Năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu 5,3 triệu tấn gạo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa năm nay tăng khoảng 2,6 triệu tấn so với năm ngoái. Trong đó, riêng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diện tích lúa cả năm ước đạt 3,8 triệu ha, tăng 126.000ha so với năm 2007; sản lượng lúa ước đạt 20,3 triệu tấn, tăng 1,63 triệu tấn so với năm trước.

Cụ thể, giá gạo tăng cao hồi đầu năm khiến bà con mở rộng diện tích trồng lúa. Diện tích vụ Hè Thu và Thu Đông tại ĐBSCL vì thế tăng tổng cộng tới 483.000ha, sản lượng tăng 1,3 trệu tấn. Khi giá giảm, vụ Mùa này diện tích cũng giảm mạnh (117.000ha) so với năm trước và sản lượng lúa dự kiến cũng giảm khoảng 403.000 tấn, còn 903.000 tấn.

Bộ NN-PTNT cho biết, với sản lượng lúa 38,6 triệu tấn, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng trong nước (28 triệu tấn), lượng lúa hàng hoá còn khoảng 10,6 triệu tấn (tương đương 5,3 triệu tấn gạo).

Do vậy, mới đây nhất Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong văn bản gửi Chính phủ, đã kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu gạo tự do, không phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đồng thời bỏ giá sàn từ nay đến hết tháng 2/2009.

Tin liên quan tại Báo Điện tử VietNamNet

Số liệu từ VFA cho thấy, sau hai đợt triển khai mua lúa theo yêu cầu của Chính phủ, các DN đã thu mua được tổng cộng 917.000 tấn quy gạo. Tổng số hợp đồng đăng ký đến thời điểm này đã đạt 4,46 triệu tấn, trong đó hợp đồng tập trung là 2,25 triệu tấn và hợp đồng thương mại 2,15 triệu tấn..

Đến nay, cả nước xuất khẩu được khoảng 4,09 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 2,6 tỷ USD, tuy giảm 5,4% về lượng nhưng tăng tới 90% về giá trị so với năm trước.

Nguyên nhân khiến giá lúa gạo tại ĐBSCL giảm mạnh, Bộ NN-PTNT nhận định, là do sản lượng lúa vụ Hè thu đạt cao, trong đó có một tỷ lệ khá lớn lúa chất lượng thấp (giống IR 50404). Ngoài ra, giá gạo thế giới sụt giảm nên một số khách hàng chờ giá xuống thấp hơn mới ký hợp đồng. Lãi suất tín dụng hiện vẫn cao nên các DN hạn chế mua dự trữ.

Trước những vấn đề trên, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh chỉ đạo sản xuất chặt chẽ, đảm bảo chất lượng lúa tốt và tùy tình hình có thể khuyến cáo không sản xuất thêm lúa vụ 3.

Đối với loại gạo giống IR 50404, trường hợp tiếp tục khó khăn về đầu ra có thể xem xét dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi thay thế lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu hiện nay.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét cho nông dân và các DN thu mua lúa gạo được giãn nợ và miễn bỏ lãi khi giãn nợ. Bên cạnh đó, xem xét hỗ trợ lãi suất cho vay cho nông dân và các DN thu mua để giảm gánh nặng về lãi suất khi thu mua chờ xuất khẩu, nhất là đối với loại gạo IR 50404 đang khó tiêu thụ.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet