Mỹ Latinh: “Thị trường vàng” cho hàng Việt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dư địa rộng lớn

GDP của các nước Mỹ Latinh được dự báo đạt mức tăng trưởng 4,3% trong năm 2012 và tiếp tục xu hướng tăng trưởng dương trong các năm tới. Thị trường Mỹ Latinh có nhu cầu nhập khẩu lớn. Năm 2011, trao đổi thương mại hai chiều của khu vực này với thế giới đạt hơn 2 ngàn tỷ USD, chiếm 5,4% tổng giá trị thương mại toàn cầu.

Về tiềm năng nhập khẩu, theo ông Phạm Bá Uông- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương)- Mỹ Latinh là thị trường các doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn bởi giá cả rất cạnh tranh. Năm 2011, Việt Nam nhập khâu hàng hóa từMỹ Latinh đạt 2.778,5 triệu USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhậpkhẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu…

 Thị trường Mỹ Latinh không quá khó tính. Đa phần người dân có thu nhập chưa cao. Thị hiếu tiêu dùng và yêu cầu chất lượng phù hợp với năng lực sản xuất hàng hóa hiện nay của Việt Nam.

Năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang 10 thị trường chủ yếu trong khu vực đạt 2.239,8 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang Brazil đứng đầu đạt 597,7 triệu USD, chiếm 24,5 %. Tiếp theo là Mexico (589,7 triệu USD), Cuba (270 triệu USD)… Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ Latinh các sản phẩm có thế mạnh, như: Gạo, giày dép, cao su, thủy sản, hàng dệt may. Một số mặt hàng mới thâm nhập thị trường như thủy sản, đặc biệt là cá tra đã tăng nhanh, đạt gần 64,6 triệu USD ở Brazil, trong khi mấy năm trước, thủy sản của Việt Nam chưa thâm nhập được vào thị trường này.

Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở Mỹ Latinh còn nhỏ, chỉ chiếm 0,18 % tổng kim ngạch nhập khẩu của cả khu vực Mỹ Latinh. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. “Điều đó cho thấy còn nhiều tiềm năng kinh tế của hai phía chưa được khai thác hết, quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với khu vực này còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị rất tốt đẹp ”- ôngPhạm Bá Uông cho biết.

Mạnh dạn xâm nhập thị trường

Tâm lý e ngại chi phí vận chuyển cao do khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu thông tin thị trường, khó khăn về ngôn ngữ (ngôn ngữ phổ thông ở Mỹ Latinh là tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha)… khiến DN Việt chưa mạnh dạn khai thác thị trường này. Nhưng, “địa bàn xa, khó khăn thì mới còn cơ hội cho những ai dám vượt khó và kiên trì” – ông Uông khẳng định.

Để tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Mỹ Latinh, các doanh nghiệp cần được giúp đỡ nhiều hơn về thông tin, chính sách và một phần chi phí tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại (XTTM) từ Quỹ XTTM quốc gia để thúc đẩy giao thương, tham gia hội chợ triển lãm, xây dựng các trang tin điện tử bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt để giới thiệu thị trường…

Diễn đàn Việt Nam-Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư là dịp để các đối tác cách xa nhau nửa vòng trái đất, có thể gặp gỡ, trực tiếp trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác, góp phần tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực này.

Với tiềm năng nhập khẩu hàng hóa trị giá gần 1 nghìn tỷ USD/năm, nhu cầu tiêu dùng tăng 17%/năm, châu Mỹ Latinh đang và sẽ là thị trường “vàng” cho hàng hóa Việt Nam.

Nguyễn Phượng
Nguồn: Báo Công thương điện tử