Mua tín phiếu bắt buộc, ngân hàng lo ngại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước quyết định này, phía các ngân hàng thương mại tỏ ra lo ngại sẽ càng gặp thêm khó khăn trong bối cảnh các ngân hàng này đang thiếu hụt tiền đồng. 

Để rút bớt tiền trong lưu thông

Theo NHNN, trong những tháng đầu năm 2008, tăng trưởng kinh tế thuận lợi nhưng chỉ số giá tiêu dùng được dự báo có nguy cơ tăng cao (riêng tháng 1 tăng 2,38%). Vì thế, quyết định này được ban hành nhằm góp phần rút tiền đang lưu thông về, chủ động kiểm soát chặt chẽ tiền tệ ngay từ đầu năm, và góp phần kiềm chế lạm phát.  

Tổng giá trị tín phiếu NHNN phát hành bắt buộc đợt này là 20.300 tỉ đồng, kỳ hạn 364 ngày, lãi suất 7,80%/năm; hình thức phát hành là ghi sổ. Giá trị tín phiếu được phân bổ cho từng tổ chức tín dụng theo quy mô, tỷ trọng huy động vốn bằng tiền đồng Việt Nam.

Có 41 tổ chức tín dụng thuộc đối tượng mua tín phiếu NHNN bắt buộc. Các tổ chức tín dụng có số dư vốn huy động bằng tiền đồng đến ngày 31-1-2008 từ 1.000 tỉ đồng trở xuống và các tổ chức tín dụng hoạt động chủ yếu trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong đó có ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ không thuộc đối tượng mua tín phiếu.  

Thời điểm phát hành tín phiếu là ngày 17-3-2008, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thuộc đối tượng mua có thời gian chuẩn bị, bố trí vốn để mua tín phiếu theo chỉ tiêu được phân bổ, tránh những biến động đột biến trên thị trường tiền tệ.

Theo NHNN, việc phát hành tín phiếu NHNN đợt này sẽ có tác động nhất định đến cung- cầu vốn nhưng lãi suất thị trường tiền tệ sẽ ít biến động do NHNN trả lãi suất tín phiếu ở mức hợp lý, kỳ hạn phát hành ngắn hạn, thời điểm phát hành vào sau Tết nguyên đán khi việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng theo tính quy luật hàng năm.

Ngân hàng thương mại lo thiếu tiền đồng 

Các ngân hàng thương mại, hiện đang đối mặt với khó khăn thiếu hụt nguồn cung tiền đồng sau những quyết định của NHNN về việc tăng lãi suất cơ bản, tái cấp vốn, chiết khấu, sẽ càng khó khăn hơn với việc mua tín phiếu bắt buộc của NHNN.  

Tình trạng thiếu hụt tiền đồng của các ngân hàng thể hiện qua việc lãi suất cho vay qua đêm của các ngân hàng trong vòng một tháng qua đã có lúc lên tới 30%. Điều này đã đẩy các ngân hàng đến chỗ đua nhau tăng lãi suất huy động.  

Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã quyết định tăng lãi suất lần thứ hai trong vòng một tuần lễ sau Tết. Theo ngân hàng, mức tăng lãi suất lần này có thể coi là kỷ lục, thấp nhất là 0,01%/tháng, cao nhất là 0,11%/tháng. Theo biểu lãi suất mới ban hành, đối với loại hình tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, lãi suất sẽ là 0,40%/ tháng. Ngoài ra, OCB còn áp dụng chính sách thưởng lãi suất cho khách hàng gửi nhiều tiền có kỳ hạn.  

Ngân hàng Á Châu (ACB) hôm nay vừa thông báo từ 16-2 chính thức tăng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán bằng Việt Nam đồng ở tất cả các kỳ hạn từ một tháng tới 36 tháng với mức tăng từ 0,36%/năm tới 0,6%/năm. ACB cho biết đây là đợt điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn có biên độ lớn nhất của ngân hàng trong thời gian vừa qua.

Ngân hàng Đông Á cũng đã tiến hành tăng lãi suất tiết kiệm lần thứ hai trong quý 1-2008, chỉ 1 tháng sau lần tăng thứ nhất (vào ngày 10-1-2008), với mức tăng bình quân là 0,06%/năm.  

Tăng mạnh nhất trong các ngân hàng phải kể đến ngân hàng SeABank, bên cạnh các kỳ hạn khác, kỳ hạn 12 tháng tăng từ 9,48% lên đến 9,90%, và kỳ hạn cao nhất 24 tháng đạt mức lãi suất 10,02%.  

Hậu quả của việc chạy đua tăng lãi suất ngân hàng sẽ đổ lên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vì lãi suất cho vay của ngân hàng theo đó cũng phải tăng lên. Đại diện Ngân hàng Đông Á cho biết ngân hàng hiện đã tăng lãi suất cho vay nhưng ở mức thấp hơn lãi suất huy động.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết ACB đang xem xét để tăng lãi suất cho vay ở mức nào, bằng hay thấp hơn mức lãi suất huy động. NHNN quyết định thắt chặt cung tiền cũng đồng nghĩa với buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay vì ngân hàng chỉ là một định chế trung gian, ông Toại nói. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất một là phải cải tiến hoạt động để giảm chi phí sản xuất, giữ vững lợi nhuận, hai là chấp nhận giảm lợi nhuận để cạnh tranh.  

Phó tổng giám đốc của một ngân hàng khác lại cho rằng hậu quả không dừng ở đó mà sẽ tạo ra một biến động khá lớn trên thị trường bất động sản thời gian tới. Một lượng vốn lớn sẽ chạy từ hoạt động kinh doanh hiện đang đối mặt với khó khăn sang thị trường bất động sản dường như có vẻ dễ ăn hơn, và sẽ lại đẩy giá bất động sản tăng cao.  

NHNN hiện đang kêu gọi các ngân hàng cân nhắc kỹ khi cho vay bất động sản nhưng theo vị phó tổng giám đốc này thì hiện chưa hề có một định nghĩa rõ ràng thế nào là kinh doanh bất động sản, hay thế nào là cho vay kinh doanh bất động sản.  

Biện pháp thắt chặt lượng cung tiền đồng của NHNN, thể hiện rõ ý chí kiềm chế lạm phát của Chính phủ, cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong thời kỳ ảm đạm, vì vốn đầu tư dưới dạng tiền đô của các tổ chức nước ngoài sẽ khó chuyển đổi sang đồng nội tệ để đầu tư vào thị trường chứng khoán.  

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online