Năm 2010: 10 sự kiện đáng nhớ trên TTCK
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Luật CK sửa đổi, bổ sung được thông qua

Ngày 24.11.2010, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CK. Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều trong tổng số 136 điều của Luật CK hiện hành. Luật CK sửa đổi, bổ sung khắc phục một số vấn đề bất cập trong hoạt động chào bán CK riêng lẻ, chào mua công khai; bổ sung hành vi vi phạm trong kinh doanh CK; bổ sung đối tượng, nội dung CBTT trên thị trường; điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động của CTCK, Cty quản lý quỹ… Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2011.

2. Lần đầu tiên truy tố hình sự đối với hành vi thao túng giá

Cơ quan điều tra Bộ Công an ngày 26.11.2010 đã bắt tạm giam và quyết định khởi tố ông Lê Văn Dũng – TGĐ CTCP Dược Viễn Đông (mã: DVD-HoSE) cùng một số cá nhân liên quan do hành vi thao túng giá CK. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2010, tội danh thao túng giá CK được đưa vào xử lý hình sự. Trước đó đã có nhiều vụ thao túng giá CP bị phát hiện, nhưng do chỉ bị xử lý hành chính nên không đủ sức răn đe. Do đó, vụ việc lần này đã nhận được sự ủng hộ của nhà quản lý và thị trường, lấy lại niềm tin của NĐT. Thêm vào đó, Nghị định 85/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK ban hành ngày 2.8.2010 cũng đã tăng mức phạt lên 4-6 lần, đồng thời cho phép tịch thu toàn bộ các khoản thu trái pháp luật.

3. NĐT nước ngoài mua ròng hơn 16.000 tỉ đồng

Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trên cả hai sàn tính tới ngày 30.12.2010 là hơn 16.000 tỉ đồng (con số này chỉ thấp hơn con số kỉ lục 24.000 tỉ đồng của năm 2007). Trong đó 2/3 số này đã chảy vào HoSE. Ngoài ra, khối ngoại cũng tích cực tham gia thị trường trái phiếu, các đợt phát hành riêng lẻ, tham gia đấu giá cổ phần… Đây là tín hiệu lạc quan bởi trước đó, quỹ đầu tư VEIL do Dragon Capital quản lý bị ép thoái vốn, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý NĐT.

4. Đẩy mạnh thâu tóm DN

Hoạt động mua bán, sáp nhập DN (M&A) năm 2010 trên TTCK diễn ra khá sôi động. Các vụ thâu tóm CTCP Thủy sản Hùng Vương (mã: HVG) thâu tóm CTCP Thủy sản An Giang (mã: AGF); CPCP vàng Phú Nhuận (mã: PNJ) thâu tóm CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (mã: SFC); CTCP sản xuất, thương mại Thành Công chào mua công khai 2,24 triệu CP NHS để thâu tóm CTCP Đường Ninh Hòa; CTCP Dược Viễn Đông (mã: DVD) thâu tóm CTCP Dược Hà Tây (mã: DHT)… Mới đây nhất là vụ BĐS Bình Thiên An cùng các bên có liên quan thâu tóm CP tại Descon (mã: DCC)…

5. VSD giám sát đến từng tài khoản

Trung tâm Lưu ký CK (VSD) ngày 31.5.2010 đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống phần mềm lưu ký mới có khả năng giám sát chi tiết đến từng tài khoản. Điều này cho phép cơ quan quản lý có thể phát hiện ngay lập tức giao dịch bán trước ngày T+4. Với công nghệ mới, họat động giám sát trên thị trường sẽ hiệu quả hơn, hạn chế tối đa sự bất bình đẳng về lợi thế bán trước khi CK về tài khoản.

6. Minh bạch công bố thông tin tài chính

Bộ Tài chính ngày 15.1.2010 đã ban hành thông tư số 09/2010/TT-BTC hướng dẫn việc công bố thông tin trên TTCK, thay thế cho thông tư số 38/2007/TT-BTC. Theo thông tư 09 này, các Cty niêm yết phải thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên. Đây là một nỗ lực nhằm minh bạch hóa thông tin tài chính của DN giúp NĐT có thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

7. TTCK Việt Nam tròn 10 tuổi

Ngày 28.7.2010 đánh dấu tròn 10 năm của TTCK Việt Nam. Trong 10 năm qua, TTCK đã có những phát triển vượt bậc, quy mô vốn hóa đạt gấp 2 lần so với kế hoạch ban đầu, số lượng Cty niêm yết tăng gấp 10 lần. Thị trường cũng đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với kỷ lục vốn huy động của DN đạt 110.000 tỉ đồng, tăng 3 lần so với năm 2009 và tăng 4 lần so với năm 2008. Năm 2010 cũng ghi nhận một số kỷ lục: thêm 81 CP lên sàn HoSE, 110 CP niêm yết trên HNX và 82 CP đăng ký giao dịch tại UPCoM.

8. HNX giao dịch trực tuyến

Sở GDCK Hà Nội (HNX) ngày 8.2.2010 đã chính thức thực hiện giao dịch trực tuyến, cho phép NĐT nhập lệnh trực tiếp vào hệ thống, rút ngắn thời gian xuống gần 10 lần so với trước đó. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, sàn HNX trong năm 2010 cũng chứng kiến chỉ số HNX-Index rơi xuống dưới ngưỡng 100 điểm và thiết lập đáy tại 96,77 điểm. Đây là lần thứ hai chỉ số này xuống dưỡi mốc khởi điểm sau năm 2009.

9. UPCoM khớp lệnh liên tục

Kể từ ngày 19.7.2010, sàn UPCoM đã chính thức chuyển từ giao dịch khớp lệnh thỏa thuận và thỏa thuận thông thường sang khớp lệnh liên tục. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng quyết định kéo dài thời gian giao dịch cho sàn này để tăng thanh khoản. Tuy nhiên, sàn này cũng đã chứng kiến một số trường hợp tạo bất ngờ như CP SCO của CTCP Công nghiệp Thủy sản thiết lập kỷ lục rẻ nhất khi giá chốt phiên trong ngày chào sàn chỉ ở mức 2.500 đồng/CP (dù giá trị sổ sách khoảng 12.285 đồng/CP). Hoặc trường hợp CP WTC của CTCP Vận tải thuỷ TKV được giao dịch với giá 500.000 đồng/CP trong ngày chào sàn đầu tiên 30.7 với chỉ 100 CP được khớp lệnh. Tuy nhiên, HNX đã không công nhận và quyết định hủy kết quả này.

10. Phạt CTCK cung cấp dịch vụ phái sinh

CTCK VNDirect ngày 11.11.2010 đã bị phạt 100 triệu đồng do đã cung cấp dịch vụ option – dịch vụ không thuộc nghiệp vụ kinh doanh được phép. VNDirect cũng là tổ chức trung gian đầu tiên bị phạt vì đã cung cấp dịch vụ phái sinh trên thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường đã cho thấy dù đã trải qua 10 năm nhưng sự phát triển của thị trường chưa theo kịp kỳ vọng, cần có thêm các công cụ đầu tư và phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, một số sản phẩm mới như mở nhiều tài khoản; T+2, lệnh dừng lỗ, lệnh thị trường; quy định về giao dịch cùng phiên… vẫn chưa được thực thi.

Lưu Thuỷ
Nguồn: Báo Điện tử Lao động