Neo tỷ giá sẽ bóp méo thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cũng vì chính sách neo tỷ giá mà thị trường các nghiệp vụ phái sinh đã không có cơ hội để phát triển. Hậu quả là doanh nghiệp đã không được sử dụng những sản phẩm có thể bảo hiểm rủi ro trong các hợp đồng làm ăn, trong đó có rủi ro về tỷ giá.

Nghịch lý thị trường

Anh Hùng, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Hà Nội than vãn, những doanh nghiệp như anh đang “sống dở, chết dở” vì đô la! Chỉ riêng những ngày qua, với các lô hàng mới nhập khẩu về, doanh nghiệp của anh đã bị thiệt hại một số tiền không nhỏ do phải bù chênh lệch tỷ giá.

“Với lô hàng nhập khẩu 3 chiếc Camry ngày 12-3, chúng tôi phải bù chênh lệch do tỷ giá để tính nộp thuế cho Nhà nước là 16.020 đồng/USD, trong khi đó giá đô la mua vào tại thị trường tự do lại chỉ có 15.600 đồng/USD. Như vậy, cứ 100 đô la là phải bù 42.000 đồng. Đó là chưa kể, khi chúng tôi thực hiện thanh toán hợp đồng với bên công ty xuất khẩu qua ngân hàng mở LC, ngân hàng không nhận đô la mà bắt doanh nghiệp bỏ tiền đồng Việt Nam ra mua lại đô la của ngân hàng với giá 15.870 đồng/USD”, anh Hùng bức xúc.

“Ở thị trường Việt Nam, tiền đồng bị kiểm soát bởi NHNN theo chính sách “neo” một biên độ. Biên độ này lại không bao giờ phản ánh đúng theo thị trường, trong khi cung đô la quá lớn mà cầu lại ít. Điều này đã dẫn đến việc giá đô la giao ngay không bao giờ phản ánh đúng theo giá của NHNN. Các ngân hàng thương mại (NHTM) vì vậy không thể niêm yết giá sản phẩm phái sinh đúng theo thị trường được bởi giá gốc là giá giao ngay không phản ánh đúng thị trường”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết.

Vì thế, theo ông Quỳnh, qua gần 3 năm kể từ khi NHNN cho phép thực hiện các sản phẩm phái sinh đầu tiên, đến nay các NHTM vẫn chưa thể triển khai được đa dạng các nghiệp vụ, nhất là sản phẩm phái sinh phòng chống rủi ro tỷ giá VNĐ/USD. Riêng tại BIDV, từ giữa năm 2007 đến nay mới thực hiện được khoảng gần 20 hợp đồng phái sinh với trị giá 150 triệu đô la. Tuy nhiên, các hợp đồng này mới chỉ tập trung vào phòng ngừa rủi ro tỷ giá giữa euro và đô la, chưa chưa thực hiện được giữa đô la và đồng Việt Nam.

Cũng theo ông Quỳnh, ngay cả khi NHNN đã thực hiện nới rộng biên độ tỷ giá cũng vẫn chưa phản ánh đúng được giá của thị trường vì hiện nay người ta vẫn giao dịch dưới giá “sàn” của NHNN khoảng hơn 200 đồng.

Xu thế điều hành tỷ giá của NHNN, vì thế, là quá rõ ràng theo kiểu một chiều và biên độ cụ thể. Với xu thế này, tâm lý chung của các doanh nghiệp là không muốn giao dịch. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu muốn bán đô la để phòng ngừa đô la xuống giá nhưng chẳng ai muốn mua.

Chấp nhận đến bao giờ?

Các chuyên gia cho rằng, thị trường Việt Nam không như các thị trường khác bởi đồng tiền của ta chưa được tự do chuyển đổi. Hơn nữa, NHNN không mua vào trong khi đô la thừa nên xu hướng “ép” đồng Việt Nam tăng giá là quá rõ. Điều này đã dẫn đến tình trạng, trong trường hợp cầu lớn hơn cung thì giá sẽ vượt trần, còn nếu cung lớn hơn cầu thì giá đó nằm dưới giá sàn của NHNN.

Đó là chưa kể đến việc các doanh nghiệp mua đô la Mỹ ở bên ngoài để thanh toán là một hành động vi phạm pháp luật. Theo quy định, các cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do (kể các đại lý của các ngân hàng) chỉ được phép mua chứ không được phép bán ngoại tệ cho bất kỳ ai, trừ NHTM.

“Vấn đề nằm ở chỗ thực thi pháp luật của các doanh nghiệp mình quá kém. Vì vậy, ngân hàng đã có quy định, nếu tiền ngoại tệ dùng để thanh toán ra nước ngoài phải có nguồn gốc hợp pháp, nếu không chứng minh được thì chỉ có thể gửi tiết kiệm”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, ở những thị trường mà đồng tiền tự do chuyển đổi hoặc ngân hàng trung ương can thiệp một cách chủ động (có người mua, người bán), thì tính thanh khoản của thị trường sẽ cao.

Phân tích sâu hơn về thị trường, ông Quỳnh cho biết, hiện nay, những doanh nghiệp vay bằng đô la đang có lợi vì đồng tiền này ngày càng mất giá, nên khi trả nợ, doanh nghiệp quy đổi từ đồng Việt Nam sang đô la sẽ được lợi. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào khi vay đô la đã thỏa thuận lãi suất cố định với mức lãi suất cao của thời điểm đó (4,5%) thì nay sẽ bị thiệt hại lớn vì hiện tại FED đã cắt giảm xuống còn 2,7% (mà xu hướng là sẽ tiếp tục cắt giảm xuống còn khoảng 1,5-2%).

“Những đối thủ của họ trước đây nếu chỉ phải vay theo lãi suất thả nổi hoặc mới vay chịu một mức lãi suất thấp hơn nhiều. Do vậy, chi phí của họ sẽ thấp hơn và giá thành sản phẩm vì thế sẽ rẻ hơn”, ông Quỳnh lý giải.

Vì thế, ông Quỳnh cho rằng, nếu doanh nghiệp nào tỉnh táo và làm tốt công tác dự báo về xu hướng của thị trường thì có thể chuyển đổi sang lãi suất thả nổi, 6 tháng định giá lại một lần thay vì chốt một mức lãi suất cho suốt thời gian vay. Như thế, doanh nghiệp sẽ giảm bớt được rủi ro về tỷ giá và thiệt hại sẽ ít hơn.

Thực tế cho thấy, những khách hàng có các khoản vay bằng euro thời gian qua thực hiện các nghiệp vụ phái sinh qua BIDV đều được hưởng lợi do euro tăng gấp 1,5 lần so với đô la. Hơn nữa, họ vừa được bảo hiểm rủi ro tỷ giá giữa euro và đô la, lại vừa có thể chuyển đổi từ lãi suất cố định sang lãi suất thả nổi đô la.

Thế nhưng, những giải pháp đó chưa phải là tối ưu cho doanh nghiệp, khi mà cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam là cơ chế điều hành có kiểm soát, không phải thả nổi. Đến một lúc nào đó, khi tỷ giá được thả nổi hoàn toàn thì thị trường sẽ đơn giản chỉ “chạy” theo cung-cầu, chứ không như hiện nay.

Ở đây không nói Chính phủ sai hay đúng, mà chỉ có thể nói Chính phủ lựa chọn cái giá nào cho mục tiêu của mình. Với mục tiêu như hiện nay thì sự kỳ vọng cho việc phát triển thị trường phái sinh hay sự công bằng cho các doanh nghiệp là rất khó khăn. Nhất là trong bối cảnh thực thi pháp luật của doanh nghiệp vẫn còn kém nữa thì sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Cái lý của NHNN vì thế vẫn là do nền kinh tế Việt Nam chưa mạnh, dự trữ ngoại hối chưa nhiều nên NHNN phải thực hiện việc neo tỷ giá để điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, chấp nhận những cái phi thị trường. Do vậy, thị trường bị bóp méo, đồng nghĩa với việc các sản phẩm trên thị trường chưa thể phát triển.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online