Ngân hàng nhỏ VN trước nguy cơ sáp nhập và mua lại: “Đèn xanh” đã bật?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lịch sử hoạt động tài chính VN chưa hề có một vụ sáp nhập NH nào diễn ra, nhưng ở nhiều quốc gia trên thế giới, làn sóng sáp nhập NH đã diễn ra mạnh mẽ hơn một thập kỷ nay. Có nhiều động cơ thúc đẩy hoạt động sáp nhập và mua lại như: Tối đa hoá tài sản của cổ đông (tăng giá trị cổ phiếu) hay tăng cường lợi ích của các khoản thu nhập sau khi sáp nhập; Tối đa hoá lợi ích của nhà quản lý.

Trong những động cơ này có động cơ giải cứu các NH sụp đổ. NHTƯ và các cơ quan pháp luật các nước thường khuyến khích điều này vì đây là phương pháp để bảo vệ khoản dự trữ bảo hiểm tiền gửi và tránh cho việc phục vụ khách hàng bị gián đoạn khi NH có nguy cơ phá sản.

Cần lành mạnh hoá hệ thống

Không như những ngành khác, tính hệ thống của ngành NH rất cao, nếu để xảy ra những sự cố như tình trạng rút tiền hàng loạt tại một NH là có thể gây ra hiệu ứng “domino” toàn hệ thống. Vì vậy, Chính phủ một số nước khuyến khích các NH lớn mua lại các NH gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, hợp nhất NH là nhu cầu tự thân của một số NH tìm cách củng cố địa vị trên thị trường. Số khác được thúc đẩy bởi mục tiêu tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động (sáp nhập tốn ít chi phí hơn thành lập NH hay chi nhánh mới). Một số NH tiến hành hợp nhất để xâm nhập thị trường mới, mở rộng hoạt động NH… Vì vậy, hoạt động sáp nhập và mua lại NH là một trong những biện pháp để các quốc gia xây dựng một hệ thống tài chính bền vững hơn, có khả năng cạnh tranh cao hơn.

Tính đến nay, VN có 82 NH, trong đó có 4 NHTM Nhà nước 40 NHTMCP, 33 chi nhánh NH nước ngoài và 5 NH liên doanh. Số lượng NH như vậy so với số dân hơn 85 triệu người thì không phải là nhiều, nhưng quy mô của các NH thì lại quá nhỏ bé. Tổng vốn điều lệ (VĐL) của các TCTD VN đến thời gian gần đây chỉ tương đương khoảng 6,5 tỉ USD. Hiện còn 11 NHTMCP có VĐL dưới 1.000 tỉ đồng/NH (dưới 59 triệu USD). Ngay Sacombank là NH có mức VĐL lớn nhất trong số các NHTMCP thì VĐL cũng chỉ tương đương 333 triệu USD.

Năng lực tài chính hạn chế đã khiến các NH nội địa, đặc biệt là các NHTMCP quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh vì quy mô hoạt động NH ngày càng gia tăng cùng với các khoản cho vay lớn chỉ có những NH có vốn chủ sở hữu lớn mới có thể đáp ứng yêu cầu. Quy mô nhỏ đang khiến một số NH VN phải đương đầu với nhiều rủi ro, khó tạo ra và duy trì niềm tin của công chúng… Đó là chưa kể bản thân NH khó khăn trong việc nâng cao trình độ công nghệ (kể cả công nghệ quản trị tiên tiến), cạnh tranh dịch vụ NH hiện đại, thu hút nhân lực giỏi… Vì vậy, xu hướng mua lại và sáp nhập NH là quy luật thị trường không tránh khỏi tại VN.

Ảnh hưởng đối với khách hàng và cổ đông

Các nghiên cứu về vấn đề này trên thế giới nói chung là tích cực. Người ta chưa tìm ra được bằng chứng nào cho thấy khách hàng chịu tổn thất do việc giảm chất lượng hay giảm mức cung ứng dịch vụ sau sáp nhập NH.

Hầu hết khách hàng tỏ ý tin tưởng chất lượng dịch vụ sẽ tăng sau khi NH sáp nhập. Về phía cổ đông, những ảnh hưởng tài chính nhìn chung cũng là tích cực. Sáp nhập NH nếu đạt được các mục tiêu tăng thu nhập, giảm chi phí hoạt động, tăng cường mức độ tập trung của thị trường… bao giờ cũng làm tăng thu nhập của NH. Thông thường sáp nhập hay diễn ra giữa NH lớn và NH nhỏ (bị sáp nhập). Việc trở thành cổ đông của các NH lớn là điều có lẽ các cổ đông sẽ yên tâm và hài lòng hơn.

Hội nhập kinh tế quốc tế đang khiến cho lĩnh vực tài chính ngày càng trở nên linh hoạt và khó lường. Những định chế tài chính quy mô nhỏ phải đối mặt với khó khăn rất lớn trong cạnh tranh. Cách đây vài năm trong chiến lược kinh doanh, một số NHTMCP VN đã tính đến chuyện tăng nhanh vốn chủ sở hữu, đón đầu xu hướng sáp nhập và mua lại NH để trở thành NH có quy mô và vị thế trên thị trường. Hoạt động sáp nhập và mua lại NH ở VN có lẽ chưa thể diễn ra trong vòng 1 năm nữa vì VN chưa có khung pháp lý đầy đủ về vấn đề này. Tuy nhiên, việc định hướng nhận thức công chúng, cổ đông và chuẩn bị cơ chế cho việc sáp nhập NH đã đến thời điểm thích hợp để đặt ra.

“Thời điểm này, kinh tế vĩ mô đang dần dần đi vào ổn định. Nền kinh tế nói chung và NH nói riêng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Theo tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN chưa tính đến việc sáp nhập NH nào cả, ít nhất cũng phải vài năm nữa…”. (Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội NHVN)

Nguồn:  Báo Điện tử Lao động