Năm 2008: Lại phá kỷ lục nhập siêu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nếu đúng như dự kiến thì năm 2008 lại chứng kiến việc phá kỷ lục về nhập siêu của năm 2007 (năm 2007: Nhập siêu 12,3 tỉ USD, bằng 25,6% kim ngạch XK). Mọi biện pháp để kiềm chế nhập siêu xem ra vẫn chưa phát huy hiệu quả do nền kinh tế còn phụ thuộc phần lớn vào bên ngoài trong một vài năm tới.

Nhập khẩu tăng phi mã

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, năm đầu tiên gia nhập WTO, mức nhập siêu của năm 2007 đã tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm.

Tuy nhiên, mức nhập siêu kỷ lục, trong đó chiếm đến 2/3 là NK nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất đang cho thấy các ngành công nghiệp (CN) phụ trợ trong nước còn chậm phát triển, chưa nắm bắt được cơ hội để tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hoá trong nước.

Lượng hàng tiêu dùng NK tuy chỉ chiếm 3% trong tổng kim ngạch NK hàng hoá (khoảng 2 tỉ USD) nhưng cũng báo động sức cạnh tranh của nhiều hàng hoá trong nước đã sản xuất được vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn NK.

Cơ cấu XK tuy có chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, nhưng quy mô XK còn nhỏ bé, dễ tổn thương bởi các biến động bên ngoài như giá cả, nguyên vật liệu… nên càng tăng XK thì tỉ trọng nhập siêu do nhập nguyên phụ liệu, thiết bị càng lớn.

Năm 2008, theo Bộ Công Thương, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ 8,5-9% thì dự kiến tổng kim ngạch XK hàng hoá sẽ đạt 59,03 tỉ USD, tăng 22% so với mức thực hiện năm 2007, nhưng dự kiến mức NK cũng sẽ ở mức tối thiểu đạt 76 tỉ USD (tăng 25% so với năm ngoái).

Như vậy, mức nhập siêu sẽ 16,97 tỉ USD, tăng tới 36,9% so với năm 2007 và chiếm bằng 28,75% trên tổng kim ngạch XK.

Trong tổng nguồn hàng NK, cơ cấu NK chủ yếu nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng khoảng 26,3%; nhóm nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất vẫn còn lớn khoảng 66,2% và nhóm hàng tiêu dùng khoảng 7,5%.

Nhìn vào cơ cấu NK này về cơ bản, nguyên nhân dẫn đến nhập siêu tăng chủ yếu vẫn phụ thuộc phần lớn vào bên ngoài do cơ cấu NK máy móc, nguyên vật liệu vẫn chiếm áp đảo.

Giảm nhập siêu: Chưa có phương thuốc hữu hiệu

4 giải pháp được Bộ Công Thương chỉ ra để kiềm chế nhập siêu trong năm 2008 là: Chủ động rà soát những mặt hàng NK tăng mạnh do việc cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO và AFTA mà trong nước có khả năng sản xuất để có biện pháp hạn chế NK và khuyến khích sản xuất trong nước; nghiên cứu cơ chế quản lý NK hiệu quả nhằm từng bước giảm kim ngạch NK; triển khai đồng bộ các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm CN, các loại nguyên liệu vật tư sản xuất trong nước để giảm NK và xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp định chế quốc tế đối với hàng NK để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước.

Trên thực tế, việc thúc đẩy tăng trưởng XK, cân bằng cán cân thanh toán được coi là giải pháp chủ yếu, lâu dài để hạn chế nhập siêu, song không hề đơn giản.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2008, các mặt hàng XK chủ lực những năm trước đây đều giảm do yêu cầu bảo đảm chính sách an ninh năng lượng và an ninh lương thực.

Bộ Công Thương cũng nhận định: Bên cạnh những mặt hàng XK truyền thống chiếm tỉ trọng lớn như dệt may, dầu thô, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính… thì trong năm do hạn chế về diện tích, thời tiết, nguồn nước, năng suất và cả thị trường tiêu thụ nên XK các mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thuỷ sản sẽ không có khả năng tăng trưởng cao, thậm chí sẽ đạt tới ngưỡng như thuỷ sản 4,25 tỉ USD, tăng 12,1%; gạo 1,5 tỉ USD, tăng 3,1%… Các mặt hàng như chè, hạt điều, caosu, càphê đều sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng thấp hoặc giảm.

Giảm NK bằng việc đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước các loại nguyên liệu, các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất tiêu dùng, nội địa hoá hàng XK để giảm dần tiến tới thay thế NK được đề ra từ lâu nhưng chuyển biến khá chậm.

Để kìm chế lạm phát ở trong nước, Nhà nước đã giảm thuế suất thuế NK đối với nhiều mặt hàng, như vậy nhập siêu sẽ khó giảm mà còn có xu hướng tăng lên và tỉ trọng hàng tiêu dùng trong tổng kim ngạch NK cũng lớn hơn.

Một biện pháp khả thi hơn đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu là xây dựng các biện pháp, rào cản kỹ thuật cần thiết áp dụng đối với các ngành, sản phẩm CN nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường, phù hợp với các quy định trong khuôn khổ WTO, trước hết là đối với các mặt hàng có kim ngạch NK lớn, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và sức khoẻ cộng đồng.

Nguồn: Báo Lao động