Năm 2012: Nguy cơ giảm 30% đơn hàng xuất khẩu dệt may, da giày !
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặt hàng da giày cũng có biến động tương tự, sau 4 tháng liên tiếp (từ tháng 5 đến tháng 8) đạt kim ngạch xuất khẩu ở mức cao từ 570 – 640 triệu USD/tháng, từ tháng 9 đến nay, kim ngạch xuất khẩu da giày chỉ đạt hơn 400 triệu USD/tháng do lượng đơn hàng chững lại.

Theo dự báo của các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu dệt may, da giày trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là việc xuất khẩu qua thị trường Mỹ và EU do ảnh hưởng khủng hoảng nợ công tại hai thị trường này vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu cải thiện.

Đối với dệt may, chỉ tính riêng trong tháng 10/2011 các DN vừa và nhỏ của ngành dệt nay đã bị giảm đơn hàng từ 15-20% so với cùng kì năm 2010. Ngành da giày tuy có khả quan hơn nhưng sản lượng đơn hàng xuất khẩu vào EU cũng đang bắt đầu giảm sút do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế ở các nước EU. Nhiều DN cho biết, sản lượng đơn hàng xuất khẩu cho năm tới đã giảm đi 20% – 30% so với trước.

Một mặt phải đối mặt với những bất ổn từ các thị trường, mặt khác các DN  dệt may, da giày cũng đang phải gồng gánh với những khó khăn do chính sách mới về điều chỉnh tiền lương cho công nhân đã bắt đầu áp dụng từ tháng 10/2011.

Đại diện Công ty May túi xách Minh Tiến (TP.HCM) chia sẻ: từ đầu tháng 10/2011, tiền chênh lệch đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu mới so với mức cũ của DN là gần 100 triệu đồng/tháng. Sự phát sinh chi phí ở thời điểm này khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã khó lại càng thêm khó.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó TGĐ Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 cho biết, chi phí sản xuất tăng, nhưng DN rất khó điều chỉnh giá sản phẩm, bởi nếu tăng, khách hàng có thể chuyển sang gia công hàng các nước khác. Đây là thách thức lớn với các DN trong việc đảm bảo tính cạnh tranh cũng như đưa ra kế hoạch xuất khẩu năm 2012.

Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may- Thêu đan TP.HCM cho rằng, trên thực tế để ổn định nguồn lao động tất cả các DN dệt may đã phải trả lương cho công nhân cao hơn mức lương tối thiểu do vậy thực chất việc tăng lương tối thiểu hiện nay chỉ tăng thêm chi phí cho DN chứ không mang lại lợi ích gì cho người lao động(vì lương tăng nhưng các khỏan phụ cấp trước đây sẽ bị cắt giảm vì chi phí DN tăng cao) . Thậm chí thu nhập của người lao động còn bị giảm sút hơn so với trước do DN phải “chắt bóp” bù vào mức tăng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.

Để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của các DN, ông Hồng cho biết, trong thời gian tới Hội Dệt may thêu đan TP.HCM sẽ có sự liên thông chặt chẽ với các DN nhằm kịp thời cập nhật thông tin về diễn biến của thị trường, trên cơ sở đó hỗ trợ các DN kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt hơn. Ngoài ra, Hội Dệt may- Thêu đan TP.HCM cũng khuyến nghị các DN nên có sự kết hợp với các thương hiệu ở trong nước để bù đắp sự sụt giảm về xuất khẩu.

Mai Ca
Nguồn: Báo điện tử Công thương