Năm 2007: Thị trường ôtô Việt Nam đạt kỷ lục 80.000 xe
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo quy luật, tháng 12 doanh số của VAMA vọt lên đang kể. Tổng số xe mà VAMA bán ra là 12.006 chiếc, tăng 96% so với cùng kỳ 2006 và gần 19% nếu đặt cạnh tháng 11. Kết thúc 2007, thị trường ôtô lập hàng loạt kỷ lục như: tăng liên tiếp từ tháng 3, doanh số tháng vượt xa ngưỡng 10.000 xe và tổng doanh số đạt mốc cao nhất trong lịch sử, 80.392 chiếc.

Tuy doanh số cao nhưng các dòng xe bán chạy có một tháng 12 khá bình lặng. Toyota Innova tăng nhẹ từ 1.265 xe của tháng 11 lên 1.398 chiếc, cao nhất trong năm nhưng vẫn thấp hơn 7% so với kỷ lục 1.539 xe cùng kỳ năm ngoái.

Trong suốt 12 tháng, chiếc đa dụng này luôn có doanh số cao và tổng lượng bán ra ở mức ấn tượng 12.609 xe, tăng 27% so với 2006. Như vậy sau 2 năm có mặt, Innova tạo nên một kết quả mà khó có mẫu xe nào phá vỡ được trong tương lai, ngay cả khi đó là sản phẩm của Toyota Việt Nam.

Sự thành công của Innova mang nhiều yếu tố, trong đó có thiết kế (hoàn toàn khác biệt so với mẫu mà nó thay thế Zace), ra mắt vào thời điểm xe đa dụng MPV lên ngôi và giá ở mức vừa túi tiền của phần lớn khách hàng.

Cùng trong dòng đa dụng, Everest cũng xuất sắc giúp Ford Việt Nam bớt căng thẳng do thành tích kém cỏi của 2006 gây nên. Với doanh số 586 chiếc của tháng 12, Everest đạt sản lượng cả năm là 3.186 xe, cao hơn tới 85% so với năm ngoái.

Năm nay, Everest vẫn được coi là sản phẩm quan trọng nhưng sẽ là “liều lĩnh” nếu Ford Việt Nam đặt hết hy vọng vào nó. Bởi kể từ giữa 2007, dòng MPV không còn tạo nên sự khác biệt về nhu cầu so với sedan (xe 5 chỗ) như năm trước.

Ở phân khúc thể thao đa dụng, Chevrolet Captiva kết thúc 2007 với 383 xe, thấp hơn chút ít so với 414 chiếc của tháng 11 và đưa doanh số mà Vidamco giao cả năm 2007 lên 3.594 chiếc. Đây là thành tích cao nhất trong lịch sử của liên doanh Vidamco và là sự thành công này nằm ngoài dự đoán của rất nhiều người.

Bước đột phá trong dòng đa dụng đến từ chiếc Isuzu Hi-lander và Kia Carnival. Từ 4 xe của tháng 11, Hi-lander vọt lên 115 xe. Cùng hoàn cảnh, Kia Carnival cũng tăng từ 4 lên 75 chiếc. Sự tăng mạnh này là kết quả của những đợt bán hàng tồn bởi kể từ khi ra mắt, cả hai mẫu này đều không tạo được ấn tượng. Từ 2006, trong lúc người tiêu dùng chen nhau mua Innova thì Hi-lander và Kia Carnival vẫn “bình chân như vại”.

Ở phân khúc sedan, tháng 12 được coi là tháng của các mẫu xe Toyota. Doanh số Vios mới tăng nhẹ lên 239 chiếc, Corolla Altis đạt 125 xe dù ở cuối chu kỳ sản phẩm. “Nhảy” mạnh nhất là Camry 2007 khi từ 376 lên 444 xe tháng 12, tương đương 18%. Những lo ngại về ảnh hưởng của Mercedes C-class tới doanh số của Camry dường như không thành hiện thực bởi đã 4 tháng qua, chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này.

Nguyên nhân có thể do khả năng giao C-class của Mercedes Việt Nam không cao, trung bình chỉ khoảng 50-60 chiếc mỗi tháng. Ngoài ra, dù có những đột phá về thiết kế và giá thì C-class vẫn là sản phẩm kén khách chứ không thuộc dạng phổ thông như Camry.

Ngoại trừ Toyota, dòng sedan của các hãng đều giảm vào tháng 12. Honda Civic bán được 503 xe, giảm nhẹ so với 512 chiếc của tháng 11. Vidamco giao 533 chiếc dòng sedan, thấp hơn tháng 11 khoảng 11,5%. Trong số các sản phẩm mà liên doanh này đang bán, chỉ duy nhất có Gentra tăng (170 xe) còn Matiz và Lacetti đều giảm.

Tính tổng, Toyota vẫn đứng đầu tháng 12 với 2.328 xe bán ra. Đứng thứ hai là tân binh Vinamotor (1.968 chiếc). Trường Hải tụt xuống thứ ba khi đạt 1.611 chiếc. Hãng xe tải khác là Vinaxuki đứng thứ tư ở mức 1.361 chiếc. Đứng thứ 5 là cái tên Ford Việt Nam với tổng số 1.038 xe.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress