Ngân hàng Nhà nước: Sẽ “bơm” USD!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra văn bản yêu cầu các Ngân hàng Thương mại, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nội dung liên quan tới vấn đề đảm bảo khả năng thanh khoản của các Ngân hàng Thương mại, đồng thời tiếp tục có văn bản yêu cầu các Ngân hàng Thương mại được phép hoạt động ngoại hối thực hiện một số nội dung nhằm đảm bảo cho các DN đầu mối nhập khẩu xăng, dầu có đủ vốn và ngoại tệ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu xăng, dầu năm 2008 theo chỉ tiêu Bộ Công Thương giao cũng đã phần nào bộc lộ bức tranh thiếu tiền nói chung, thiếu USD nói riêng của hệ thống Ngân hàng Thương mại Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đại Lai – Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là hiện nay chúng ta đang có hiện tượng lãi suất thực âm, các Ngân hàng Thương mại thiếu tính thanh khoản nghiêm trọng. Tiền ngoài lưu thông rất nhiều, một lượng lớn nằm ở các quỹ, các Cty tài chính của các tập đoàn, trong khi cầu ngoại tệ của các DN nhập khẩu lại rất lớn, có xu hướng mạnh lên do nhu cầu nhập khẩu của DN bắt đầu tăng cao từ quý 2.

Bên cạnh đó, phần lớn lượng tiền đồng mà Ngân hàng Nhà nước cung ứng mua 9 tỷ USD (khoảng 144.000 tỷ đồng) vào năm 2007 đã không được thu về. Các Ngân hàng Thương mại cho vay ra nhưng không thể thu vốn do rủi ro về kỳ hạn, về thanh khoản (lệch pha giữa việc huy động vào ngắn hạn, cho vay ra thì dài hạn, đến khi cần nguồn thanh khoản thì nguồn vốn đến hạn lại chưa tới, còn một số đến hạn có khi lại nằm trong tình trạng khách hàng khó khăn, hoãn giãn kéo dài). Hơn nữa, thu nhập của dân, thu nhập qua kinh doanh của các DN cũng không được gửi vào ngân hàng nữa nên ngân hàng rất thiếu tiền mặt. Theo tính toán của các chuyên gia, tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam chiếm khoảng 20%, tức là khoảng 200.000 tỷ đồng.

Với lượng nhập siêu lớn trong 4 tháng đầu năm nay (trên 11,6 tỷ USD, gần bằng nhập siêu của cả năm 2007) càng chứng tỏ lượng cầu lớn USD trong thời điểm này và cả năm 2008 sẽ tăng cao. Trong khi đó, ngoại tệ thu được từ xuất khẩu dầu thô (năm 2007 đạt 8,59 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trên 3 triệu USD, dự kiến năm 2008 đạt 9 tỷ USD), lại do Bộ Tài chính quản lý chứ không phải Ngân hàng Nhà nước.

Giải bài toán thiếu USD cũng như thiếu tiền nói chung trong các Ngân hàng Thương mại, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần phải phát triển sản xuất trong nước, tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu để giảm áp lực thiếu USD. Đó là giải pháp có tính chất vừa cấp bách vừa chiến lược. Tuy nhiên, tăng cung hàng hóa cho tiêu dùng trong nước, đồng thời hết sức kiềm chế xuất khẩu hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phải thực sự là ngân hàng độc lập quản lý toàn bộ lượng ngoại tệ vào ra của đất nước thay vì nhiều đầu mối như hiện nay (bao gồm cả Bộ Tài chính, các tập đoàn kinh tế nhà nước).

Mặt khác, TS Nguyễn Đại Lai cũng cho biết, trên cơ sở xem xét nhu cầu thực tế, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét bán USD với một mức độ cẩn trọng theo tín hiệu của thị trường để hút tiền mặt về. Bởi các Ngân hàng Thương mại nếu không tăng lãi suất huy động thì sẽ không thể nào hút được tiền đồng cũng như tiền USD. Được biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch rút 52.000 tỷ đồng của kho bạc nhà nước gửi tại các ngân hàng quốc doanh, chuyển về Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, theo các chuyên gia ngân hàng thì lượng tiền gửi bằng ngoại tệ trong số này cũng chiếm một tỷ trọng khá lớn.

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp