Năm 2010: Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là một trong những nội dung chính tại buổi làm việc diễn ra chiều ngày 18/9/2009 của Ủy ban kinh tế Quốc hội với Bộ Công Thương về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2009 và kế hoạch năm 2010. Thứ trưởng thường trực Bùi Xuân Khu trực tiếp làm việc với đoàn.

Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm của ngành Công Thương sẽ là việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; đưa nhanh các dự án đầu tư vào hoạt động; rà soát, cân đối để đẩy mạnh xuất khẩu.

Dự kiến năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 698,8 nghìn tỉ đồng, trong đó: khu vực kinh tế nhà nước tăng 4%, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao hơn, lần lượt là 10% và 8,2%; tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp sẽ đạt 3,3-3,8%.

Hoạt động thương mại nội địa với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt trên 1.150 nghìn tỉ đồng, tăng trên 18% so với năm 2008. Dự kiến tổng vốn đầy tư xây dựng cơ bản thực hiện năm 2009 là 160.124,8 tỉ đồng, bằng 96% kế hoạch năm.

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2009 đang vấp phải một số khó khăn do nguyên nhân khách quan. Về lĩnh vực XK, với mục tiêu kế hoạch kim ngạch XK (đã được Quốc hội điều chỉnh) tăng 3% thì cả năm phải đạt 64,68 tỉ USD.

Tuy nhiên, đến hết tháng 8/2009 mới đạt 37,25 tỉ USD nên mục tiêu 4 tháng cuối năm phải đạt trên 27,4 tỉ USD (bình quân hơn 6,8 tỉ USD/tháng) là con số khó có khả năng đạt được. Nguyên nhân chính là do giá dầu thô thế giới giảm, sản lượng hàng XK của Việt Nam tăng về lượng nhưng lại giảm về giá trị do giá thế giới giảm.

Dự kiến, kim ngạch XK năm 2009 ước đạt khoảng 59 tỉ USD. Tương ứng với mức tăng trưởng XK 3%, tổng kim ngạch NK phải đạt 75 tỉ USD, tuy nhiên, theo ước tính thì kim ngạch NK chỉ ở mức 70 tỉ USD, giảm 13,3% so với năm 2008. Nhập siêu của năm 2009 sẽ là 11 tỉ USD, bằng 19% tổng kim ngạch XK.

Điểm mạnh của hoạt động thương mại năm 2009 chính là công tác xúc tiến thương mại (XTTM), chưa năm nào, hoạt động XTTM được quan tâm nhiều như năm nay.

Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động này, công tác XTTM cũng được đẩy mạnh về bề rộng và chiều sâu bằng các hoạt động xúc tiến tại các vùng nông thôn, tham gia các triển lãm, hội chợ ở nước ngoài cũng như việc mời các đối tác nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội giao thương.

Năm 2009, hàng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ở thị trường nội địa so với các năm trước; hoạt động kiểm soát nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng được siết chặt nên nhìn chung hàng NK có mặt tại thị trường nội địa ít hơn. Các gói kích cầu của Chính phủ cũng đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Bộ Công Thương đang có kiến nghị kéo dài gói kích cầu nông nghiệp đến tháng 6/2010.

Trước những kết quả đã và dự kiến sẽ đạt được trong năm 2009, Bộ Công Thương đã đưa ra một số kế hoạch cơ bản cho hoạt động của ngành trong năm 2010.

Theo đó, so với năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,5%, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng 6%; tổng kim ngạch XK hàng hóa tăng từ 6% trở lên, đạt 62,54 tỉ USD, dự kiến kim ngạch NK là 75 tỉ USD và nhập siêu sẽ bằng 20% tổng kim ngạch XK; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường nội địa tăng khoảng 18%.

Ngành Công Thương sẽ bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra sốt hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng theo mục tiêu Chính phủ đề ra.

Trong năm 2010, dự kiến sẽ có trên 200 đề án XTTM được phê duyệt với kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 250 tỉ đồng, tăng 45% so với thực hiện năm 2009.

Ngoài việc sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh các dự án trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và mở rộng hoạt động XTTM; để đạt được mục tiêu kim ngạch XK, Bộ Công Thương sẽ sẽ tận dụng tối đa những thuận lợi từ các Hiệp định, thỏa thuận kinh tế song phương; xây dựng kênh phân phối một số mặt hàng XK mà Việt Nam có thế mạnh.

Tại thị trường nội địa, sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa trong nước để kịp thời chỉ đạo cũng như kiến nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp điều tiết bình ổn thị trường. Hoàn thiện hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ, đặc biệt là phân phối các mặt hàng thiết yếu quan trọng như lương thực, xăng dầu, thép, phân bón, xi măng.

Theo Thùy Linh
Nguồn: Báo điện tử Công thương