“Mục tiêu cao nhất của APEC là vì doanh nghiệp, vì người dân”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chiều 10/11 tại Đà Nẵng đã diễn ra phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC).

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ABAC, Chủ tịch nước – Chủ tịch APEC 2017 Trần Đại Quang nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cuộc đối thoại này, diễn ra một ngày trước phiên họp của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào ngày 11/11.

Cần xây dựng tầm nhìn mới cho APEC

Chủ tịch nước cho rằng đây là thời điểm các thành viên cần tìm ra những hướng đi mới để duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu và châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là thời điểm cần xây dựng tầm nhìn mới cho Diễn đàn khi APEC đang bước sang thập niên phát triển thứ tư.

Nhà lãnh đạo Việt Nam nhìn nhận, liên kết kinh tế, kết nối, tự do hóa thương mại và đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của APEC. Các nền kinh tế thành viên đều cam kết sẽ đẩy mạnh triển khai mục tiêu Bogor, trong đó tập trung hơn vào thúc đẩy đầu tư, giảm rào cản phi thuế quan… đồng thời tập trung giải quyết vấn đề mới như thương mại xuyên biên giới và kinh tế số.

Chủ tịch nước chia sẻ quan tâm của ABAC về sự cần thiết tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ vào thị trường toàn cầu.

Những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất là liên kết kinh tế khu vực, kết nối thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển bao trùm an ninh lương thực, tầm nhìn APEC sau năm 2020… Đây cũng là những vấn đề mà các nhà lãnh đạo APEC đang trăn trở và trao đổi để tìm ra giải pháp và hướng đi phù hợp.

“Mục tiêu cao nhất của APEC là vì doanh nghiệp, vì người dân”

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh bốn điểm.

Thứ nhất, liên kết kinh tế khu vực, kết nối tự do hóa thương mại và đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của hợp tác APEC. Các nền kinh tế thành viên đều cam kết sẽ đẩy mạnh việc hoàn tất các mục tiêu Bogor trong đó tập trung hơn vào các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, các giải pháp giảm rào cản phi thuế quan. APEC cũng sẽ đẩy mạnh hơn việc triển khai các kế hoạch đã được thông qua, nổi bật là kế hoạch tổng thể về kết nối APEC, khuôn khổ kết nối chuỗi cung ứng, lộ trình về hợp tác dịch vụ giai đoạn 2016-2025, đồng thời tập trung giải quyết những vấn đề mới đang nổi lên như thương mại điện tử xuyên biên giới, lộ trình về kinh tế số…

Thứ hai, các nhà lãnh đạo chia sẻ quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về việc cần đẩy mạnh việc tham gia của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, quyền năng kinh tế của phụ nữ, sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nữ nói chung là động lực mới để thúc đẩy tăng trường bền vững và bao trùm. Chúng tôi cam kết sẽ tạo ra những chính sách và khuôn khổ pháp lý để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ ba, đề xuất của ABAC trong việc phát triển thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, an ninh, lương thực, an ninh năng lượng, lực lượng lao động trong kỷ nguyên số là những vấn đề cấp thiết đặt ra nhằm đảm bảo tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.

Chủ tịch nước cho biết lãnh đạo APEC đã chỉ đạo các cấp làm việc của APEC làm từ đầu năm đến nay, tập trung xây dựng những khuôn khổ hợp tác dài hạn về thúc đẩy bao trùm về tài chính, kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn đô thị. Những vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị quan trọng ngày 11/11.

Thứ tư, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp về ý tưởng, xây dựng tầm nhìn của APEC sau năm 2020. APEC đã thành công trong ba thập niên qua. Đây chính là giai đoạn có ý nghĩa then chốt, quyết định đối với APEC.

Chủ tịch nước cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tích cực đóng góp và cùng lãnh đạo APEC hoàn thành trọng trách xây dựng tầm nhìn mới cho diễn đàn APEC trong những thập niên tiếp theo.

“Chúng ta có thể tự hào, APEC đã trở thành một trong những diễn đàn hợp tác hợp tác thành công nhất giữa nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC cũng như Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương và Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC đã đồng hành cùng với APEC trong suốt thời gian qua để cùng nhau đóng góp vào sự phát triển của châu Á- Thái Bình Dương”, Chủ tịch nước phát biểu.

Chủ tịch nước cho biết, ngay trong năm 2017 tại Việt Nam, tất cả các hội nghị quan trọng của APEC đều có sự đóng góp rất tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã chủ động tổ chức nhiều sự kiện trong các hội nghị APEC, nổi bật là: Diễn đàn khởi nghiệp APEC, Đối thoại công tư APEC, về nâng cao năng lực siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Diễn đàn doanh nhân nữ APEC,…

“Cộng đồng doanh nghiệp hãy tiếp tục chung sức, đồng hành cùng nhà nước trong giai đoạn then chốt hiện nay và sắp tới. Tôi tin tưởng sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo ra những động lực mới nhằm hiện thực hoá mục tiêu cao nhất của hợp tác APEC là vì doanh nghiệp, vì người dân”, Chủ tịch nước nói.

Bên lề sự kiện, trong chiều 10/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đón, tiếp và có cuộc gặp song phương với một số nhà lãnh đạo thành viên APEC.

Trong tối 10/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân chủ trì lễ đón chính thức, tiệc chiêu đãi cùng chương trình nghệ thuật chào đón các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.