Nam Phi – thị trường nhiều tiềm năng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các sản phẩm của thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô hiện đang được bày bán chính thức tại hai siêu thị lớn nhất Nam Phi là Checher và Shoprite. Bà Hồ Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế của CTCP Kinh Đô cho hay, sản lượng xuất khẩu mỗi tháng hiện tại của công ty sang thị trường này là hơn 20 container, đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 4 triệu USD/năm

 Hiện nay, Kinh Đô đang chiếm nhiều ưu thế tại thị trường này và dự kiến trong năm 2014 sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh phân phối tăng thêm 20% so với năm trước.

Đó là những bước đi đầu tiên thành công tại Nam Phi của Kinh Đô, trước mắt còn một lộ trình dài để khẳng định vị trí vững chắc tại đây. Bà Lan thừa nhận, việc thâm nhập vào thị trường mới không phải là điều dễ dàng.

Trước mắt, Kinh Đô không đặt nặng mục tiêu về lợi nhuận mà chọn phương thức hỗ trợ giá cho thị trường Nam Phi, đồng thời thông qua văn phòng Lãnh sự quán Nam Phi tại TP. Hồ Chí Minh để tìm kiếm thêm đối tác, ưu tiên khu vực miền Nam Nam Phi, nơi hội tụ nhiều cơ hội để phát triển lâu dài. Trong tương lai, Kinh Đô sẽ thành lập văn phòng đại diện tại Nam Phi, đồng thời mở rộng nhiều showroom để phục vụ nhu cầu của người dân thị trường này.

Trong bối cảnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường truyền thống có nhiều khó khăn, thời gian qua, không ít DN Việt Nam đã chuyển hướng xuất khẩu vào thị trường các nước châu Phi, đặc biệt là Nam Phi. Theo số liệu thống kê, Nam Phi đứng đầu trong danh sách 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam tại châu Phi, với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 920 triệu USD (xuất khẩu đạt 765 triệu USD), tăng 27% so với năm 2012.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Lãnh sự danh dự Nam Phi cho biết, là thị trường còn khá mới mẻ, để có thể xâm nhập và dần tạo được vị thế tại nước bạn, các DN Việt cần phải có sự kiên nhẫn, quyết đoán, tự tin, cũng như tự đánh giá được tiềm lực, thế mạnh của bản thân.

Song, các DN cũng phải biết sẵn sàng chấp nhận rủi ro, bởi đây còn là thị trường chưa thực sự phát triển về mọi mặt. Sự khác biệt khá lớn về văn hóa, hệ thống pháp luật nên được lấp đầy bằng việc tận dụng các kênh ngoại giao để mở rộng giao thương.

Thực tế, thời gian qua Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang Nam Phi các mặt hàng chính như điện thoại, giày dép, máy vi tính, hàng dệt may, nông sản các loại… Trong số đó, mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất vẫn là điện thoại các loại và linh kiện. Ngược lại, Việt Nam cũng  nhập khẩu từ Nam Phi một số mặt hàng như sắt thép, kim loại, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, bông, sợi các loại, phân bón…

Theo đánh giá của một số DN, điều đáng chú ý là bên cạnh nông sản thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao đã xuất hiện trong danh mục hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong thời gian tới, các DN trong nước sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác trong các lĩnh vực cả hai bên có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản, rượu vang…

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi đang có nhiều cải thiện và thuận lợi, tuy nhiên hợp tác đầu tư chưa thấy chuyển mình. Ông Võ Tấn Thành, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP. Hồ Chí Minh cho hay, Nam Phi mới chỉ có 3 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khiêm tốn khoảng 180.000 USD.

Về phía Việt Nam, mới chỉ có một số DN như CTCP Xuất nhập khẩu Vietranimex, CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, Công ty Thương mại tổng hợp Hà Nội là có dự án thành lập kho ngoại quan tại Nam Phi.

Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác giữa DN 2 nước, bà Kr Magau, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam khẳng định, thời gian tới chính phủ nước này sẽ tạo mọi điều kiện để thắt chặt hơn nữa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên một tầm cao mới, xứng đáng với tiềm năng sẵn có của cả hai bên.

Ông Kenneth Malatsi (Bộ Công thương Nam Phi) cho biết thêm, quốc gia này có hệ thống hậu cần ổn định, tài nguyên thiên nhiên khoáng sản dồi dào. Đặc biệt, Chính phủ Nam Phi đang tập trung nâng cấp hệ thống giao thông công cộng; sử dụng nguồn năng lượng sạch từ gió, mặt trời; sản xuất hàng hóa đặc biệt về sinh hóa học; và du lịch…

Đây là xu hướng tăng trưởng xanh, đang được quốc gia này theo đuổi và hiện rất khuyến khích các DN nước ngoài tham gia vào những lĩnh vực này.

Nhật Minh