Ngân hàng rót hàng trăm tỷ đồng cho chứng khoán
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nổ phát súng đầu tiên, vào ngày 1/9, với sản phẩm “Cho vay chứng khoán – CK300” nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các nhà đầu tư. Tổng hạn mức tín dụng của sản phẩm này là 300 tỷ đồng, mỗi khách hàng có cơ hội vay tối đa 5 tỷ đồng với thời hạn không quá 2 tháng.

Kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, lạm phát giảm dần, Vn-Index tăng trưởng liên tục và tính thanh khoản cải thiện đáng kể là những lý do Sacombank quyết định quay lại thị trường.

Cũng với lý do này, từ hôm qua, Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank quyết định tăng hạn mức cho vay chứng khoán từ hơn 200 tỷ đồng hiện nay lên đến 800 tỷ đồng, tương đương gần 3% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Khách hàng chỉ được vay vốn nếu đầu tư vào những cổ phiếu nằm trong danh mục cầm cố của ngân hàng. Hạn mức tối đa dành cho mỗi cá nhân là 40% thị giá chứng khoán và không quá 3 lần mệnh giá.

Một số ngân hàng cổ phần khác cũng rục rịch lên kế hoạch cho vay chứng khoán sau thời gian dài thắt chặt vì thị trường đìu hiu.

Chuyên gia Kiều Hữu Dũng tỏ ra ủng hộ việc triển khai dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán, bởi đây là nghiệp vụ bình thường của nhà băng. Ông tin rằng Vn-Index có thể tái lập mốc 600-650, trong khi giới đầu tư chứng khoán đang rất khan vốn. “Chỉ có điều ngân hàng cần kiểm soát tốt rủi ro, đồng thời chọn lọc cổ phiếu để cho vay”, ông nói thêm.

Theo một lãnh đạo của Eximbank, giới hạn cho vay 40% thị giá giúp hạn chế rủi ro cho ngân hàng khi gia tăng vốn vào chứng khoán. Trước đây, các ngân hàng thường cho vay tới 70% thị giá. Vn-Index đang dao động gần 600 điểm, trong trường hợp tồi tệ nhất, thị trường giảm tới 60%, tức Vn-Index xuống 240 điểm, rủi ro với ngân hàng mới bắt đầu phát sinh.

Danh mục cầm cố của Eximbank chỉ có khoảng 100 cổ phiếu, trong đó hơn 80 mã đã niêm yết. Phần còn lại là OTC, trái phiếu và giấy tờ có giá. Danh mục này được xây dựng trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng của bộ phận chuyên môn trong ngân hàng.

“3% tổng dư nợ dành cho chứng khoán không phải là quá nhiều để có thể khiến thị trường tăng trưởng nóng. Nó cũng quá nhỏ để nói rằng ngân hàng ưu ái vốn cho chứng khoán trong khi nguồn vốn không thực sự dồi dào. Bản thân ngân hàng cũng có danh mục đầu tư của riêng mình, để làm sao sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả. Hơn nữa, nếu tất cả mọi người đều quay lưng với chứng khoán thì không ổn. Ngân hàng cũng có vai trò hỗ trợ thị trường và khách hàng của mình”, vị lãnh đạo này phân tích.

Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán Euro Capital cho rằng các ngân hàng tái triển khai dịch vụ cho vay cầm cố sẽ giúp thị trường tăng tính thanh khoản cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn mới.

Tuy nhiên, theo ông Minh mặt trái của dịch vụ này sẽ xuất hiện nếu thị trường lại điều chỉnh giảm, áp lực trả lãi ngân hàng dễ khiến người vay bán tháo cổ phiếu để trả nợ. Thậm chí, chính bên cho vay cũng sẽ bán ra nếu giá cổ phiếu cầm cố tụt xuống dưới mức quy định trong hợp đồng, trong khi bên vay lại không có khả năng bù đắp phần thiếu hụt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường điều chỉnh giảm sâu trong những tháng trước.

Hiện Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm cho vay cầm cố chứng khoán, song cũng không khuyến khích, mà yêu cầu các ngân hàng giới hạn cho vay không quá 3% tổng dư nợ. Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho rằng còn quá sớm để lạc quan vào tình hình kinh tế vĩ mô. Thị trường chứng khoán thời gian qua đi lên chủ yếu do cung cầu, chứ không bắt nguồn từ những yếu tố nền tảng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu như ở thời đỉnh cao, nguồn vốn ngân hàng đổ vào chứng khoán lên đến trên dưới 20.000 tỷ đồng, thì gần đây, con số này teo lại, chỉ còn một vài nghìn tỷ.

Một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ hoặc mới tái cơ cấu hoạt động tỏ ra thận trọng. Ông Nguyễn Quang Định, Tổng giám đốc PG Bank cho biết nhà băng này vẫn tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chưa tính chuyện gia tăng cho vay chứng khoán, chừng nào Ngân hàng Nhà nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, nguồn vốn huy động chưa dồi dào hơn. PG Bank đang cung cấp khoảng 40 tỷ đồng cho các nhà đầu tư chơi chứng khoán, tương đương 2% tổng dư nợ.

Từ vài tuần trước, giới đầu tư đã đoán già đoán non các ngân hàng sẽ sớm triển khai trở lại dịch vụ cầm cố chứng khoán. Song không phải ai cũng hồ hởi với thông tin mới từ Eximbank và Sacombank.

Anh Hoàng, nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Vn-Direct, từng thiệt đơn thiệt kép vì vay vốn ngân hàng để chơi. Anh được vay 50% thị giá để chơi một bluechip. Khi thị trường xuống, anh lõm gấp rưỡi số vốn bỏ ra vì giá cổ phiếu anh chơi rớt thê thảm. Anh tuyên bố sẽ không vay tiền để chơi vào thời điểm này.

Một chuyên gia ngân hàng quan niệm không thể đầu tư chứng khoán thành công với đồng tiền đi vay. Với thị trường Việt Nam hiện tại, nếu có 10 đồng vốn, nhà đầu tư sẽ khó mất trắng. Nếu vay thêm 10 đồng, cơ hội lợi nhuận lớn hơn, nhưng cùng với đó là rủi ro mất sạch vốn gốc nếu thua lỗ. Theo vị chuyên gia này, dùng nguồn vay mượn để mua cổ phiếu không chỉ làm tăng mức lỗ mà còn dễ khiến nhà đầu tư ra quyết định thiếu chính xác do áp lực tâm lý.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress