phép xây dựng và sử dụng Quỹ hỗ trợ XKLÐ vào công tác mở thị trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc Công ty AIC, một doanh nghiệp XKLÐ có nhiều cố gắng bươn chải trong việc mở thị trường, cho biết: Uy tín của doanh nghiệp và chất lượng của lao động là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc mở thị trường. Chúng tôi luôn quan tâm công tác tuyển chọn, đào tạo và quản lý lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác XKLÐ phải có tâm và giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Ông Trần Lực, Tổng giám đốc Công ty TLC, một doanh nghiệp đang có những bước đi mở thị trường lao động mới ở Australia, Séc và Ba Lan, nhấn mạnh: Muốn mở được thị trường mới, điều quan trọng không kém là phải biết giữ gìn, phát triển thị trường lao động đang có. Chẳng hạn, khi mở thị trường mới, TLC vẫn đặc biệt quan tâm thị trường Malaysia, tìm những hợp đồng tốt cho lao động vào được và có thu nhập. Bên cạnh đó, lại phải quan tâm việc “chống lừa đảo trong XKLД. Nếu chủ quan, thiếu tổ chức, cá nhân xấu, mạo danh đơn vị hoặc tên tuổi người phụ trách để lừa đảo, doanh nghiệp mất uy tín thì làm sao có được thị trường? Thế mới biết, để mở được một thị trường, đâu phải chỉ làm một việc là tìm mọi cách để “mở” thị trường đó, mà còn phải có biện pháp chống lừa đảo, kết hợp nâng cao chất lượng của lao động, tạo uy tín cho doanh nghiệp – điều kiện tiên quyết có thể gõ cửa mọi loại thị trường. Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty Airserco thuộc Việt Nam Airlines, đơn vị đã bảy năm đưa lao động vào khu vực Trung Ðông, đã trụ vững và phát triển được thị trường lao động ở đây, cho biết: Ðể nâng cao uy tín, mở rộng thị phần lao động Việt Nam ở Ca-ta, nhất thiết phải làm tốt công tác tuyển chọn. Doanh nghiệp XKLÐ cần công khai mức lương cơ bản, điều kiện làm ngoài giờ, cách tính năng suất lao động, các khoản thu, các chế tài xử phạt khi vi phạm kỷ luật… Những điều đó giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp và cả người lao động khi làm việc ở nước ngoài, mới giữ ổn định được thị trường lao động.
Chất lượng lao động là yếu tố hàng đầu
Chất lượng lao động bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu, nếu các doanh nghiệp XKLÐ Việt Nam muốn mở rộng, phát triển thị trường lao động, đồng thời cũng là phát triển chính mình. Nhắc lại điều này không thừa, bởi năm 2007, không ít doanh nghiệp đưa lao động thiếu chất lượng vào Qatar và Trung Ðông đã gây ra tình trạng chưa đặt được chỗ đứng thì “lửa đã cháy rát bỏng dưới chân”, tốn kém không ít công sức và tiền của để “chữa cháy”. Có một nghịch lý là, muốn có lao động chất lượng cao phải kéo dài thời gian đào tạo, nhưng Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động chưa thể lo được việc này. Vì thế, đào tạo lao động có thể làm việc tốt ở nước ngoài vẫn là câu chuyện còn dang dở. Bài học không mới, nhưng cần được làm tốt là: Tuyển chọn, giáo dục và đào tạo kỹ, quản lý tốt người lao động khi họ ở nước ngoài. Bộ LÐ-TB và XH đang xúc tiến đặt Ban Quản lý lao động ở một số thị trường mới, yêu cầu các doanh nghiệp XKLÐ cũng có văn phòng, hoặc cán bộ để trực tiếp quản lý, xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình lao động thực hiện hợp đồng. Nhà nước cần có cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh: Làm tốt và hiệu quả, phải được khen thưởng bằng các hình thức phù hợp; làm xấu, vi phạm kỷ luật phải bị xử phạt, thậm chí phải thu hồi giấy phép hoạt động XKLÐ, có như thế, mới nâng cao uy tín của doanh nghiệp XKLÐ và chất lượng của lao động Việt Nam.

Yêu cầu số 1 là nâng cao chất lượng lao động Trước mắt, các doanh nghiệp XKLÐ phải tổ chức giáo dục định hướng, đào tạo lao động theo chuẩn mà Bộ LÐ-TB và XH đã phê duyệt, nhằm nâng cao chất lượng lao động, phù hợp với từng thị trường và đáp ứng nhu cầu của chủ sử dụng lao động nước ngoài. Nhưng, về lâu dài, ngành giáo dục và đào tạo ở nước ta đặt mục tiêu đào tạo được thanh niên khi đến tuổi trưởng thành phải có đủ năng lực (trình độ văn hóa, tay nghề, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật…) để tự họ quyết định con đường “lập thân, lập nghiệp”: vào đại học, học công nhân kỹ thuật hoặc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Nguyễn Thanh Hòa
Thứ trưởng LÐ-TB và XH
Ðầu tư cao mới vào được thị trường mới
Năm 2008, Công ty AIC chúng tôi sẽ đưa lao động vào Cộng hòa Séc, Italia, và một số thị trường mới có thu nhập cao. Nhưng để lao động vào được các thị trường này, phía đối tác yêu cầu lao động phải có tay nghề khá, biết ngoại ngữ và đặc biệt là có tính kỷ luật. Chúng tôi đang cố gắng phối hợp cùng cơ quan quản lý Nhà nước, đối tác nước ngoài và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết các thủ tục về visa, giấy phép lao động để đưa được lao động vào một số thị trường mới. Ðào tạo tốt và kỹ là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng lao động.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Tổng giám đốc Công ty AIC
Phải vượt qua khó khăn, thách thức
Năm 2008, các doanh nghiệp XKLÐ vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do cạnh tranh gay gắt về thị trường lao động giữa Việt Nam và một số quốc gia khác có thế mạnh về XKLÐ. Bên cạnh đó, do đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế phấn đấu ở mức 9% GDP, sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm trong nước cho người lao động lựa chọn, tâm lý kén chọn nghề và thị trường lao động có thu nhập cao của người lao động tăng lên, sẽ là rào cản cho việc tuyển lao động phổ thông đi làm việc ở những thị trường, một số nghề mà mức lương chưa hấp dẫn. Dù đi làm việc ở thị trường thu nhập cao hay thấp, các doanh nghiệp XKLÐ không nên chạy theo số lượng, mà cần chú trọng chất lượng, nghĩa là tuyển lao động có nghề, ý thức kỷ luật tốt.
Nguyễn Lương Trào
Chủ tịch Hiệp hội XKLÐ Việt Nam
Cần khai thác tốt thị trường Malaysia
Một điểm cần lưu ý rằng, một số doanh nghiệp XKLÐ khả năng còn có hạn, kinh nghiệm khai thác thị trường chưa nhiều, nhưng vẫn dồn công của vào các thị trường khó tính bởi thấy có thu nhập cao. Bên cạnh việc mở thị trường mới, chúng ta cần khai thác tốt các thị trường lao động hiện có, nhất là Malaysia. Lao động của LOD vào đây có việc làm ổn định, và thu nhập tốt. Cần làm tốt công tác tuyên truyền để hướng người lao động nghèo đến làm việc ở Malaysia.
Vũ Công Bình
Tổng giám đốc Công ty LOD

Nguồn: Báo Nhân dân