Mức lãi suất trần VND 12%/năm có hấp dẫn ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đó, mức lãi suất trần đối với VND sẽ là 12%/năm, USD là 6%/năm. Ngay sau khi HHNHVN có công văn gửi các ngân hàng, ngày 29-4, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động đối với VND và USD.

Theo Ngân hàng Thương mại cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank), mức lãi suất tiền gửi và tiết kiệm thông thường bằng VND cho loại không kỳ hạn là 3,6%/năm; kỳ hạn 1-6 tháng: 11,5%/năm; kỳ hạn 7-36 tháng: 12%/năm. VPBank còn áp dụng lãi suất bậc thang cho các khoản tiền gửi không kỳ hạn bằng VND. Khi khách hàng gửi dưới 100 triệu đồng, lãi suất là 3,6%/năm; từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng: 3,72%/năm; từ 500 triệu đồng trở lên: 3,84%/năm.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cũng áp dụng mức lãi suất mới. Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng VND lĩnh lãi cuối kỳ, loại không kỳ hạn, lãi suất là 3,6%/năm; 1 tuần: 7,2%/năm; 2 tuần: 8,4%/năm; 3 tuần: 9,6%/năm; 1-6 tháng: 11,5%/năm; 7-13 tháng: 12%/năm. Tuy nhiên, đối với những kỳ hạn 15, 18 và 24 tháng, lãi suất được áp dụng chỉ là 10,2%/năm. Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng VND rút gốc linh hoạt, mức lãi suất cao nhất là 9,36% được áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Với USD, mức lãi suất cao nhất vẫn là 6%/năm. SeABank cũng áp dụng lãi suất bậc thang cho khách hàng gửi tiết kiệm, nhưng mức lãi suất cao nhất không quá 12%/năm.

Sau VPBank, SeABank, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đang “rục rịch” tăng lãi suất tiết kiệm lên mức trần 12%/năm để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, việc thực hiện các mức lãi suất đồng thuận trong toàn hệ thống nhằm giữ ổn định mặt bằng lãi suất của thị trường, hạn chế sự dịch chuyển vốn từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, bảo đảm vốn cho kinh doanh của từng ngân hàng, góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tăng giá năm 2008. Việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất từ 11%/năm lên 12%/năm phần nào đáp ứng được mong mỏi từ khách hàng. Tuy nhiên, mức lãi suất 12%/năm vẫn bị coi là quá thấp. Nếu tình hình lạm phát tiếp tục tăng thì với mức lãi suất này, người gửi tiền vẫn bị lỗ. Do vậy, tình trạng tiền gửi tiết kiệm từ ngân hàng “chảy” sang những lĩnh vực đầu tư khác như bất động sản, vàng… khó tránh khỏi.

Các chuyên gia cho rằng, nếu kéo dài trần lãi suất huy động sẽ khiến các ngân hàng nhỏ không thể huy động được vốn. Ngược lại, với những ngân hàng lớn, bằng uy tín của mình sẽ huy động được nhiều hơn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng nhỏ sẽ mất tính thanh khoản.

Nguồn: Báo Hà Nội mới