Ngân hàng Nhà nước lo ngại chất lượng tín dụng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra NHNN, những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ cao lại là những ngân hàng có nợ xấu tăng. Sai phạm trong việc chấp hành qui định, thủ tục cấp tín dụng vẫn xảy ra một cách phổ biến tại hầu hết các tổ chức tín dụng được kiểm tra và phần lớn đều lặp lại những sai phạm đã bị phát hiện. Bên cạnh đó, việc sửa chữa sai sót tại một số ngân hàng chỉ mang tính đối phó.

Ngay cả với Chỉ thị 03 (nay là Quyết định 03) của NHNN, một số tổ chức tín dụng cũng chưa thực hiện nghiêm túc. Dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán đã vượt 3% tổng dư nợ nhưng nhiều ngân hàng vẫn cho vay không có quy trình cho vay và quy trình kiểm tra giám sát hoạt động cho vay. Có trường hợp lách quy định bằng cách không ghi mục đích sử dụng vốn vay để đầu tư chứng khoán trong hợp đồng tín dụng, tăng mạnh tổng dư nợ cho vay để giảm tỷ lệ cho vay trong kinh doanh chứng khoán.

Theo Thanh tra NHNN, tuy tỷ lệ nợ xấu giảm, song tỷ lệ này tại các tổ chức tín dụng được thanh tra thường cao hơn số liệu báo cáo. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao tại nhiều tổ chức chưa tương xứng với năng lực điều hành, đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro đang quá yếu.

Một số tổ chức tín dụng mở rộng quy mô nhưng thiếu cán bộ có năng lực, có trường hợp văn bản quy định của tổ chức tín dụng còn vi phạm các quy định của pháp luật, bộ máy kiểm tra và kiểm toán chưa phát hiện ra sai phạm. Có trường hợp tổ chức tín dụng chưa có bộ máy kiểm toán nội bộ chuyên trách theo quy định.

Mặc dù, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy trong các năm trước đây luôn không thừa nhận lạm phát có nguyên nhân từ yếu tố tiền tệ, song theo các chuyên gia, thực tế từ những năm trước đó (2000-2005) NHNN đã không có biện phát kiểm soát gì đặc biệt với lạm phát và các ngân hàng thương mại thoải mái trong cung tiền đồng. Vì thế, đà lăn của bánh xe đưa tiền đồng ra cho vay, sử dụng vốn với tốc độ lớn đã dẫn đến những hệ quả với thanh khoản của khối ngân hàng hôm nay. Hiện Chính phủ đã ban hành gói giải pháp chống lạm phát để giải quyết tình trạng này.

Tính đến hết năm 2007, tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng đạt hơn 900.000 tỉ đồng với tỷ lệ tăng là 38%. Dư nợ khối tín dụng quốc doanh chiếm 61% (giảm so với năm trước gần 8%) và khối cổ phần dư nợ chiếm gần 26% dư nợ toàn hệ thống và thị phần cuối 2006 là 19,3%.

Có 85/99 trong tổng số các tổ chức tín dụng có dư nợ tăng và 49% trong đó có tốc độ tăng trên 50%. Đáng chú ý, có 27 ngân hàng tăng trên 100% gồm 18 tổ chức tín dụng và 9 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online