Năm 2010: CPI khó dừng ở mức 7%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo các chuyên gia kinh tế thì CPI (chỉ số giá tiêu dùng) trong năm 2010 sẽ rất khó dự đoán do tình hình kinh tế thế giới và trong nước vừa có dấu hiệu bước qua khủng hoảng. Tuy vậy, con số này chắc chắn lớn hơn chỉ tiêu 7% do chính phủ đưa ra. Trong lúc đó, dự báo mức tăng CPI trong năm nay vào khoảng 7-8% so với năm 2008.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM, kinh tế thế giới đến thời điểm này đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa vững chắc khi nhiều nước vẫn đang có tốc độ tăng trưởng âm.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tuy có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc chính phủ Mỹ quyết định sẽ cho đồng đô la của nước này yếu hay mạnh vẫn còn chưa rõ. Nếu đồng đô la yếu sẽ khiến cho giá cả các loại hàng hóa tăng lên, giá dầu thô cũng có khả năng tăng cao, như thế, chỉ số CPI của Việt Nam khó có thể dừng ở 1 con số; nhưng nếu diễn biến này đi theo chiều hướng ngược lại thì chỉ số CPI sẽ không tăng cao.

Tuy vậy, theo ông Ngân khả năng giá cả các loại hàng hóa trong năm 2010 tiếp tục tăng mạnh là giả thiết có thể xảy ra nhiều hơn, cùng với chính sách kích cầu tiếp tục được thực hiện thì CPI sẽ có thể dao động từ 12-13%, tuy vậy “con số này là không đáng ngại”. Lý do, theo ông Ngân là trong việc đưa ra các chính sách giúp nền kinh tế phục hồi thì lạm phát tăng lên là điều có thể hiểu được.

Ông Ngân cũng ủng hộ chính sách của chính phủ trong việc kéo dài gói hỗ trợ lãi suất trung dài hạn 2% trong năm 2010. Vì theo ông, hiện nay doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn nên việc dừng ngay các gói hỗ trợ sẽ khiến doanh nghiệp khó phục hồi trở lại. “Gói hỗ trợ này có thể sẽ khiến cho lạm phát tăng lên nhưng so với những cái đạt được, tôi cho rằng cũng không đáng ngại”, ông Ngân nói.

Về vấn đề giá cả nhiều loại mặt hàng trên thế giới đang tăng lên, trong đó có gạo, theo ông Ngân là một hỗ trợ tốt cho nông dân Việt Nam; do vậy, những tác động của việc tăng giá này đến toàn bộ nền kinh tế chưa hằn đã xấu. “Chỉ khi giá cả thị trường tăng mạnh do bị đẩy giá thì mới đáng lo”, ông Ngân nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A thì mức tăng của CPI sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, song yếu tố tâm lý là khá quan trọng và chính yếu tố này nhiều lúc sẽ khiến cho chỉ số CPI tăng cao. Ông cho rằng các bước đi của chính phủ hiện nay là phù hợp, nên lạm phát năm 2010 lên cao như năm 2008 là không thể xảy ra. Tuy vậy, mức tăng sẽ cao hơn năm 2009. Theo ông A, những quan ngại quá mức về việc chỉ số CPI có thể là không nên đưa ra vào lúc này, vì sẽ khiến nhiều doanh nghiệp tăng dự trữ hàng hóa, khiến thị trường thiếu nguồn cung, đẩy giá tăng lên.

Còn dự báo CPI của năm 2009, theo ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả thuộc Bộ Công Thương thì riêng trong tháng 12, mức tăng của chỉ số CPI sẽ là 2-3%. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng của tháng 11 (0,55%) do nhiều loại hàng hóa, trong đó có gạo và xăng dầu đã bắt đầu có những dấu hiệu tăng giá khi đã vào mùa mua sắm Tết. Ông Ánh cho rằng trong năm nay, CPI có thể tăng từ 7-8% so với cuối năm 2008.

Theo Thanh Hương
TBKTSG