Môi trường kinh doanh năm 2009: Kém thuận lợi nhưng vẫn lạc quan
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cơ sở hạ tầng là cản trở lớn nhất

Báo cáo điều tra môi trường kinh doanh năm 2008 được công bố tại diễn đàn cho thấy: Năm 2007 chỉ có 5,3% DN đánh giá môi trường kinh doanh ở mức “kém”, trong khi năm 2008 tỷ lệ này lên đến 30%.

Tuy nhiên, các DN lại đánh giá cao về tương lai của môi trường kinh doanh năm 2009, và mức xếp hạng của năm 2010 – 2011 đã quay trở lại mức lạc quan của năm 2007.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) cho rằng, lạm phát đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây cho thấy chính sách tài chính và tiền tệ đã thành công: “EuroCham và các thành viên của mình tin tưởng chắc chắn vào những tiềm năng to lớn của Việt Nam như là một nước dẫn đầu trong khu vực và điểm đến của các nhà đầu tư châu Âu”.

So với cuộc điều tra năm 2007, cơ sở hạ tầng vẫn là cản trở lớn nhất cho sự phát triển của DN trong năm 2008. Điện năng thiếu hụt và không ổn định, cảng biển tắc nghẽn, giao thông đường bộ yếu kém… làm tăng chi phí kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của DN. Ông Michael J.Pease, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nhận định: “Hạn chế về cơ sở hạ tầng đe dọa các dự án FDI hiện tại và tương lai trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và xuất khẩu. Vì thế, sự tham gia của khu vực tư nhân vào xây dựng, đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng là bức thiết, đặc biệt trong việc xây dựng cảng biển nước sâu và nhà máy điện”.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ

Bình luận về những giải pháp bình ổn vĩ mô thời gian qua, ông Vũ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ TPHCM nói: “Hiện nay, hiện tượng cắt giảm lao động đã bắt đầu lan rộng ở nhiều DN. Nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ kịp thời thì các DN nhỏ và vừa sẽ không trụ nổi, xã hội sẽ phải đối mặt với nạn thất nghiệp diễn ra trên diện rộng”.

Trong khi đó, theo ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội, nếu tiếp tục “thắt chặt” kéo dài sẽ đẩy thêm nhiều DN dân doanh vào tình cảnh “suy vi”, dư nợ quá hạn sẽ tăng lên (hiện tại là 35.000 tỷ đồng). Ông Vũ Duy Thái cho rằng cần tiếp tục giảm lãi suất, mở rộng diện được vay và điều kiện cho vay để các DN dân doanh khôi phục sản xuất kinh doanh.

Đại diện cho nhóm công tác về ngân hàng của diễn đàn, ông Ashok Sud phân tích, trong điều kiện cần phải kích cầu tiêu dùng trong nước để lấp khoảng trống khi xuất khẩu giảm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ cần được khuyến khích mở rộng và phát triển: “Việc áp đặt trần lãi suất không quá 150% lãi suất cơ bản cần được sửa đổi”.

Trả lời về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong bối cảnh lạm phát đã giảm, và nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy giảm, nhiều khả năng quy định về lãi suất cơ bản sẽ được dỡ bỏ, và thay vào đó là cơ chế lãi suất thỏa thuận: “Chúng tôi đã báo cáo vấn đề này để Chính phủ và Quốc hội quyết định”.

Nhìn ở khía cạnh rộng hơn, ông Alain Cany cho rằng, với nguy cơ sụt giảm về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối, vấn đề mấu chốt hiện nay là Chính phủ cần hành động để kiểm soát thâm hụt thương mại, thâm hụt vãng lai, để giữ và xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư, tránh nguy cơ một cuộc khủng hoảng “các khoản thâm hụt đã được dự báo trước” như đã thấy hồi đầu năm.

“Hướng đi đúng đắn trong tình hình hiện nay là cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền kinh tế, sao cho có thể tăng năng suất và tận dụng tối đa các tiềm năng phát triển chưa được giải phóng” – ông Alain Cany nói.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng